Về sự trở lại của tập thơ Về Kinh Bắc trong ấn bản kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho rằng đây cách kỉ niệm tốt nhất của thế hệ sau đối với một thi sĩ đã từng sống, đã từng gặp những khó khăn, và cả những thiệt thòi trong quá khứ.
“Hoàng Cầm, một thi sĩ đặc biệt, trong một lịch sử đặc biệt, và trong một nền thi ca nhiều đặc biệt. Mỗi khi những cuốn sách, tuyển tập của Hoàng Cầm ra mắt thì vẻ đẹp của thi ca Hoàng Cầm lại được hiển lộ nhiều hơn. Lớp bụi thời gian phủ trên giá trị đích thực của những tác giả như Hoàng Cầm, mỗi một ngày sẽ được chúng ta - những người Việt Nam, những người yêu thi ca, những người phấn đấu hay đấu tranh cho những điều tốt đẹp - gạt đi những lớp bụi mờ dần và để hiển lộ những vẻ đẹp đích thực, những vẻ đẹp mà một thời chúng ta cảm giác khó khăn để thừa nhận”, ông Thiều nói. “Điều này khiến những người viết, người đọc tin rằng những thứ thuộc về giá trị đích thực sẽ dần dần trở về đúng vị trí, và tỏa sáng đúng với thứ ánh sáng mà nó mang theo ở bên trong mà không gì có thể cản được”.
Ấn phẩm “Hoàng Cầm Về Kinh Bắc”
Cũng theo ông Thiều, ấn phẩm Hoàng Cầm Về Kinh Bắc, một lần nữa giúp người đọc hưởng thụ những vẻ đẹp của thơ ca Hoàng Cầm: “Và qua nghệ thuật thi ca đó, chúng ta hưởng thụ những vẻ đẹp trầm sâu như một khối trầm tích chưa khai thác hết ở vùng Kinh Bắc - mà Hoàng Cầm là một trong những người mở dần những cánh cửa trong lâu đài bí mật và đầy kỳ diệu của vùng văn hóa Kinh Bắc”.
Vượt lên cả thơ, Về Kinh Bắc đích thực là một tư liệu văn hóa. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, “Hoàng Cầm đã tạo trong Về Kinh Bắc một vũ trụ thơ của ông. Một vũ trụ thơ Kinh Bắc mà ông về đó như cá về nước, ông tung tẩy, ông tự nhiên, ông được sáng tạo hết mình, và thăng hoa hết cỡ. Và chính ông như nguồn mạch ở đó. Kinh Bắc đã qua Hoàng Cầm để trở thành thơ, thành nhạc, thành những trầm tích văn hóa được neo giữ lại”.
Buổi ra mắt sách “Hoàng Cầm Về Kinh Bắc” kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm
“Thuần khiết nhất”
Dẫu biết nhà thơ hay thi sĩ là đều là những cách gọi như nhau. Song đối với Hoàng Cầm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều luôn chọn gọi tác giả Về Kinh Bắc là thi sĩ. Bởi, “tôi cảm giác trong đời sống, trong thi ca, kể cả những lúc khó khăn nhất, thách thức nhất, Hoàng Cầm đã sống một đời sống thuần khiết nhất, và thi ca của ông cũng là một tinh thần thuần khiết nhất”.
Còn đối với nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, người có nhiều năm gắn bó với nhà thơ Hoàng Cầm cả trong cuộc sống lẫn sáng tác, thì Hoàng Cầm là một trong rất ít những thi sĩ đích thực.
“Ông không chỉ là thi sĩ ở trong thơ. Trong đời sống, ông sống một cuộc sống đúng là một thi sĩ. Có rất nhiều người khi làm thơ rất thi sĩ, nhưng trong đời thường lại gây bất ngờ khi ta không thấy con người đó có gì là thơ. Nhưng đối với Hoàng Cầm, ông là một thi sĩ toàn phần” - ông Kha nhận xét - “Tức là bất cứ khi nào, bất kỳ ứng xử nào của ông dù nhỏ bé nhất, từ cầm ly rượu lên uống đến trò chuyện với bạn bè, đều lan tỏa một tinh thần thi sĩ, một cách không cố tình, mà rất đỗi tự nhiên. Đúng thực trời sinh ra Hoàng Cầm là để làm thơ”.
Nhà thơ Hoàng Cầm và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha tại Văn Miếu ngày 21/9/2002. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Cho đến nay, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha vẫn không quên những kỷ niệm biểu lộ tính thi sĩ cao độ của nhà thơ Hoàng Cầm. Ông Kha nhớ lại: “Năm 1999, tôi có bố trí để nhà thơ Hoàng Cầm đi vào Quy Nhơn. Trong chuyến đi, có những câu chuyện mà tôi thấy đúng là chỉ thi sĩ mới thế. Ví dụ, khi chúng tôi đến Quy Nhơn, có một người bạn rủ vào trong núi để ở... Ông vội vã lên đường đi ngay. Và kết quả của sự vội vã khiến ông quên mất hàm răng giả. Vì đi vào vùng núi nên không thể về ngay được, ngay buổi trưa hôm đó buộc lòng phải nấu cho ông một bát cháo suông để húp vì không còn răng”.
