Tiết mục dự thi của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang.
Tham gia Hội thi có các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn, nhạc sĩ, nhạc công, kỹ thuật viên, cộng tác viên các Đoàn Nghệ thuật thuộc Trung tâm Văn hoá, Trung tâm Văn hoá - Nghệ thuật, Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và Triển lãm; Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đến từ 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các tiết mục tham gia Hội thi gồm: Múa dân gian các dân tộc Việt Nam, múa truyền thống, múa đương đại…
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Hội thi Múa không chuyên toàn quốc được tổ chức theo định kỳ 3 năm một lần, với các chủ đề khác nhau và do các địa phương luân phiên đăng cai, tổ chức. Hội thi năm nay diễn ra từ ngày 1 - 5/6 tại thành phố Long Xuyên (An Giang) - quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người bạn chiến đấu thân thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các tiết mục tham gia Hội thi đều tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam. Truyền thống đấu tranh anh dũng, hào hùng của dân tộc. Ca ngợi tình đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc; phản ánh những đổi thay, những thành tựu của đất nước trên bước đường xây dựng và phát triển.
Hội thi nhằm mục đích tôn vinh phát huy nét đẹp trong sự đa dạng, phong phú của nghệ thuật Múa dân gian đặc sắc tiêu biểu của dân tộc Việt Nam trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Múa dân gian đặc sắc tiêu biểu của các dân tộc, vùng miền trên cả nước. Đây cũng là cơ hội để tôn vinh, quảng bá, giới thiệu những nét tiêu biểu, giá trị văn hóa truyền thống, giàu bản sắc của từng địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.
Hội thi cũng là dịp để các nghệ sĩ, biên đạo múa được học hỏi, giao lưu trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ, năng lực sáng tạo, dàn dựng và biểu diễn các hạt nhân cơ sở; định hướng sự phát triển của nghệ thuật Múa trong phong trào văn hóa, văn nghệ, từng bước đưa nghệ thuật múa phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hoá của nhân dân.
Tiết mục dự thi của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San tỉnh Gia Lai.
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở khẳng định: Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc lại có những điệu múa dân gian đặc trưng mang đậm bản sắc riêng có của mình. "Do đó, Hội thi lần này mang theo niềm hy vọng về nền nghệ thuật múa nước nhà phát triển rực rỡ, được xuất phát từ cơ sở thực tiễn đầy tiềm năng, bởi những dấu ấn của cư dân nông nghiệp gắn bó với thiên nhiên, cộng với những hình ảnh sinh hoạt đời thường đi vào nghệ thuật múa được cách điệu, được nghệ thuật hóa thông qua tài năng, sự sáng tạo của nghệ sĩ. Kể từ khi nền nghệ thuật múa Việt Nam hình thành và phát triển đến nay luôn hướng tới khắc hoạ đời sống văn hóa, tinh thần, phong tục, tập quán, tín ngưỡng cộng đồng người Việt ở từng vùng miền. Trong một tương lai không xa, từ kho tàng đồ sộ của các điệu múa cung đình, múa dân gian, múa đương đại... Việt Nam sẽ có “quốc múa” như cách chúng ta nhận diện các vũ đạo: Lăm Vông của Lào, Lâm Thôn của Campuchia, Tango của Argentina, Valse của Áo, Chachacha của Cuba...".
Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang chia sẽ, Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022 tổ chức tại An Giang, ngoài việc để nhân dân và người yêu nghệ thuật trong tỉnh được thưởng thức các tiết mục múa đặc sắc, tiêu biểu của các vùng miền trên cả nước, cũng là dịp để tỉnh An Giang quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế xã hội, văn hóa, lịch sử về mảnh đất và con người An Giang đến bạn bè khắp mọi miền đất nước.
Đặc biệt, An Giang là một tỉnh với nhiều tôn giáo, sinh hoạt tín ngưỡng trong nhân dân rất đa dạng, phong phú. Nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử - văn hóa có sức thu hút mạnh trong cả nước. Thông qua các tiết mục nghệ thuật của 27 đoàn nghệ thuật tại hội thi lần này, nhằm giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa đồng bào dân tộc tỉnh An Giang nói riêng đến với người dân, du khách gần xa.
Tiết mục dự thi của Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa.
Ngay sau lễ khai mạc Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022, tại phim trường 4 Đài Phát thanh Truyền hình An Giang các phần thi của các đoàn nghệ thuật tỉnh An Giang, Thanh Hóa, Gia Lai,…đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả và công chúng.
Theo đánh giá của Ban Giám khảo Hội thi, các tiết mục tại Hội thi lần này vừa được dàn dựng công phu, vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu sáng tạo của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên và hưởng thụ văn hoá tinh thần của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Theo Công Mạo - TTXVN