Tin văn nghệ
Viết tiếp câu chuyện nghệ thuật đương đại
15:54 | 17/03/2022
Lấy vỉa hè, đường phố làm không gian giới thiệu tác phẩm, người đi đường là khán giả, nghệ thuật đường phố đã phát triển tại Việt Nam trong hai thập kỷ trở lại đây. Tuy nhiên, trong quá trình hòa vào phong trào nghệ thuật đô thị trên thế giới, loại hình này cũng gây tranh luận trong chính những người thực hành nghệ thuật và cả công chúng.
 
Viết tiếp câu chuyện nghệ thuật đương đại
Nghệ thuật đường phố có tiềm năng phát triển ở Việt Nam Ảnh: tranhtuong.com
Sáng tạo từ đường phố
 
Nói về tác phẩm nghệ thuật, mọi người thường nghĩ tới triển lãm, không gian trưng bày, nhưng thực tế chúng hiện hữu quanh ta, hoặc ẩn mình trong những ngõ ngách của đường phố. Tại hội thảo “Nghệ thuật đường phố ở Việt Nam” nằm trong chuỗi sự kiện Saigon Urban Arts do Viện Pháp tại Việt Nam và Viện Goethe tại TP. Hồ Chí Minh đồng tổ chức cuối tuần qua, Daos - một trong những cái tên tiên phong cho phong trào nghệ thuật đường phố tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Nghệ thuật đường phố không chỉ có graffiti, mà gồm nhiều hình thái khác như trình diễn, sáng tác bằng nhiều chất liệu khác nhau tại đường phố. Anh tin rằng nghệ thuật đường phố không chỉ phụ thuộc vào một cộng đồng nghệ thuật hay cá nhân bất kỳ mà còn dựa trên đời sống văn hóa và sự chuyển đổi tại nơi đó. “Sự phát triển của nghệ thuật đường phố nằm ở chính những con người đang sinh sống ở từng góc phố. Hãy để đường phố đưa ra câu trả lời” - Daos khẳng định. 
 
Trong đó, loại hình phổ biến nhất của nghệ thuật đường phố - graffiti ra đời đầu thế kỷ XX, với ngôn ngữ thể hiện là câu chữ, ban đầu là cách thể hiện bản thân của người trẻ nổi loạn. Dần dần, các nghệ sĩ tiếp cận loại hình này, cùng với sự ra đời của các kỹ thuật vẽ chữ, cộng đồng nghệ thuật và phê bình đã công nhận graffiti là một loại hình nghệ thuật. Các nghệ sĩ đã đưa nhiều loại hình vào tác phẩm như dùng khuôn tô, tranh khảm, dán sticker, trình chiếu video thông qua hệ thống ánh sáng và hình chiếu, chạm khắc trên bề mặt...
 
Graffiti có thể biến đổi từ đời sống văn hóa đường phố để tiến vào gallery và viết tiếp câu chuyện nghệ thuật đương đại. Theo nghệ sĩ Đinh Q. Lê, đồng sáng lập Sàn Art - một tổ chức nghệ thuật đương đại tại Việt Nam: một số tác phẩm graffiti vào gallery, được nhiều người sưu tầm quan tâm, thậm chí xuất hiện trong các buổi đấu giá nghệ thuật. Graffiti ảnh hưởng nhiều tới mỹ thuật sau này, đặc biệt là thế hệ họa sĩ những năm 1990 đã đưa ngôn ngữ của loại hình này vào tranh. Đây cũng là lúc nghệ thuật đường phố không chỉ đơn giản gắn liền với sự “phá hoại”. 
 
Tại Việt Nam, graffiti nói riêng và nghệ thuật đường phố nói chung vẫn còn non trẻ. Nghệ sĩ Đinh Q. Lê nhận định: Graffiti đã có “tiến hóa”, thay đổi theo năm tháng. Đến những năm 2000, graffiti mới vào Việt Nam nhưng mang ý nghĩa khác so với nguyên gốc. Dù đã xuất hiện ở nhiều thành phố, nhưng nhìn chung loại hình nghệ thuật này vẫn chưa thật sự được nhiều người hiểu và biết đến. 
 
Trong khi đó, nhiều loại hình nghệ thuật khác như biểu diễn âm nhạc, ca múa, triển lãm lại từ khán phòng, sân khấu chuyên nghiệp ra không gian mở của đường phố để tiếp cận nhiều hơn công chúng...
 
Kết nối và đối thoại
 
Tuy vậy, nghệ thuật đường phố, đặc biệt là graffiti cũng gây ra nhiều tranh cãi. Thực tế, không ít thành phố phản đối việc phá hoại cảnh quan bằng graffiti, tuy nhiên nhiều nơi lại sử dụng loại hình này để tạo ra sức hút của không gian văn hóa, du lịch.
 
Tại Việt Nam từng có những bức graffiti bị chỉ trích, phê phán, song nghệ thuật đường phố cũng giành được thiện cảm của cộng đồng nhờ một số dự án. Chẳng hạn, chiến dịch nghệ thuật đường phố nhằm nâng cao nhận thức về các loài có nguy cơ tuyệt chủng như tê giác do tổ chức phi chính phủ Change thực hiện; hay Chuyến xe nghệ thuật hoang dã tại 7 tỉnh, thành phố do WildAid phối hợp với Change tổ chức; bức tranh tường về chủ đề môi trường thuộc dự án ''Môi trường sạch - Hành tinh xanh’’ tại Hà Nội, dự án tranh tường cải thiện không gian sống tại một số tỉnh, thành phố... Thông qua đó, nghệ thuật đường phố ngoài truyền tải thông điệp xã hội, làm đẹp không gian, mỹ thuật đô thị, còn được coi là một cách để xây dựng thành phố bền vững và thông minh.
 
Thường xuyên lựa chọn nghệ thuật đường phố như là một hình thức để truyền tải các thông điệp về môi trường, Giám đốc điều hành Change Vietnam Thới Thị Châu Nhi cho rằng, nghệ thuật graffiti tại Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng nếu gây ra nhiều phản ứng tiêu cực, chỉ được hiểu là vẽ bậy, thì sẽ khó phát triển. 
 
Linkfish - một trong những nghệ sĩ tiên phong của nghệ thuật đường phố Việt Nam, đang làm việc tại Hà Nội, cho rằng, giới trẻ có nhu cầu thể hiện mình và nghệ thuật đường phố phần nào thỏa mãn mong muốn của họ. Tuy nhiên, dường như nước ta chưa có nơi nào cho nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đường phố chính thống. Hạn chế về không gian thực hành, nguồn lực hỗ trợ, và cơ hội tiếp cận khán giả là những vấn đề mà người theo đuổi loại hình này đang gặp phải. 
 
Với những khó khăn thách thức như vậy, các chương trình, liên hoan nghệ thuật đường phố như Saigon Urbarn Art có thể giúp nghệ sĩ kết nối với công chúng. Theo chị Thới Thị Châu Nhi, qua đó giúp công chúng biết đến loại hình nghệ thuật này nhiều hơn, nghệ sĩ được tiếp cận nhiều khán giả, có thêm không gian, cơ hội để vẽ. Khi có chủ đề, cơ hội, không gian để vẽ, họ có thể phát triển, thể hiện ý tưởng sáng tạo. 
 
Nhu cầu và tiềm năng của nghệ thuật đường phố ở Việt Nam cũng đã và đang đòi hỏi các giải pháp về quản lý, quy hoạch và định hướng nghệ thuật. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa nghệ thuật đường phố và yếu tố bền vững là một trong những chủ đề cần được chú trọng, khi sự kết nối và đối thoại của nghệ sĩ với công chúng ngày càng nhiều hơn. 
 
 
Theo Thảo Nguyên - Đại biểu nhân dân
 
 
 
 
 
 
 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng