Tin văn nghệ
"Những ngả đường sơn mài" thể hiện tình yêu và sự trung thành với chất liệu sơn ta
15:31 | 21/03/2022
Cuộc gặp gỡ của 10 họa sỹ sơn mài với cái tên "Những ngả đường sơn mài" là cuộc triển lãm thể hiện tình yêu, sự tâm huyết và trung thành với chất liệu bản địa, một chất liệu đáng tự hào- "sơn ta" đã làm mê hoặc nhiều thế hệ họa sỹ hiện đại Việt Nam.
 
"Những ngả đường sơn mài" thể hiện tình yêu và sự trung thành với chất liệu sơn ta
Tìm được tiếng nói riêng trong hội hoạ sơn mài là một việc không dễ dàng, hoạ sĩ cần phải có tay nghề cao. Nắm vững kỹ thuật chất liệu nhưng không dừng lại ở đó, ưu thế của những hiệu quả vàng, son, then, cánh gián, vỏ trứng… có thế trói buộc các hoạ sĩ vào những cách thể hiện công thức, lối mòn.
 
10 nghệ sĩ tham dự triển lãm lần này là những hoạ sĩ tài năng, với lao động nghệ thuật nghiêm túc, thành tâm, đã xác định con đường riêng cho mình, trong dòng chảy của nghệ thuật sơn mài.
 
Nguyễn Đức Đàn đã sớm xác định tên tuổi của mình qua triển lãm “Đàn xê dịch” với lối vẽ giàu chất thơ, giàu tâm tưởng. Nguyễn Xuân Lục đưa sơn ta về trạng thái nguyên sơ nhất, để thể hiện trên đó ngôn ngữ trừu tượng phương đông của mình.
 
Nguyễn Tuấn Cường vùi vàng bạc vào trong âm u của sơn then, phong cảnh và tĩnh vật trong tranh anh làm cho ngôn ngữ hội hoạ thừa hưởng từ phương Tây trở nên lặng lẽ và huyền bí lạ thường.
 
Trần Ngọc Hưng khẳng định mình với lối vẽ vừa phóng túng vừa chặt chẽ, với đường cong biến hoá mài sắc mạnh mẽ mà thâm sâu. Nguyễn Mạnh Cường tạo cho mình lối vẽ thô mộc có chủ ý, làm tranh sơn ta mà tránh khéo léo là rất khó. Nhưng thô mộc mà có thể tinh tế, còn khó hơn chọn việc khó là tính cách của người can trường.
 
Trần Tuấn Long hoạt động trên một phổ rộng về đề tài và trạng thái. Ông vẽ được bất kỳ cái gì mình muốn với kỹ thuật điêu luyện và diễn tả tinh vi không thua kém sơn dầu mà vẫn giữ được tinh thần sơn mài. Tông màu của ông trải dài từ cực trầm đến rực rỡ chói sáng, đóng góp của ông cho sự khẳng định khả năng của sơn ta là quan trọng.
 
Khác với Tuấn Long, tranh của Cấn Mạnh Tưởng hồn hậu, kỹ lưỡng, chăm chút mà không cầu kỳ, tự nhiên mà không dễ dãi, truyền cảm nhiều hơn áp đặt. Cái đẹp trong tranh của hoạ sỹ này là cái đẹp chân thành.
 
Đặc biệt trong triển lãm này là sự tham gia của họa sĩ Nguyễn Văn Bảng và con trai ông.
 
Nguyễn Văn Bảng là bậc lão làng trong làng sơn ta, kỹ thuật và sự am hiểu sơn ta của ông là hoàn hảo. Có thể nói ông là đại diện cho sơn mài truyền thống, mà không ngừng tìm kiếm những biểu hiện mới mẻ của hội hoạ hiện đại. Con trai ông Nguyễn Đình Văn thừa hưởng được tất cả kinh nghiệm nghề nghiệp dồi dào của bố mẹ, nhưng lại quyết tìm cho mình một hướng đi riêng. Chỉ nhìn vào gia đình này đã thấy được hội hoạ sơn mài đang phát triển và sẽ thay đổi rất nhiều.
 
Họa sĩ Lý Trực Sơn, thành viên của nhóm họa sĩ cho biết: "Mỗi người đi con đường riêng của mình nhưng mục tiêu chung là phụng sự cho lý tưởng nghệ thuật. Các hoạ sĩ tham gia triển lãm này là những người có tài có trách nhiệm với nghề nghiệp. Mỗi dòng sông tải phù sa bồi đắp đôi bờ, nhiều con sông sẽ bồi đắp cho một đồng bằng trù phú".
 
Triển lãm "Những ngả đường sơn mài" diễn ra từ ngày 22 đến ngày 29/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
 
Các tác phẩm tại triển lãm:
 
 
 
 
 

Tranh của Nguyễn Tuấn Cường
 

 

 

Theo Hương Thủy - An ninh Thủ đô

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng