Tin văn nghệ
Chạm nét oai linh
09:53 | 15/02/2022
Cách đây hàng nghìn năm, hổ “bước vào” mỹ thuật Việt Nam, với quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, sự oai linh của loài vật này. Trải qua các thời kỳ, hình tượng hổ được sáng tạo với đa dạng chất liệu, nhưng có lẽ đặc sắc, sống động nhất là những tác phẩm điêu khắc trong các công trình kiến trúc.
 
Chạm nét oai linh
“Bức chạm hổ” trên ô thoáng cửa Ảnh: Th. Nguyên

Quyền uy và sức mạnh

Được coi là chúa sơn lâm, có sức mạnh chinh phục muôn loài, từ xa xưa, hổ đã được linh hóa, biểu trưng cho quyền uy và sức mạnh. Cùng với diễn trình lịch sử, văn hóa Việt Nam, hình tượng hổ có những diễn biến và ý nghĩa, tạo hình, phong cách, ứng dụng khác nhau: từ ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng; là biểu tượng vương quyền đến những vật dụng, trang trí đời sống sinh hoạt thường nhật trong dân gian... Có thể nói, hình tượng hổ đã đồng hành và đóng góp các nét đặc sắc với phức cảm thẩm mỹ vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
 
Tượng hổ thường được tạc trấn giữ ở cổng tam quan các công trình kiến trúc cổ, đứng gác hai bên đường thần đạo ở  lăng mộ hay chầu trên hương án... Đặc biệt, đây cũng là đề tài ưa thích trong các tác phẩm điêu khắc ở đình làng. Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, nghệ thuật truyền thống của người Việt chủ yếu nằm ở đồ đồng, đồ gốm và điêu khắc đình làng. Những ngôi đình có niên đại sớm nhất là từ thế kỷ XVI. Đình Lỗ Hạnh, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang dựng năm 1576 có phù điêu hổ đang vờn. Đình Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc thế kỷ XVII có bức chạm cảnh người đang săn hổ. Ở đình Chẩy (còn gọi là đình Cổ Lễ), huyện Thanh Liêm, Hà Nam thế kỷ XVII cũng có mảng phù điêu người đang đánh nhau với hổ, người và voi săn hổ…
 
Nhưng có lẽ phổ biến nhất là những con hổ đá ở hai bên tam quan đình, miếu. Hổ là con vật, linh vật biểu trưng cho sức mạnh, hai bên cổng đình, đền thường đắp phù điêu hổ vươn người về phía trước oai hùng như bùa trấn yểm tà ma. Tường của đầu hồi là mặt hổ phù, cũng như 4 mặt của các ngai thờ là hình hổ phù miệng ngậm chữ Thọ sơn son thếp vàng... 
Thế kỷ XVI - XVIII là thời kỳ nở rộ của kiến trúc đình làng, với những chạm khắc trang trí mang giá trị nghệ thuật đặc sắc trong mỹ thuật cổ Việt Nam. Được xây dựng trong giai đoạn này, những ngôi đình nổi tiếng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam như Tây Đằng, Chu Quyến, Nghiêm Xá (Hà Nội), Trùng Hạ (Ninh Bình), Hùng Lô (Phú Thọ)... đều chạm khắc những đề tài liên quan đến hổ. Ở đó, hổ thường không “đứng” như tác phẩm độc lập mà tham gia vào các hoạt cảnh như: Hổ chạy theo chân Đinh Bộ Lĩnh trong cảnh mả táng hàm rồng, người cưỡi hổ (đình Chu Quyến cuối thế kỷ XVII), người cầm giáo đâm hổ (đình Tây Đằng, thế kỷ XVI), hổ cày ruộng (đình Hùng Lô, dựng năm Đinh Sửu 1697), người cầm súng bắn hổ (đình Hạ Hiệp), hổ mẹ - hổ con ở đình Trùng Hạ, thế kỷ XVII...
 
Thần thái linh vật và ý tưởng nghệ nhân
 
Theo nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến chia sẻ: “Khi chúng tôi nghiên cứu các lăng mộ đền Trần (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), ở lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ có tượng hổ rất đẹp, đuôi cuốn lên trên. Sau này vì chiến tranh, bức tượng được đưa về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trưng bày”. Tượng hổ có niên đại từ thế kỷ XIII - XIV, có kích thước gần như thật (dài 1m43) được tạo hình với dáng điệu nằm trên bệ. Thân hình hổ khá thon, bộ ức nở nang, bắp vế căng tròn. Tượng tạo khối đơn giản nhưng vẫn lột tả được vẻ dũng mãnh của vị chúa sơn lâm trong tư thế thư thái... Nghiên cứu về điêu khắc gỗ dân gian ở các ngôi đình vùng Sơn Tây, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến cũng thấy rằng, những công trình này thường thờ cúng voi, ngựa ở hai bên - những con vật gắn liền với chinh chiến, với anh hùng xung trận. Khác với voi, ngựa, hình tượng hổ trong điêu khắc dân gian thiên về yếu tố thần thoại, được chạm lộng khỏe khoắn trên các ván nong của đình làng. 
 
Cách thể hiện về hình tượng hổ vô cùng đa dạng, ít có sự lặp lại. Chẳng hạn, đình Văn Xá, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia từ năm 1962) còn lưu giữ được những mảng chạm khắc độc đáo trên các cấu kiện gỗ, trong đó đáng chú ý, gánh đỡ góc đao trước và sau đầu hồi phía tây đình là hai con hổ với tư thế khác nhau. Theo truyền thuyết, sau đại đình ngày xưa có khu vườn cây cối um tùm, một hôm có hai con hổ về ngồi chầu hai bên, từ đó dân làng gọi là “vườn Chầu”. Vì vậy, thợ chạm khắc hình hai con hổ gánh đỡ đầu đao, một con trong tư thế ngồi chầu, một con trong tư thế hai chân trước bắt một con thú, để ghi lại điển tích...
 
Bức chạm hổ trên ô thoáng cửa (thế kỷ XVII, ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội) đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, được tạo tác với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo như chạm lộng, bong kênh là đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc gỗ thế kỷ XVII - XVIII. Điểm đặc biệt là bức chạm thể hiện hình tượng hổ với dáng mềm mại, uyển chuyển, hiền từ, chân thực (tạo giống hình chữ Phúc) cũng là tác phẩm hiếm hoi lột tả được thần thái linh vật và ý tưởng của nghệ nhân. Đây là một trong những hiện vật quý, độc đáo giúp cho mọi người nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật chạm khắc gỗ và các giá trị văn hóa, lịch sử thời kỳ này. 
 
Có thể nói, tại hàng loạt đình làng ở Bắc Bộ, các nghệ nhân đã để lại rất nhiều hình mẫu khác nhau về hổ trong một thế giới gần gũi, thân quen, không bị lệ thuộc, gò bó về tạo hình, đa dạng về thủ pháp, giản lược về hình thức, bộc lộ cái nhìn mộc mạc, hóm hỉnh, đầy sức sống của nghệ thuật dân gian truyền thống. 
 
 
 
 
Theo Thảo Nguyên - Đại biểu nhân dân
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng