Các giải thưởng văn chương luôn được đông đảo bạn đọc và giới chuyên môn quan tâm. Trong ảnh: Lễ trao giải thưởng của Hội Nhà văn TPHCM năm 2021
Hụt nhưng không tiếc
Đích thân ông Anders Olsson, Chủ tịch Viện Thụy Điển, gửi thư cho nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đề nghị ông đề cử tác giả Việt Nam để xét giải thưởng Nobel Văn chương 2022. Trong thư có đoạn: “Chúng tôi vinh dự mời ngài đề cử một ứng viên Việt Nam tham dự xét giải Nobel Văn chương 2022. Chúng tôi mong muốn nhận được bản giải thích về lý do đề cử ứng viên, mặc dù không nhất thiết phải có. Khi xem xét các ứng viên, đề nghị ngài hãy quan tâm tới các vấn đề về thể loại, giới và địa lý”.
Chủ tịch Viện Thụy Điển yêu cầu bản đề nghị được gửi tới Ủy ban Nobel trước ngày 31-1-2022 để chuẩn bị cho việc thảo luận về giải thưởng, tuy nhiên, vì một lý do nào đó, thư mời đến trễ. Dù đã hụt cơ hội quý giá này nhưng Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, ông thấy không có gì phải đáng tiếc, trái lại, niềm vui nhiều hơn. Ông lý giải: “Có lẽ đây là lần đầu tiên, Ủy ban Nobel gửi thư cho Việt Nam. Chúng ta đều biết rằng khi gửi thư cho một người, một tổ chức nào đó để đề nghị đề cử tác giả cho giải Nobel, nghĩa là họ đã có những thông tin, hiểu biết hay đã có một điều gì đó, cho dù là mơ hồ, về nền văn học đó”.
Thông tin Việt Nam để hụt đề cử Nobel vừa được công bố lập tức nhận được rất nhiều sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và giới chuyên môn. Trên một số diễn đàn, rất nhiều gương mặt văn chương đương đại của Việt Nam được độc giả đề cử. Có thể kể đến những cái tên như Lê Lựu, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Nguyên Phước, Nguyễn Ngọc Tư, Mạc Can, Đoàn Minh Phượng…
Bạn đọc Thục Uyên, thành viên của group Hội mê sách văn học, chia sẻ: “Phần tác giả trẻ, tôi thấy có mấy người triển vọng, họ đột phá hơn hẳn thế hệ trước, có văn phong, con đường riêng như Tru Sa và Lê Minh Phong. Nhưng liệu người ta có thể đề cử những tác giả trẻ đó hay không, khi cuộc sống văn chương của họ dường như nằm ngoài những hội nhóm nhà văn? Bởi hai tác giả này khá ẩn dật, nhưng nếu tìm tên của họ cùng với góc nhìn của các nhà chuyên môn, giới phê bình, sẽ thấy họ đã để lại những ấn tượng gì”.
Cần bình tĩnh và tỉnh táo
Nhà phê bình trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê cho rằng, Nobel Văn chương là một giải thưởng danh giá và uy tín. Thông tin Ủy ban Nobel lần đầu tiên gửi thư cho Hội Nhà văn Việt Nam, đề nghị hội đề cử tác giả cho giải là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng chúng ta cần thực sự bình tĩnh và tỉnh táo khi đón nhận thông tin này.
Theo anh, trong vài thập niên trở lại đây, thế giới phương Tây đang bắt đầu vươn đến địa hạt mà trước đây họ thường gọi là “thế giới thứ ba”, thế giới mới lạ, hương xa. Việc họ gửi thư đến Hội Nhà văn Việt Nam có thể chỉ là sự thực thi chủ trương đó, chứ không phải do văn học Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi trên thế giới.
“Ngoài ra, cũng không nên quá thần thánh hóa giải Nobel Văn chương. Có được Nobel Văn chương hay không, vì thế, theo tôi, không phải là vấn đề cần quan tâm trước nhất”, nhà phê bình Minh Khuê bày tỏ.
Theo dõi giải Nobel Văn chương nhiều năm nay, nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang cho biết, nếu xem danh sách đề cử được công khai trên website của giải Nobel có thể thấy nhiều tác giả nhận được nhiều đề cử trong nhiều năm nhưng cuối cùng vẫn không đoạt giải. Mỗi năm tới mùa Nobel, có nhiều dự đoán được đưa ra, nhưng đa phần đều... trật. “Có lẽ, điều thú vị ở giải Nobel là tính khó đoán định của nó. Như năm 2021, Nobel thuộc về nhà văn mang quốc tịch Tanzania, đất nước mà có lẽ nhiều người còn xa lạ. Nếu xét về mặt địa lý thì cơ hội với giải Nobel san sẻ cho mọi đất nước”, nhà văn Huỳnh Trọng Khang nói.
Tạm gác lại câu chuyện Việt Nam hụt cơ hội đề cử giải Nobel Văn chương 2022, theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, phía Hội Nhà văn Việt Nam đang tiến hành chiến lược về dịch thuật để trình lên Chính phủ. Vấn đề dịch và quảng bá văn học Việt ra thế giới sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không có sự đồng hành của Chính phủ, bởi quá trình này đòi hỏi nguồn kinh phí không nhỏ để thực hiện.
“Tôi hy vọng đề án này sẽ được Chính phủ chấp nhận và sớm được tiến hành. Bởi vì, nếu không dịch thuật thì chúng ta sẽ không biết nền văn học của chúng ta đang ở tình trạng nào. Hội Nhà văn đã làm công tác quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới 4 lần, nhưng mọi thứ mới dừng lại ở một lời chào và thông báo chúng tôi có một nền văn học. Nền văn học ấy ra sao, cụ thể thế nào thì chúng ta chưa làm tròn. Nhiệm vụ của dịch thuật là làm cho họ nhìn thấy và tập trung vào những tác giả mà chúng ta chọn lựa”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết.
Theo Hồ Sơn - SGGP Online