Ông Kha kể tiếp: “Chúng tôi đã sống với thi sĩ Hoàng Cầm trong khoảng 10 ngày ở vùng Bãi Dài, Quy Nhơn khi ấy còn rất hoang vu. Chỗ ở lúc ấy hoàn toàn chỉ có suối, có núi, và có biển. Thời điểm đó, tôi rất hy vọng ông sẽ làm được một cái gì đó về Quy Nhơn. Nhưng đúng là Hoàng Cầm rất nặng nghĩa với Kinh Bắc. Có vẻ ông vào đó chỉ để khám phá thêm điều mới, nhưng để rung động được thì không phải câu chuyện của Hoàng Cầm. Đó cũng là một phẩm chất thi sĩ”.
Nhà thơ Hoàng Cầm (hàng trước, phải) cùng Nguyễn Lương Ngọc (hàng trước, trái), Nguyễn Đình Toán (hàng sau, trái) và Hòa Vang tại Thành cổ Quảng Trị trong chuyến đi năm 1993 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán cung cấp
“Ngược lại, như Văn Cao vào Quy Nhơn, ngay lập tức viết ngay: Từ trời xanh/ rơi/ vài giọt tháp Chàm/ Quanh Quy Nhơn/ tôi/ như đứa nhỏ. Riêng Hoàng Cầm đã gắn bó với Kinh Bắc, và cuộc sống của ông chỉ có đào sâu vào vùng văn hóa ấy. Ngoài Về Kinh Bắc, tất cả những bài thơ khác của ông, sự hiển lộ của chất Kinh Bắc vẫn hết sức rõ ràng. Sự nhất quán này cũng được biểu hiện trong đời sống giàu chất thi sĩ của ông” - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cho biết thêm.
Càng đi nhiều với Hoàng Cầm, càng thấy chất thi sĩ hiển lộ lên. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha còn nhớ trong một lần cùng với nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đi làm phim tư liệu về Hoàng Cầm vào năm 1993, thay vì đi ô tô hay xe máy, ông đã sắp xếp thuê một chiếc xe ngựa để cùng nhà thơ Hoàng Cầm đi làm phim. “Mấy thầy trò cứ ngồi trên xe ngựa lọc cọc đi quay phim. Tôi cảm giác đó mới là chất Hoàng Cầm và ông đã rất thích thú. Hoàng Cầm bảo: “Tại sao lại nghĩ được ra chuyện hay như thế?”. Ông không nghĩ lại có thể rong ruổi ngồi trên xe ngựa cứ thế đi lang thang để quay phim. Chuyến đi đó, tôi cũng đã làm một bài thơ tặng Hoàng Cầm, lấy tên là Ghi ở Kinh Bắc”- ông Kha cho hay.
Chất thi sĩ trong con người của Hoàng Cầm đôi khi còn là những khoảnh khắc vui vẻ, hóm hỉnh. Là người chụp ảnh nhiều về nhà thơ Hoàng Cầm, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán nhớ về một kỉ niệm: “Năm 1993, nhà văn Hòa Vang và nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc bày trò đi bộ. Đó là cái cớ để tôi rủ được ông Hoàng Cầm, rất hay là ở chỗ mới nói, ông đã nhất trí đi ngay. Cuộc đi bộ của chúng tôi khởi hành ở báo Văn nghệ vào ngày 1/4/1993. Khi ấy, Hòa Vang nói là hôm nay là “ngày nói dối”, nhưng chúng tôi không nói mà chúng tôi đi. Hoàng Cầm sau đó giới thiệu: đây là “con chó nhớn” chỉ vào Hòa Vang (sinh năm Bính Tuất 1946), đây là “con chó con” chỉ vào Nguyễn Lương Ngọc (sinh năm Mậu Tuất 1958), chỉ tôi - đây là “con chó săn” (chuyên săn ảnh). Sau đó, ông vỗ ngực - đây là “con chó già” (Hoàng Cầm sinh năm Nhâm Tuất 1922). Cuộc đi bộ sau đó vào được đến tận Huế. Tôi có xe máy chở ông Hoàng Cầm, 2 người còn lại đi bộ thật”.
Nhà thơ Hoàng Cầm và nhà thơ Hoàng Hưng tại Thuận Thành – Bắc Ninh ngày 23/3/1994. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Sau cùng, theo nhà thơ Hoàng Hưng, “con người Hoàng Cầm cũng là một bí mật cần được khám phá của sự dung hợp giữa tính duy cảm và lí trí, tính đại chúng và tính tinh hoa, tính truyền thống và tính sáng tạo, con người chiến sĩ và con người nghệ sĩ… Đó cũng là một bí mật của thành công nghệ thuật trong thời kì bước vào nghệ thuật hiện đại của Việt Nam”.
Theo Công Bắc - Đỗ Doãn Tú
Thể thao & Văn hóa