Hồn xưa và sáng tạo mới
Hai triển lãm tranh lụa lớn diễn ra tại Hà Nội và TPHCM được xem như sự kiện lớn trong năm dành cho những ai yêu thích dòng tranh mong manh, nhẹ nhàng. Triển lãm tranh lụa vừa kết thúc vào cuối tháng 6-2022, tại Hội Mỹ thuật TPHCM, là sự kiện triển lãm tranh lụa lớn nhất ở TPHCM tính đến thời điểm hiện tại, thu hút 102 tác phẩm của 46 tác giả.
Triển lãm Lụa 2022 diễn ra từ nay đến 7-8, tại Ánh Dương Art Space (quận Long Biên, Hà Nội), trưng bày 40 tác phẩm của 5 gương mặt họa sĩ tranh lụa đương đại, thu hút sự quan tâm của khán giả lẫn các nhà sưu tập, gồm: Bùi Tiến Tuấn, Vũ Đình Tuấn, Nguyễn Đức Toàn, Lưu Chí Hiếu và Nguyễn Thị Hoàng Minh.
Vẫn tinh thần mềm mại vốn có của tranh lụa, nhưng với kỹ thuật và bút pháp khác nhau của mỗi họa sĩ, hồn tranh xưa được thể hiện lả lướt nhưng thấm đẫm tính đương thời qua hình ảnh những nữ nhân trong tranh Bùi Tiến Tuấn; hay những tâm tư kiệm màu nhưng giàu sắc điệu, chắt chiu đường nét của Nguyễn Đức Toàn...
Trong dòng chảy của tranh lụa đương thời, đường nét chấm phá đôi khi thật dày và đanh cùng các chất liệu như sơn dầu, acrylic hoặc nhiều lớp màu nước chồng lên nhau.
Dừng lại khá lâu trước những tác phẩm lụa vẽ bằng chất liệu acrylic, Phan Thanh Tuấn Thành (37 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Tôi không phải là dân chơi tranh chuyên nghiệp, chỉ mua theo sở thích và tôi thích tranh lụa. Thường nhắc đến lụa, mọi người dễ liên tưởng vẻ đẹp mong manh, dịu dàng, nhưng vẽ lụa bằng các chất liệu dày hoặc chồng nhiều lớp lên nhau để tạo độ dày cũng có cái hay, ấn tượng, nhất là những gam màu nóng, ấm”.
Mong manh nhưng khó tính
Tranh lụa cổ nhất Việt Nam đến nay là bức chân dung Nguyễn Trãi tại nhà thờ họ Nguyễn (làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây), hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trong các bộ sưu tập tư nhân còn có một số tranh lụa xưa khác vẽ về đề tài tôn giáo, chân dung, phong cảnh, sinh hoạt với các cách vẽ khác nhau. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật, vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về sự phát triển liên tục của nghệ thuật tranh lụa ở Việt Nam thời phong kiến. Sự kiện thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925, có thể nói là cột mốc quan trọng trong nền hội họa Việt Nam nói chung và tranh lụa nói riêng.
GS-TS Nguyễn Xuân Tiên (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM) chia sẻ: “Từ kết cấu bề mặt lụa cho đến cách vẽ, tranh lụa Việt Nam có những khác biệt nhất định. Lụa Việt Nam được dệt thưa, thớ lụa thô nên thường phải vẽ nhiều lớp màu mỏng chồng lên nhau cho các hạt màu được ngấm dần và bám vào từng sợi lụa, trở thành sợi nhuộm màu chứ không đọng lại màu trên bề mặt che phủ lụa. Chính nhờ kỹ thuật này mà tranh lụa trở nên lung linh, huyền ảo, các sắc độ trở nên tinh tế hơn là vẽ khô ngay ở mặt trên”.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hoàng Minh phân tích: “Với tôi, việc xây dựng một bố cục tranh lụa đẹp thì nét và mảng hình là những yếu tố quan trọng, do lụa không phải là một chất liệu mạnh về diễn tả chất, bút pháp, hiệu ứng bề mặt như các chất liệu khác, nên khi vẽ lụa cần phải có sự tỉ mỉ, nhẹ nhàng, nương theo bề mặt lụa để vẽ. Và để có một bức tranh lụa đẹp, thì việc giữ cho bề mặt lụa được trong trẻo là một trong những điều tất yếu”.
Theo Thiên Thanh - SGGP Online