Tin văn nghệ
Những sắc màu ‘Tháng ba’
09:41 | 14/03/2022
Sau những đợt mưa phùn giăng khắp phố phường, Hà Nội đã bừng lên sắc nắng. Hàng cây thắp nến hai bên đường những mầm xanh mới nhú, những bông hoa khoe sắc trên các ban công nhà chung cư, trong các vườn hoa phố thị, cũng là lúc hai nữ họa sĩ Hà Nội là Trần Thị Trường và Lê Thiếu Ngân bừng lên một ý nghĩ: Triển lãm tranh.
 
Những sắc màu ‘Tháng ba’
Chiều bên sông Hồng - Tranh: Trần Thị Trường
“Tháng ba”, tên triển lãm nhanh chóng được “chốt”, và sẽ khai mạc chiều ngày 19/3 tới tại Nhà Triển lãm mỹ thuật 16 Ngô Quyền. Triển lãm kéo dài trong 10 ngày, mang tới cho công chúng yêu mỹ thuật 70 bức tranh của hai họa sĩ mới bén duyên với hội họa giá vẽ nhưng nhanh chóng tìm được “tiếng nói riêng”.
 
Lê Thiếu Ngân là người Hà Nội gốc, sống tại phố Trần Quốc Toản, con gái của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Lê Vượng (người đã nhận nhiều Giải thưởng danh giá về nhiếp ảnh). Trước đây Lê Thiếu Ngân tu nghiệp ở Nga, về nước bà giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga (Trường ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội), đồng thời là Chủ nhiệm bộ môn, dạy hệ Đại học và Cao học cho đến khi nghỉ hưu.
 
Chồng của họa sĩ Lê Thiếu Ngân là ông Nguyễn Phú Bình - nguyên là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Trong thời gian theo chồng đi sứ ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, ngoài vai trò phu nhân, đứng bên cạnh chồng quảng bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài bà cũng dành thời gian học vẽ tranh thủy mạc, tham gia triển lãm tranh thường niên tại Tokyo (Nhật Bản), tham gia triển lãm nhóm hàng năm tại Tokyo (từ 2008 - 2011) và một số triển lãm nhóm nhỏ khác…
 
Sen - Tranh: Lê Thiếu Ngân.  
Sen - Tranh: Lê Thiếu Ngân
 
Trần Thị Trường đến với hội họa từ khi còn nhỏ, từng đỗ Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp khóa 1973-1978 nhưng bỏ dở không tốt nghiệp. Chồng bà là họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Hưng Việt. Do hoàn cảnh gia đình Trần Thị Trường bôn ba khắp nơi, sang Bulgari và các nước Đông Âu làm đủ mọi nghề. Về nước, Trần Thị Trường không chỉ sống với nghề báo chí, viết văn bà còn làm bầu show ca nhạc cho Trần Tiến, Ngọc Tân. Sau khi về hưu, bà là chuyên gia quyền tác giả âm nhạc tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương, và chuyên bình luận điện ảnh ở Cà phê thứ 7 Hà Nội với nhạc sĩ Dương Thụ… Bà là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
 
Hoa hồng - Tranh: Trần Thị Trường.  
Hoa hồng - Tranh: Trần Thị Trường
 
Những bức tranh tĩnh vật, phong cảnh, chân dung… với bút pháp hiện thực, vẽ trực họa, tìm tòi hình khối màu sắc, biểu cảm chân thực và giàu cảm xúc của hai họa sĩ đã được thực hiện trong 2 năm vừa qua, khi đưa lên không gian mạng đã được đón nhận tình cảm của bạn bè và người yêu hội họa.
 
Tranh của Lê Thiếu Ngân trong vắt, tình cảm, bút pháp dịu dàng. Tranh của Trần Thị Trường nồng nàn, bút pháp và màu sắc mạnh mẽ. Ngoài ra Trần Thị Trường còn đi sâu vào mảng chân dung. Bà để lại dấu vân tay của mình khi vẽ về các nhà thơ: Xuân Quỳnh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Ngọc Thu, Nguyễn Bảo Chân…; hay các nhà ngoại giao, luật sư: Nguyễn Phương Nga, Ngô Bá Thành, Cellist Ngô Hoàng Quân, nhạc trưởng Lê Phi Phi...
 
Điều đáng trân quý: Cả hai nữ họa sĩ đều vẽ với niềm say mê hội họa, không phải vì cần mưu cầu “cơm áo gạo tiền” như hồi còn trẻ, họ dành khá nhiều tranh cho việc gây quỹ từ thiện, tặng cho các bệnh viện, cho các hoạt động ngoại giao văn hóa...
 
 
 
 
Theo Thanh Xuân - Đại đoàn kết
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng