Tin văn nghệ
Tọa đàm khoa học “420 năm chùa Thiên Mụ & những dấu ấn của chúa Nguyễn Phúc Chu trong lịch sử”
09:31 | 20/01/2022
Nhân kỷ niệm 420 năm xây dựng chùa Thiên Mụ và 330 năm chúa Nguyễn Phúc Chu lên ngôi, chiều 18/1, Sở Văn hóa & Thể thao Thừa Thiên Huế phối hợp với Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc Việt Nam tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học “420 năm chùa Thiên Mụ và Chúa Nguyễn Phúc Chu với những dấu ấn trong lịch sử”.
Tọa đàm khoa học “420 năm chùa Thiên Mụ & những dấu ấn của chúa Nguyễn Phúc Chu trong lịch sử”
(Ảnh: huecity.gov.vn)
Vào năm Tân Sửu (1601), Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng (thực ra là trùng kiến) chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê, cạnh dòng Hương Giang xinh đẹp. Từ đó đến nay, dẫu trải qua biết bao thăng trầm, chùa Thiên Mụ vẫn luôn là ngôi đại danh lam quan trọng nhất của xứ Huế, trở thành một trong những biểu tượng tiêu biểu nhất về một vùng đất văn vật, một trong những trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam”. 
 
Cũng cách đây tròn 330 năm, một trong những vị chúa Nguyễn kiệt xuất nhất - chúa Nguyễn Phúc Chu lên ngôi ở Đàng Trong. Và với 34 năm cầm quyền (1691-1725), ông đã để lại những dấu ấn đặc biệt đối với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là trên các phương diện mở rộng lãnh thổ, phát triển lãnh hải, phát triển văn hóa và hội nhập quốc tế. Đối với chùa Thiên Mụ, chúa Nguyễn Phúc Chu góp phần rất quan trọng trong việc mở rộng các công trình kiến trúc, phát triển đạo pháp và pháp bảo, nâng cao vị thế của ngôi đại danh lam này, đến nay có hai bảo vật mà ông để lại đã trở thành Bảo vật quốc gia. Đó là: Đại Hồng Chung và tấm bia đá khắc bài “Ngự kiến Thiên Mụ tự”.
 
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS-TS Đỗ Bang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: "Đóng góp nổi bật của Chúa Nguyễn Phúc Chu là công cuộc mở cõi vùng đất Nam Trung Bộ, định hình vùng Tây Nam Bộ, thành lập chính quyền ở Đông Nam Bộ, đồng thời xác lập và bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, thành lập đội Bắc Hải để khai thác vùng tài nguyên biển đảo phía Nam tổ quốc”.
 
Với 30 bài viết của các học giả, nhà nghiên cứu, gồm hai chủ đề: “420 năm chùa Thiên Mụ” và “Chúa Nguyễn Phúc Chu với những dấu ấn trong lịch sử”, buổi Tọa đàm tập trung phân tích những đóng góp của chúa Nguyễn Phúc Chu với chùa Thiên Mụ; công tác trùng tu, tôn tạo chùa Thiên Mụ qua Châu bản triều Nguyễn; vị thế của chùa Thiên Mụ đối với Huế và việc trùng tu ngôi cổ tự này cũng như định hướng quy hoạch phát huy giá trị di tích… góp phần nêu rõ vị thế của chùa Thiên Mụ trong lòng lịch sử Cố đô và vai trò, công lao của chúa Nguyễn Phúc Chu đối lịch sử Cố đô nói riêng và Việt Nam nói chung.
 
 
 
Quỳnh Chi
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng