Tin văn nghệ
Hơn 100 phiên bản tài liệu tái hiện "Tết xưa" của người Việt
09:59 | 11/01/2022
Lần đầu tiên tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, nhiều hoạt động tương tác lý thú của phiên chợ ngày xuân được tổ chức song song cùng với việc trưng bày hơn 100 phiên bản tài liệu, hình ảnh thú vị, độc đáo, hiếm có về ngày hội lớn của đất nước.
 
Hơn 100 phiên bản tài liệu tái hiện "Tết xưa" của người Việt
Hình ảnh thiếu nữ Hà Nội đi chợ Tết
Chào đón Xuân Nhâm Dần 2022, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức triển lãm “Tết xưa” nhằm tái hiện một phần không gian Tết cổ truyền Việt Nam qua tài liệu lưu trữ.
 
Là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của người Việt đồng thời cũng là thời khắc được mong đợi nhất trong năm, Tết Nguyên đán không chỉ đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà còn chứa đựng những phong tục, tín ngưỡng mang đậm cốt cách, tinh thần dân tộc. Du xuân, chơi Tết đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam với những thông điệp nhân văn sâu sắc.
 
Vì vậy, Ban tổ chức đã bố cục triển lãm theo 3 chủ đề để tập trung phản ánh nét văn hóa đặc sắc của người Việt vào dịp Tết.
 
Đó là "phiên chợ ngày xuân". Phiên chợ này thường tổ chức vào cuối năm, là dịp để người ta hòa mình vào khung cảnh tươi vui, hối hả, rực rỡ sắc màu và để sắm Tết, đón một cái Tết tươm tất, đủ đầy.
 
Đó là "Cung chúc tân xuân". Nội dung này sẽ tái hiện các nghi lễ, phong tục, tập quán vào dịp Tết Nguyên đán của người Việt.
 
Tết Ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp là nghi lễ đầu tiên của Tết cổ truyền. Nhà cửa được trang hoàng bằng câu đối đỏ, hoa tươi, tranh Tết với ước mơ về một năm mới nhiều may mắn.
 
Một số nơi có phong tục dựng cây nêu, rắc vôi bột hay vẽ hình cung tên trước sân nhà. Lễ Giao thừa hay Lễ Trừ tịch diễn ra vào giờ phút cuối cùng của năm cũ, bắt đầu đón chào những điều mới mẻ trong năm tới.
 
Giao thừa là lễ "tống cựu nghinh tân" với lệ đốt pháo để xua đuổi mọi buồn phiền, mang lại sự giòn giã, vui vẻ. Sáng mồng một Tết, con cháu mừng tuổi, chúc thọ ông bà cha mẹ. Ông bà cha mẹ lại mừng cho con cháu mỗi đứa vài xu hoặc một hào, gọi là tiền mừng tuổi lấy may. Anh em, họ hàng, người thân đến nhà nhau lạy gia tiên và chúc cho nhau những lời hay ý đẹp.
 
Đó là "Du xuân" với hình ảnh của già trẻ trai gái, kẻ chợ nhà quê, quần điều áo thắm, người thì đi lễ, người thì du ngoạn, chỗ thì thi hoa thủy tiên, chỗ thì thi hoa đăng, chỗ thì hội hè hát xướng…. Người ta gọi là thưởng xuân, chơi xuân.
 
Triển lãm cùng các sự kiện sẽ phác họa một phần không khí Tết xưa với phong tục ăn Tết, lễ Tết” và chơi Tết của cha ông. Mặc dù ngày nay, các phong tục trong dịp Tết có nhiều đổi thay nhưng Tết Nguyên đán vẫn giữ được hồn cốt riêng, vẫn là ngày lễ quan trọng nhất, ấm áp nhất của cả dân tộc. Mỗi mùa xuân về, Tết đến là mỗi lẫn truyền thống được khơi dậy để tôn vinh và lưu giữ những nét đẹp vốn có của Tết Việt cho thế hệ mai sau.
 
Hơn 100 phiên bản tài liệu tái hiện
Phiên bản tư liệu tại triển lãm
 
Các hoạt động tương tác, tái hiện Tết Việt xưa sẽ đan xen tương ứng trong từng phần nội dung của triển lãm như: Phiên chợ ngày xuân với bánh chưng xanh, cành đào thắm, ông đồ cho chữ… giúp người xem có cơ hội trải nghiệm, hoài niệm về ngày Tết đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Triển lãm mở cửa từ ngày 14/1 đến ngày 15/3 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
 
Từ những tài liệu, hình ảnh của triển lãm, Ban Tổ chức hy vọng, công chúng sẽ tìm lại được những nét đẹp của Tết xưa đồng thời cung cấp nguồn sử liệu tin cậy phục vụ nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.
 
 
 
Theo An ninh Thủ đô
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng