Ví dụ tập truyện dài Vụn ký ức của Yang Phan (sinh năm 1994) kể về cái chết nhưng không hết của G, một cử nhân gốc Á, theo học ngành vũ trụ, đang sống ở một nơi nào đó tại phương Tây. Không hết là vì cái chết như đã vô tình đánh thức hàng loạt ký ức về G trong tâm trí của những người đã từng tiếp xúc với anh. G không điển hình, cái chết của G cũng không điển hình, nó chỉ là cái cớ để suy ngẫm về đời người.
Còn truyện dài Kẻ săn chuột của Phã Nguyện thì viết về 3 cái chết gần như vô danh, đó là của bà lão nghèo nhặt rác, của ông già nghiện rượu vô gia cư, của người mẹ bị trộm giết. Họ đời thường đến mức tưởng chừng như không cần nhớ đến nữa, chẳng có gì tiêu biểu hoặc điển hình cả. Cái chết của họ vô tình được kể lại bởi một đứa trẻ làm nghề nhặt rác và người đàn ông làm nghề thu ngân, nhưng bị chậm phát triển.
Tập truyện ngắn Chuồng cọp trên cao của Nguyễn Thu Hằng viết về những mảnh ghép của các giấc mơ. Có người chân ướt chân ráo từ hồn quê Việt lên thị thành mong làm giàu; có những cô gái chàng trai ôm khư khư quá khứ đồng nội... Dùng giọng văn thơ mộng, tha thiết để đi vào hiện thực của từng cảnh, từng người, từng vật, nhưng thực ra cũng là của giấc mơ chính họ.
Quang cảnh buổi ra mắt 12 tác phẩm vào chung khảo Văn học tuổi 20 lần 7
Đưa ra 3 ví dụ như vậy để thấy 12 tác giả lần này chỉ muốn bày ra một hiện thực riêng tư, chẳng cần điển hình hóa. Trong hiện thực đó, có những chuyện rất thường nhật như các tác phẩm của Phã Nguyện, Mai Thanh Nga, Đinh Thành Trung, Lê Quang Trọng... có những chuyện của mơ tưởng, mộng mị như Hoàng Khánh Duy, Yang Phan, Nguyễn Thu Hằng, Hoàng Công danh, Nguyễn Dương Quỳnh, Nguyên Nguyên, Hiền Trang… Có 2 cảnh giới của 1 hiện thực, mà ngay cả các giấc mơ, viễn mộng hoặc viễn tưởng, huyền thoại cũng mang rõ dáng dấp của hiện thực. Một hiện thực của những trải nghiệm riêng tư, bé nhỏ, không điển hình và không phê phán hoàn cảnh khách quan.
Truyện dài ưu thế
So với lần 5 (328 tác phẩm) và 6 (458 tác phẩm), số lượng tác phẩm dự thi lần 7 nhiều hơn hẳn, với 511 tác phẩm. Tỷ lệ truyện dài và tập truyện ngắn của lần 5 là 149/179, lần 6 là 347/111 (nhiều gần gấp 3) và lần 7 là 366/139 (cũng gần gấp 3, bỏ qua 6 tác phẩm phạm quy). Trong 12 tác phẩm vào chung khảo thì có 6 truyện dài.
Với tiêu chí hiển danh tác giả dự thi, 12 tác phẩm vào chung khảo đã được NXB Trẻ in và phát hành
Độ tuổi trung bình của 12 tác giả vào chung khảo là 30,8 tuổi, với 1 thuộc lứa 7X, 2 thuộc 8X, còn 9 thuộc 9X. Trước đây, quan sát đời sống văn học nói chung, thấy các tác giả trẻ thường ưu tiên viết thơ và truyện ngắn nhiều hơn là truyện dài và tiểu thuyết. Việc tăng trưởng về số lượng truyện dài của 2 mùa giải gần đây phần nào hé lộ cho thấy tầm quan tâm về thể loại có tính dài hơi của các tác giả trẻ.
Cũng đã có nhiều ý kiến trong giới lý luận - phê bình văn học đồng ý với nhau rằng, dù thể loại nào cũng khó sáng tác hay, nhưng trên bình diện rộng, nền văn học nên có nhiều truyện dài, đặc biệt là tiểu thuyết. 2 thể loại này dễ hé lộ cho thấy sức mạnh và tầm ảnh hưởng của cả nền văn học.
12 tác phẩm vào chung khảo
Đó là Chopin biến mất (truyện dài) của Hiền Trang, Cõi người mắc cạn (truyện dài) của Hoàng Khánh Duy, Kẻ săn chuột (truyện dài) của Phã Nguyện, Ngủ ngon nhé, nàng thơ (truyện dài) của Nguyễn Dương Quỳnh, Bảy bảy bốn chín (truyện dài) của Hoàng Công Danh, Vụn ký ức (truyện dài) của Yang Phan, Chuồng cọp trên cao (truyện ngắn) của Nguyễn Thu Hằng, Bí mật của bóng tối (truyện ngắn) của Đinh Thành Trung, Nửa lời chưa nói (truyện ngắn) của Duy Ân, Vệt sáng của bụi (truyện ngắn) của Lê Quang Trạng, Lũ chim thích chọn cành khô (truyện ngắn) của Mai Thanh Nga và Có thú dữ trong thành phố (truyện ngắn) của Nguyên Nguyên.
Giải thưởng Văn học tuổi 20 do NXB Trẻ tổ chức. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến diễn ra tại TPHCM vào ngày 24/5 tới.
|
Theo Văn Bảy - Thể thao & Văn hóa