Tìm căn tính trong thế giới toàn cầu hóa
Dự án do Viện Goethe ở Việt Nam hợp tác với tạp chí văn chương trực tuyến Zzz Review thực hiện, nhằm làm rõ căn tính và bản sắc Việt. Ra mắt dự án cuối tuần qua, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội Wilfried Eckstein chia sẻ: trong tiếng Đức, từ Heimat có nghĩa là quê hương, nơi ta cảm thấy là nhà. Ngày xưa, Heimat dùng để chỉ nơi con người ta sinh ra, lớn lên và một ngày kia sẽ nằm xuống. Nhưng ngày nay, điều đó đã không còn đúng nữa, có lẽ không chỉ với người Đức, mà với cả thế giới. Chúng ta liên tục thay đổi chỗ ở, lớn lên ở vùng này, đi học ở khu nọ và ai mà biết được chúng ta sẽ qua đời ở đâu. Đấy là một phần của thế giới toàn cầu hóa.
Theo ông Wilfried Eckstein, từ lâu đã có người Việt sống và làm việc ở nước ngoài. Bất kể là đi đâu, họ mang theo giá trị văn hóa Việt Nam, lối sống đặc trưng của người Việt, bảo tồn nó và truyền lại cho những thế hệ sau. Đây chính là chủ đề mà dự án quan tâm, đối chiếu và đối thoại về bản sắc Việt Nam của người Việt ở nước ngoài và những người trẻ lớn lên trong nước.
Để thực hiện dự án, Viện Goethe mời 4 tác giả gốc Việt từ Đức, Czech, Pháp và Mỹ viết những vở kịch rồi biến chúng thành phim ngắn, và 5 tác giả trẻ Việt Nam viết về câu hỏi: Việt Nam là gì đối với bạn? 9 tác phẩm này sẽ nói về quê hương Việt Nam, bản sắc Việt Nam theo cách chúng ta chưa từng thấy.
Để góp phần thực hiện dự án chất lượng, Viện Goethe kêu gọi chiến dịch gây quỹ cộng đồng cho dự án, mong muốn nhận được sự giúp sức của cộng đồng Việt Nam và nước ngoài. Số tiền thu được sẽ dùng vào quá trình viết kịch bản và sản xuất các bộ phim ngắn của 5 tác giả từ Việt Nam. Viện trưởng Wilfried Eckstein hy vọng dự án “sẽ tạo nên không gian đối thoại văn hóa đa sắc màu về bản sắc Việt Nam của người Việt, dù ở nơi nào trên thế giới”.
Tạo nền tảng đối thoại văn hóa
TS. Quyên Nguyễn, chủ biên tạp chí Zzz Review cho biết, để tuyển chọn các tác giả tham gia dự án, chị đã tìm ứng viên tại 4 quốc gia có đông cộng đồng người Việt là Đức, Pháp, Czech, Mỹ. “Tôi đọc văn chương của các tác giả gốc Việt ở những nước này và cố gắng tìm ra đại diện. Tiêu chí tôi đề ra phải là những tác giả có tài năng văn chương và độc đáo, nếu không sẽ khó thể hiện toàn bộ nội dung trong vở kịch rất ngắn - 5 phút. Bên cạnh đó, họ phải đại diện cho thế hệ và cộng đồng của mình”.
Sau quá trình tìm kiếm, đọc tác phẩm, TS. Quyên Nguyễn đã lựa chọn được 4 tác giả. Trong đó, tác giả Khuê Phạm đến từ Đức với tác phẩm nói về khó khăn của những đứa trẻ Việt Nam khi lớn lên ở nước ngoài. Thường xuyên bị nhầm là người đến từ các quốc gia châu Á khác đã ảnh hưởng tới việc chị nhìn nhận bản thân và bản sắc của mình. Trong khi đó, Line Papin (Pháp) viết vở kịch về sự đối thoại giữa mẹ và con gái, bộc lộ mâu thuẫn giữa các thế hệ về cách nhìn nhận thế nào là bản sắc Việt và giữ gìn bản sắc ấy không bị lai căng. Mâu thuẫn giữa hai thế hệ cũng được Eric Nguyễn (Mỹ) thể hiện. Nữ tác giả Nhung Đặng (Czech) lại tập trung vào những tổn thương của người Việt sau chiến tranh và những thương đau ấy vẫn âm ỉ dội về qua ký ức và câu chuyện trong đời sống của họ.
5 tác giả từ trong nước được lựa chọn tham gia dự án gồm: Maik Cay (Nguyễn Phương Anh), Đỗ Văn Hoàng, Lê Khải Việt, Vũ Ánh Dương và ChuKim (Nguyễn Anh Tuấn). Trong đó, kịch bản Mộng Tam Sinh của Maik Cay (Nguyễn Phương Anh) thể hiện câu chuyện của một ni cô già hồi cố những tiền kiếp trong dòng suy tư về thân phận bất toại, khốn cùng, luyến ái, và giác ngộ của người Việt nữ. Coca, rau muống, tỏi của Đỗ Văn Hoàng cho thấy những người rất xa Việt Nam lại là những người có ý niệm rất lớn lao về Việt Nam, dù không trực tiếp va chạm, sinh sống trên mảnh đất này. Kịch bản Nhà hàng Việt Nam của Lê Khải Việt kể câu chuyện cặp nam - nữ trẻ làm nhà hàng để dành tiền mở nhà hàng. Trong khi chờ đủ tiền họ suy nghĩ về nhà hàng và những phức tạp đa văn hóa liên quan đến số phận gia đình, đất nước…
TS. Quyên Nguyễn cho biết đến nay các kịch bản đã gần hoàn thiện. Sắp tới, mỗi vở kịch sẽ được diễn ở không gian sân khấu phi truyền thống và ghi hình, biên tập thành các phim sân khấu. Từ các vở kịch được dựng và ghi hình theo ngôn ngữ chính của các tác giả, mỗi bộ phim sẽ được gắn phụ đề tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Việt và được đăng tải trên một trang dành riêng cho dự án của Viện Goethe. Bằng cách này sẽ tạo ra một nền tảng cho đối thoại văn hóa xuyên biên giới.
Theo Thảo Nguyên - Đại biểu Nhân dân