Khác với sự thô và cứng của chất liệu, 14 tượng trưng bày mang đến cho người xem những chi tiết, hình dạng mượt mà về cơ thể con người trong các hoạt động thường ngày. Đặc biệt là tạo hình bàn chân chiếm đa số, với tính chính xác cao của giải phẫu học. Bàn chân trần và dép tổ ong như một xu hướng trong tác phẩm của nghệ sĩ Phạm Đình Tiến.
Nói về lý do “ám ảnh” với tạo hình bàn chân và dép tổ ong, nghệ sĩ Phạm Đình Tiến chia sẻ: “Bàn chân là phần ít được chú trọng khi tạo hình lúc học tại trường, nhưng về mặt cảm xúc, tôi rất thích hình khối của bàn chân. Để hiểu rõ, làm một bàn chân có cảm xúc đôi khi còn khó hơn tạo một bức chân dung. Bàn chân về ý nghĩa của nó cũng thú vị, vừa mang tính nền tảng, vừa để di chuyển, vừa mang tính lao động, về mặt xã hội còn mang tính giai cấp, đặc trưng nghề nghiệp, cá tính con người. Đôi dép tổ ong tuy không đẹp, không sang, nhưng dễ chịu. Với tôi thì đôi dép này đem lại nhiều kỷ niệm và cảm xúc”.
Trong nghệ thuật đương đại Việt Nam, điêu khắc khá lu mờ so với hội họa, phần nhiều các tác phẩm điêu khắc hiện nay có xu hướng thiên về nghệ thuật sắp đặt và ý niệm. Hai năm lên ý tưởng và thực hiện, các tác phẩm của Phạm Đình Tiến nổi lên một cách thuyết phục về mặt tạo hình với khả năng độc đáo, khi có thể uốn cong những chất liệu thách thức nhất, dễ biến đổi nhất bằng sự khéo léo.
Thích thú với tác phẩm Hip hop never dies trong triển lãm Tuổi mộng mơ, khán giả Trần Thanh Thu Hồng (29 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) chia sẻ: “Tôi thường xem triển lãm tranh nhiều hơn điêu khắc, vì nghĩ điêu khắc phần lớn nghiêng về tượng đài. Nhưng triển lãm Tuổi mộng mơ khiến tôi ấn tượng, tạo hình của điêu khắc hiện đại vừa thời sự vừa thẩm mỹ và hài hước”.
Giống như các chất liệu thị giác khác, điêu khắc đương đại ít có tính đại diện hơn kể từ những năm 1950 thế kỷ trước, với sự trỗi dậy của nghệ thuật ý niệm và trừu tượng. Theo nghĩa này, sự trung thành của nghệ sĩ Phạm Đình Tiến với chất liệu đồng gợi lên cái gì đó của thời đại đã qua, nơi mà sự thông thạo về kỹ thuật có tầm quan trọng ngang với việc sáng tạo. Các sáng tác trong triển lãm Tuổi mộng mơ thuộc ngưỡng giao thoa giữa điêu khắc cổ điển và điêu khắc đương đại. Chúng đại diện cho sự thể hiện say mê nhưng mạnh mẽ của một nghệ sĩ trẻ đang ở đỉnh của sự nghiệp nghệ thuật đầy lấp lánh.
Triển lãm Tuổi mộng mơ diễn ra từ nay đến ngày 20-8, tại Craig Thomas Gallery (số 27 đường Trần Nhật Duật, phường Tân Định, quận 1, TPHCM), khách tham quan vào cửa tự do.
Theo Kim Loan - SGGP Online