Tin văn nghệ
Phục hồi và thăng hoa
14:51 | 08/02/2022
Văn hóa, nghệ thuật hai năm qua đối mặt với không ít khó khăn, thử thách do tác động của dịch bệnh Covid-19. Trong trạng thái bình thường mới năm Nhâm Dần 2022, những người làm nghề kỳ vọng các hoạt động trong lĩnh vực này sẽ sớm hồi phục và phát triển, khẳng định vị thế, bản sắc của văn hóa Việt.
 
Phục hồi và thăng hoa
Cảnh trong vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức biểu diễn đầu Xuân Nhâm Dần Nguồn: Nhà hát Cải lương Việt Nam
PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam:
 
Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư 
 
Về cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực, chúng tôi cho rằng cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng: Tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về cơ chế, nhưng phải xác định đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm thì mới phát huy được hiệu quả tối ưu, tránh lãng phí. Cần ưu tiên đầu tư để phát triển đội ngũ và tổ chức, ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài.
 
Bên cạnh đó cũng dành sự ưu tiên đầu tư phát triển những ngành đào tạo, những môn nghệ thuật không thể thích ứng hoặc khó thích ứng được với cơ chế thị trường, nhưng vô cùng cần thiết với sự phát triển của toàn lĩnh vực và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, như nghiên cứu phê bình lý luận, những môn nghệ thuật hàn lâm, những loại hình nghệ thuật truyền thống đang cần "bảo vệ khẩn cấp"... Đồng thời, cũng ưu tiên "đầu tư mồi" (seed funding) cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ văn hóa, sáng tạo để giúp cho những doanh nghiệp này có thể khởi nghiệp và phát triển.
 
Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần có cơ chế để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, nhất là thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, từ xã hội và nhất là từ cộng đồng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, đương nhiên phải theo những quy định, cơ chế cụ thể.
 
Giới văn nghệ sĩ kêu gọi được đầu tư không phải chỉ để lo trả "cái nợ áo cơm", mà ngày nay còn phải biết từ các nguồn đầu tư ấy làm cho chúng sinh sôi, sinh lời để tái đầu tư bằng cách chủ động, tích cực tham gia phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hơn nữa, trách nhiệm của hoạt động văn học, nghệ thuật là phải chăm lo giữ gìn và làm giàu có thêm bản sắc và tâm hồn dân tộc, góp phần hình thành "kháng thể văn hóa" trong hành trang hội nhập của các thế hệ người Việt Nam, để sao cho dân tộc ta "hòa nhập mà không hòa tan", "hội nhập để tỏa sáng".
 
NSƯT Quang Khải, Nhà hát Cải lương Việt Nam:
 
Mong được sáng tạo và thăng hoa
 
Nhớ lại khoảng thời gian dịch bệnh chưa bùng phát, những ngày đầu Xuân là thời điểm Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng như nhiều đơn vị nghệ thuật bận rộn nhất. Các nghệ sĩ thường đi biểu diễn ở các lễ hội trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mặc dù nguồn thu từ những buổi biểu diễn như thế không cao nhưng nghệ sĩ luôn xem đó là dịp để quảng bá, giới thiệu nghệ thuật cổ truyền đến với khán giả, qua đó bảo tồn di sản của cha ông.
 
Hai năm qua, tôi và các nghệ sĩ vẫn luôn động viên nhau vững tin, cố gắng vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Lãnh đạo các nhà hát vẫn tổ chức tập luyện chương trình để khi hết dịch là sẵn sàng biểu diễn. Chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi, mọi việc được thuận buồm xuôi gió và chúng tôi có sức khỏe để cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật sân khấu cải lương; Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng sẽ có những vở diễn tầm vóc, đón khán giả trở lại với sân khấu. Anh em nghệ sĩ tin rằng, sân khấu đang đi đúng biểu đồ và sẽ sáng đèn như xưa để chúng tôi trở lại nhịp điệu bình thường ấy, được biểu diễn, sáng tạo và thăng hoa thường xuyên.
 
Chào Xuân Nhâm Dần, nhiều đơn vị nghệ thuật từ Nam ra Bắc đang tổ chức các hoạt động biểu diễn. Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức biểu diễn vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” vào các tối 6, 7, 8.2 (tức mồng 6, 7, 8 tháng Giêng). Cả nghệ sĩ và khán giả nhanh chóng thích ứng với tình hình thực tế, một bên được thưởng thức nghệ thuật sau thời gian dài mong đợi, một bên được cổ vũ và thể hiện đam mê và lòng nhiệt thành với sân khấu.
 
Từ hứng khởi này, năm 2022, chúng tôi tập trung xây dựng các tác phẩm vừa phục vụ khán giả, vừa tham gia các cuộc thi, hội diễn, để anh em nghệ sĩ được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau bảo tồn và quảng bá nghệ thuật truyền thống.
 
Đạo diễn Phan Đăng Di:
 
Sớm hồi phục năng lượng cho điện ảnh Việt
 
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, những người làm phim hy vọng sớm hồi phục năng lượng cũ, đồng thời có cái nhìn dài hơi hơn cho điện ảnh Việt Nam.
 
Sau tất cả khó khăn, tôi cho đây là thời điểm rất thích hợp để mọi người nhìn lại những tác động của đại dịch, nội lực của điện ảnh trong nước, từ đó có sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Tôi cũng như những người làm điện ảnh đều chờ đợi sự thay đổi mang tính triệt để hơn trong tất cả khía cạnh của hoạt động điện ảnh, đặc biệt là chính sách thông thoáng, lường trước được sự phát triển, cạnh tranh mà mình sẽ phải đối mặt.
 
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sắp được Quốc hội xem xét thông qua phải thực sự khơi nguồn, tạo cho điện ảnh Việt Nam động lực, lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó phải có các hình thức khuyến khích sự phát triển tự thân của điện ảnh dân tộc, để khẳng định được tiếng nói trong điện ảnh, cạnh tranh được với các “ông lớn” đang chiếm thế thượng phong cũng như các nền điện ảnh lớn trên thế giới.
 
Việc quan trọng hàng đầu là có chiến lược dài lâu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là tài năng trẻ; đầu tư để mở rộng quan hệ giữa người làm điện ảnh trong nước với quốc tế. Chúng ta cũng phải cởi mở trong chính sách từ thẩm định và phân loại phim, có hệ thống phân loại phim hợp lý theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, có chính sách thu hút đầu tư trong nước cho hoạt động sản xuất phim, tạo môi trường đầu tư an toàn, có tính pháp lý rõ ràng, minh bạch cho những người bên ngoài muốn đầu tư vào điện ảnh Việt Nam. Luật quy định rõ ràng, thực thi ổn thì sẽ có nguồn đầu tư tổng lực từ trong nước đến ngoài nước để phát triển điện ảnh.
 
Cuối cùng, tôi vẫn nhấn mạnh, phải có quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, do Nhà nước điều hành, được vận hành khoa học, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế chứ không phải theo cơ chế xin - cho. Chúng ta may mắn đã có một số đạo diễn, một số phim đến được các liên hoan phim quốc tế, nhưng đó hoàn toàn là nỗ lực cá nhân. Nếu Nhà nước đầu tư bài bản, có vai trò lớn trong phát triển chung của điện ảnh, và thấy được vai trò của điện ảnh trong việc xác lập diện mạo chung của văn hóa, nghệ thuật của quốc gia, chúng ta mới có thể có nền điện ảnh phát triển mạnh.
 
 
 
N.Linh - Ng.Phương - H.Sen ghi
 
Theo Đại biểu Nhân dân
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng