Nhận thấy những ưu đãi của tạo hóa đối với vùng đất này, chính quyền Đông Dương đã lên kế hoạch xây dựng các khu nghỉ dưỡng trên núi từ rất sớm. Cuối thế kỷ 19, nhiều chuyến thám hiểm làm hé lộ những điểm đến trong lành mát mẻ tựa trời Âu ngay trong lòng thuộc địa xứ nhiệt đới.
Các hoạt động của ngư dân tại bãi biển Sầm Sơn.
Núi non hoang sơ của Đông Dương dần trở thành những điểm du lịch nghỉ dưỡng, thay thế cho những chuyến hồi hương tốn kém cũng như thể hiện sức mạnh khoa học kỹ thuật của nước Pháp. Những địa danh được nhiều người ghé thăm từ thời bấy giờ như Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì ở Bắc Kỳ; Bà Nà, Bạch Mã, Đà Lạt ở Trung Kỳ; Bockor ở Cao Miên, Parksong ở Lào ngày nay vẫn là những điểm đến ưa thích của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, bờ biển Đông Dương trải dài hàng ngàn cây số lại thu hút du khách bởi những sắc màu nhiệt đới với làn nước trong xanh, cát trắng, nắng vàng và những rặng phi lao ri rào trong gió. Trên hành trình từ Bắc xuống Nam, những địa danh như Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Tùng, Vũng Tàu, Nha Trang và Phú Quốc chắc hẳn sẽ khiến không ít người phải dừng chân thưởng ngoạn.
Tư liệu quý về Đà Lạt cách đây hơn 1 thể kỷ
Toàn quyền Đông Dương Albert Saraut trong bài diễn thuyết tại Université des Annales, Paris vào ngày 2 tháng 12 năm 1916 đã ngợi ca vẻ đẹp của xứ Đông Dương xa xôi.
"Ở thuộc địa miền Viễn Đông này, mọi thứ đều góp phần khơi dậy niềm hứng thú và khiến tâm hồn ta sửng sốt trước vẻ đẹp nhân đôi của tự nhiên cùng những nỗ lực của con người cả trong quá khứ và hiện tại", Toàn quyền Đông Dương Albert Saraut cho biết.
Bên cạnh giới thiệu các địa danh của Đông Dương cũng như những nhận định của người Pháp về xứ sở diệu kỳ này, triển lãm còn giới thiệu tới người xem về hãng lữ hành huyền thoại của thế giới- Thomas Cook & Son, đơn vị đã nhận thấy tiềm năng du lịch ở Đông Dương và từng đưa ra nhiều sáng kiến nhằm quảng bá miền đất tươi đẹp này.
Theo Hương Thủy - An ninh Thủ đô