“Kể từ năm 1893, cứ hai năm một lần Hàm Nghi được phép đến nước Pháp chính quốc. Ban đầu là để ông có thể đến Vichy chữa bệnh gan, hậu quả của bệnh sốt rét. Nhưng ông đã tranh thủ những dịp này đến Paris xem triển lãm, thăm các phòng tranh, gặp các nghệ sĩ, như điêu khắc gia Auguste Rodin để học điêu khắc”, Amandine Dabat nói.
Chính trong thời gian sống lưu đày ở Alger, Hàm Nghi đã dần dần trở thành họa sĩ, vẽ rất nhiều tranh. Tranh của ông chịu ảnh hưởng của trường phái ấn tượng, hậu ấn tượng của Pháp và châu Âu, qua thầy dạy vẽ trực tiếp cho ông 15 năm là họa sĩ Pháp Marius Reynaud sống ở Algeria.
Tiếc là năm 1962, ngôi nhà của Hàm Nghi ở Algeria bị cháy rụi nên rất nhiều tác phẩm của ông không còn nữa. Amandine Dabat cho biết di sản hội họa của vua Hàm Nghi còn dưới 100 bức, phần nhiều là những bức tranh ông tặng bạn bè, gia đình...
Ngay sau khi xuất bản cuốn sách Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger, Amandine Dabat đã muốn tổ chức triển lãm các tác phẩm của cựu hoàng đế, nhưng đại dịch Covid-19 khiến việc thực hiện dự án này đến nay mới thành hiện thực. “Triển lãm tiếp nối luận án tiến sĩ của tôi. Tôi đã nghiên cứu gia phả về những người bạn mà Hàm Nghi tặng tác phẩm, tập hợp thành một catalogue trong luận án và một phần các tác phẩm này sẽ được trưng bày lần này”.
“Hàm Nghi đã được học mỹ thuật vào thời kỳ mà khái niệm về họa sĩ và mỹ thuật chưa có ở Việt Nam. Những khái niệm này chỉ được Pháp đưa vào Việt Nam năm 1925 với việc thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Hàm Nghi đã khám phá mỹ thuật phương Tây và ngay lập tức quan tâm đến những họa sĩ mà ông cho là xuất sắc nhất, đó là các họa sĩ trường phái ấn tượng, hậu ấn tượng, dựa theo phong cách của họ để vẽ nên các tác phẩm của ông”.
Amandine Dabat, ĐH Paris - Sorbonne (Paris IV)
|
Chỉ vẽ về thiên nhiên
Đây là dịp để công chúng Pháp khám phá một trong những nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên hấp thụ nền hội họa và điêu khắc Pháp, nhưng lại có phong cách khác với những bậc tiền bối. Theo Amandine Dabat, Hàm Nghi không vẽ tranh về xã hội chung quanh ông mà chỉ chú tâm vào thiên nhiên. “Chúng ta có thể hiểu sự chọn lựa này nếu biết rằng trong suốt cuộc đời mình, Hàm Nghi vẫn bị nhà chức trách Pháp xem là một nhà hoạt động chính trị, thường xuyên bị mật vụ Pháp theo dõi khi ông đến nước Pháp chính quốc. Báo chí Pháp cũng theo sát nhất cử nhất động của ông. Việc chỉ vẽ về thiên nhiên không chỉ là cách để ông thể hiện tâm trạng cô đơn, cảnh sống lưu vong, mà còn là cách để ông tách rời khỏi thế giới quanh ông, bảo toàn sự tự do của mình”.
Amandine Dabat cho đây là cách để Hàm Nghi “lách” kiểm duyệt của Pháp. Khi xem tranh của Hàm Nghi, người ta không biết ông vẽ lại những kỷ niệm mà ông còn giữ lại, cũng như không biết ông vẽ cảnh nước Pháp hay Algeria. Nói chung, ông vẽ thiên nhiên một cách rất phổ quát, không phân biệt nước này hay nước kia. Điều ông quan tâm duy nhất là vẻ đẹp của thiên nhiên”.
Về sự nghiệp điêu khắc, Amandine Dabat cho biết, Hàm Nghi bắt đầu thực hiện các tác phẩm điêu khắc rất có thể từ năm 1895. Ông gặp Auguste Rodin vào khoảng năm 1899, Hàm Nghi thậm chí đã tặng Rodin một bức tranh do chính ông vẽ, mà hiện còn được lưu giữ ở Bảo tàng Rodin và sẽ được trưng bày ở Nice. “Khi hai người gặp nhau, Rodin tiếp Hàm Nghi trong xưởng điêu khắc của ông. Chính Rodin đã dạy Hàm Nghi những nguyên tắc tổng quát về điêu khắc. Tác phẩm điêu khắc lâu đời nhất của Hàm Nghi còn được lưu giữ là từ 1915 - 1920. Người ta có thể thấy rõ dấu ấn, phong cách của Rodin”.
Sau Nice, Amandine Dabat cho biết cô rất muốn các tác phẩm của Hàm Nghi được giới thiệu trong các triển lãm khác. Cô cũng nóng lòng trở lại Việt Nam (lần cuối cùng cô đến Việt Nam là tháng 2.2020), vì cô tin rằng còn có thể tìm thấy những tài liệu, vật thể liên quan đến Hàm Nghi trong các kho tư liệu ở đây.
Trần Phương theo RFI - Đại biểu nhân dân