Nền văn hóa lâu đời
Nghiên cứu văn hóa biển đảo Việt Nam và là Tổng chủ biên bộ sách "Văn hóa biển đảo Việt Nam", GS. TS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định: Việt Nam có một không gian văn hóa biển đảo, một nền văn hóa biển đảo có lịch sử lâu đời. Trong tâm thức người Việt (Kinh) và những tộc người sống ven biển, biển cả và đại dương là môi trường sống, là không gian sinh tồn, phát triển. Bởi vậy, sáng tạo văn hóa của chủ thể văn hóa biển luôn lấy biển cả, loài vật nơi biển cả làm không gian thiêng. “Hồn nước” là khái niệm linh thiêng, nơi gắn kết cộng đồng.
Là một quốc gia ven biển, hàng ngày hàng giờ đối mặt với biển cả, những sáng tạo văn hóa của con người được tạo nên trong quá trình sống, thích ứng với biển khơi, nên văn hóa biển đảo thể hiện giá trị Việt Nam. Trải qua quá trình khai thác biển, cha ông ta đã có một kho tàng tri thức bản địa phong phú, đa dạng về biển đảo, được trao truyền từ đời này qua đời khác, vì thế phản ánh nhận thức về biển, kinh nghiệm khai thác biển của rất nhiều thế hệ cư dân biển đảo.
“Nhìn ở phương diện loại hình, văn hóa biển Việt Nam như một tổng thể gồm ba loại hình: Văn hóa khai thác biển cả; văn hóa thích ứng biển cả; văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển cả. Mỗi loại hình lại gồm những thể loại khác nhau” - GS. TS. Nguyễn Chí Bền nhận định. Trong đó, nói đến văn hóa khai thác biển cả là đề cập văn hóa nghề đóng tàu thuyền, sửa chữa tàu thuyền, đan lưới...; văn hóa nghề chế biến hải sản: phơi hải sản, làm nước mắm...; văn hóa tận dụng biển cả: làm muối, nuôi cấy ngọc trai...
Văn hóa thích ứng biển cả thể hiện ở việc người dân vùng biển sáng tạo những nhân vật thiêng làm chỗ dựa tâm linh cho mình khi ra khơi, khi sống trên bờ, trên đảo. Các loài vật nơi biển khơi được thiêng hóa thành linh vật của các tín ngưỡng. Ngư dân cũng xây dựng các thiết chế văn hóa - tín ngưỡng để các nhân vật thiêng trú ngụ, ngự nơi đất liền, trên đảo. Chẳng hạn, Lễ hội Nghing Ông (thờ cá Voi/cá Ông) xuất hiện trong làng chài, làng của ngư dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản nơi biển khơi. Cư dân biển còn thiêng hóa các nhân vật lịch sử như Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Tảng, Nguyễn Trung Trực... tới các nhân vật văn hóa như Mẫu Thoải... để làm chỗ dựa tâm linh.
Văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển được thể hiện qua văn hóa chính trị của các vương triều quân chủ của Đại Việt từ nhà Đinh, Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, trải qua thời Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đến nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn, cũng như sự ủng hộ của người dân qua lịch sử. Đặc biệt nhất là văn hóa chính trị của các vương triều quân chủ với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của nước ta từ mấy trăm năm qua. Ngư dân cũng thể hiện văn hóa bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng hành động của người dân với đất nước, quê hương.
Đẩy mạnh bảo tồn, nghiên cứu, quảng bá
Thành tựu bảo tồn, phát huy văn hóa biển đảo Việt Nam những năm qua là rất lớn. Tuy nhiên, GS. TS. Nguyễn Chí Bền nhận định vẫn có những vấn đề đặt ra. Trước hết, trong số 138 bảo tàng trong cả nước, hiện không có bảo tàng văn hóa biển Việt Nam. Việc có một bảo tàng văn hóa biển, trưng bày các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo, đa dạng của các cộng đồng cư dân biển đảo sẽ góp phần cho công chúng, các nhà nghiên cứu văn hóa tiếp cận được những giá trị văn hóa truyền thống do cộng đồng cư dân biển đảo từ bao đời đã sáng tạo, gìn giữ và phát huy.
Bên cạnh đó, giáo dục tri thức về văn hóa biển đảo cho học sinh trong nhà trường các cấp chưa được thực sự quan tâm. Việc công bố những công trình về văn hóa biển đảo Việt Nam của các nhà khoa học trong nước ra nước ngoài cũng chưa được chú trọng.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển đảo, GS. TS. Nguyễn Chí Bền cho rằng cần chú trọng nâng cao nhận thức về văn hóa biển đảo Việt Nam trong phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển cho mọi người dân Việt Nam, để Việt Nam thực sự trở thành “một dân tộc hướng biển”. Có các chủ trương, chính sách, văn bản pháp quy để phổ biến, quảng bá kết quả nghiên cứu văn hóa biển đảo.
Đồng thời, đẩy mạnh sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ văn hóa các làng biển có nguy cơ biến mất do biến đổi khí hậu; bổ sung ngân sách cho công tác bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh ven biển. Thành lập Viện Nghiên cứu quốc gia về văn hóa biển đảo Việt Nam; nghiên cứu và sớm thành lập Bảo tàng Văn hóa biển đảo Việt Nam; mở các ngành đào tạo liên quan đến văn hóa biển, nhân học văn hóa biển...
Việc nghiên cứu về văn hóa biển đảo cũng được các thế hệ nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thực hiện qua nhiều thời kỳ nhưng đang tồn tại rải rác. Bởi vậy, cần thiết thành lập ngân hàng dữ liệu, tiến tới lập big data về nghiên cứu văn hóa biển đảo Việt Nam. Việc tập hợp, phân tích, đánh giá các công trình này, lưu trữ để phục vụ nghiên cứu khoa học về văn hóa biển đảo rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển và phát triển bền vững kinh tế biển hôm nay và mai sau.
Theo Thảo Nguyên - Đại biểu nhân dân