Vui mừng, hào hứng
Bày kín sảnh tầng 1 Nhà hát Múa rối Việt Nam là những hề rối, cờ, lọng, tàn, quạt, chiêng, phướn, các nghệ sĩ vừa sắp xếp đạo cụ vừa rôm rả cười đùa. Có lẽ lâu lắm rồi họ mới có được tâm trạng vui như thế. Nghệ sĩ Nguyễn Hồng Phong, Trưởng đoàn biểu diễn Thể nghiệm, Nhà hát Múa rối Việt Nam, cho biết: “Hai năm không được biểu diễn trực tiếp, tinh thần nghệ sĩ đều đi xuống. Với chúng tôi, phải được diễn trên sân khấu, có khán giả cổ vũ mới tạo động lực cống hiến, sáng tạo. Mấy hôm nay, chúng tôi khẩn trương khởi động lại các chương trình, tập luyện vở mới, nâng cao chương trình cũ sao cho đạt chất lượng tốt nhất phục vụ khán giả trực tiếp thời gian tới. Ai cũng muốn nhanh đến buổi diễn, đứng trên sân khấu, dưới ánh đèn, thấy khán giả từ ngạc nhiên, thích thú đến trầm trồ hướng theo trò mình diễn”.
Cảm giác vui mừng, hào hứng cũng đến với nghệ sĩ Sân khấu Lệ Ngọc. Kín lịch tập từ 8.2 đến nay, song thông tin Hà Nội mở cửa trở lại các rạp chiếu phim và cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật từ 10.2 khiến nhiều người như được tiếp thêm sức mạnh, “thấy khỏe ra và phấn chấn hơn”. Từ 21 - 25.2, đơn vị sẽ diễn 5 đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội với ba vở “Vụ án người đốt đền”, “Làm vua” và “Nước mắt của mẹ”, sau đó cả ba vở sẽ lưu diễn tại TP. Hồ Chí Minh từ 13 - 23.3, trung bình 2 suất diễn/ngày.
Nhà hát Tuổi trẻ cũng đang khởi động lại kịch mục phong phú với nhiều đề tài, đáp ứng mọi lứa tuổi bắt đầu từ 19.2. Khán giả trẻ sẽ được thưởng thức “Trại hoa vàng”, “Ngược chiều gió”; người lớn tuổi sẽ thấy thú vị với vở “Ông không phải là bố tôi”; khán giả thiếu nhi có “Bầy chim thiên nga”, “Hai cây phong”, “Cuộc chiến Virus”; hay những ai thích hài kịch, ca nhạc giải trí lựa chọn xem “Cái ao làng”, “Thank xuân 21”…
Trong guồng tập diễn hối hả những ngày này, có lẽ nhiều nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam vẫn chưa quên cảm giác náo nức, hồi hộp trước 3 suất diễn "Thượng Thiên Thánh Mẫu" từ mồng 6 - mồng 8 Tết vừa qua. NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ: “Từ chỗ mạnh dạn, mạo hiểm và bước đầu thành công, chúng tôi quyết định triển khai chương trình khai xuân những ngày tới. Khi đã vượt qua khó khăn thì niềm hạnh phúc rất ngọt ngào. Sau đêm diễn, không chỉ khán giả mà nghệ sĩ cũng rất phấn khởi. Họ đã được sống cùng nghề sau khoảng thời gian quá lâu không được biểu diễn trước khán giả. Đó là những tín hiệu tích cực cho sự hồi phục của nghệ thuật sau đại dịch”.
Xốc lại tinh thần nghệ sĩ
Theo NSND Tống Toàn Thắng, thời gian tới để khán giả đến rạp thường xuyên hơn, các buổi diễn an toàn hơn phải tính đến nhiều phương án. “Để chuẩn bị cho vở Thượng Thiên Thánh Mẫu ra sân khấu vuông, cùng với đó là Gala xiếc 3 miền, các chương trình xiếc phục vụ thiếu nhi… bắt đầu từ 20.2 chúng tôi phải khéo léo sắp xếp các buổi tập, biểu diễn, quảng bá. Đặc biệt, chuẩn bị phương tiện hỗ trợ an toàn để khán giả yên tâm thưởng thức nghệ thuật, nghệ sĩ yên tâm biểu diễn”.
Đây cũng là tâm tư của Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Thanh Ngoan trong quá trình tìm kiếm phương thức quảng bá nghệ thuật chèo trên YouTube, fanpage của Nhà hát. “Vừa tập luyện, vừa lên kế hoạch diễn, chúng tôi cũng phải tính tới bài toán doanh thu, bán vé ở thời điểm dịch vẫn diễn biến phức tạp. Mục tiêu chúng tôi đặt ra cho mình là thu hút khán giả, giữ vững tinh thần nghệ sĩ. Đồng thời, Nhà hát chia nhỏ các nhóm nghệ sĩ tập luyện cũng như đi biểu diễn để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch".
Nhà hát Tuồng Việt Nam đã lên kế hoạch liên kết biểu diễn tại các địa phương, đơn vị, trường học, song trước mắt là biểu diễn tại các sự kiện văn hóa, đặc biệt trên sân khấu. Trong đó, Nhà hát tổ chức chương trình giới thiệu nghệ thuật tuồng tới khán giả trẻ trên Youtube qua các trích đoạn: Ông già cõng vợ đi xem hội, Trần Quốc Toản ra quân, Tình mẹ... "Bên cạnh các chương trình quy mô nhỏ, không tổ chức bán vé thời gian trước, nghệ sĩ mong muốn có được những chương trình, hoạt động kết nối dài hơi để yên tâm làm nghề", Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn nói.
Sân khấu đang từng bước trở lại cùng các phương án linh hoạt kiểm soát dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới. Đại diện các nhà hát cho rằng, việc cần làm bây giờ là sốc lại tinh thần nghệ sĩ và khắc phục những thiệt hại về kinh tế trong 2 năm qua, mà điều này chỉ riêng các đơn vị nghệ thuật thì không làm được. Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho hay, nỗi lo lớn nhất hiện nay là chạy khán giả. “Chúng tôi không mong khán giả kín rạp nhưng cũng phải được một lượng nhất định, bởi thời điểm này có lẽ nhiều khán giả chưa sẵn sàng đến rạp. Việc khởi động lại rất quan trọng, tuy nhiên vì nghệ thuật, nghệ sĩ và khán giả cần được an toàn, như thế phải có sự chung tay của cơ quan Nhà nước giúp các nhà hát giảm áp lực về kinh tế trong bối cảnh nỗi lo giá xét nghiệm Covid-19 chồng giá vé…”.
Theo Hương Sen - Đại biểu nhân dân