Với 3 kỳ triển lãm đã diễn ra kể từ năm 2017, Tỏa là sự kiện nghệ thuật thường niên với ý nghĩa kết nối và lan tỏa nghệ thuật đương đại tới cộng đồng do VCCA tổ chức. Qua những thực hành, thử nghiệm, hơn 20 nghệ sĩ với gần 40 tác phẩm đã có mặt trong Tỏa IV với chủ đề "Phương thức đối thoại với thiên nhiên".
Triển lãm đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), Hà Nội và sẽ kéo dài đến hết ngày 30/11/2022.
Đi từ lịch sử hệ sinh thái
Do 2 nhà nghiên cứu nghệ thuật Abhijan Toto và Đỗ Tường Linh đồng giám tuyển, triển lãm có chủ đề liên quan đến thiên nhiên và con người, nhưng không mang tính phản biện xã hội gay gắt mà mang không khí chung là sự tĩnh lặng, nhẹ nhàng, thiên về tính chất suy nghiệm.
Trọng tâm chủ đề triển lãm cũng là “hướng tới mối quan hệ tương hỗ, chăm sóc, bao bọc lẫn nhau giữa con người và thiên nhiên”. Các nghệ sĩ, bằng những nghiên cứu và trải nghiệm cá nhân, đã đưa ra những nội dung và cách thức trình bày cho câu chuyện nghệ thuật của mình và mời gọi người xem mở ra những trải nghiệm, liên tưởng nối dài cho tác phẩm.
Điểm khởi đầu của triển lãm đi từ lịch sử hệ sinh thái tự nhiên trong và ngoài khu vực Đông Nam Á. Đấy cũng là phần đầu tiên trong cấu trúc trưng bày các tác phẩm. Các trải nghiệm cá nhân ở đây có thể hiểu là hướng nghiên cứu tiếp cận liên ngành riêng của các nghệ sĩ. Ví dụ theo hướng tiếp cận liên quan đến lịch sử, như nhà nghiên cứu - nghệ sĩ Pujita Guha đem đến một loạt hình ảnh về những khu rừng cà phê phía Bắc ở Thái Lan với hình thức in ảnh trên vải sắp đặt treo trong không gian trên cao. Trên đó có những dòng chữ như một bài luận về một vấn đề của Thái Lan trong bối cảnh Đông Nam Á.
Tác phẩm “Và rồi chỉ còn sáu” của Oanh Phi Phi
Trong khi đó, có nghệ sĩ bằng những kinh nghiệm/ trải nghiệm của bản thân trong quá trình làm việc với các cộng đồng dân tộc thiểu số đã thêu lên tấm bản đồ có tên các cộng đồng ấy. Rõ ràng, tác phẩm như một sự cố gắng khẳng định, tôn vinh và công nhận giá trị lịch sử của những cộng đồng dân tộc thiểu số trên quốc gia đó.
Còn video art của Gabi Đào nói về câu chuyên gia đình nhập cư, của Pedro (người Nga) khám phá mối quan hệ thuộc địa thông qua con người và thiên nhiên…
Tác phẩm “Ký ức cây” của Rune Bosse
Đến câu chuyện riêng tư và hơn thế nữa
Trong một vấn đề cá nhân khác, Tèo Phạm thực hiện tác phẩm của mình từ những thùng carton của mẹ tiếp tế cho anh trong dịch Covid-19. Như anh kể, mọi thứ khó khăn với anh, lúc đó anh chỉ còn mặt phẳng đó để có thể cắt ra và xếp thành những tác phẩm như vậy. Nhưng sau đó anh nhận ra một điều là “trước giờ chúng ta toàn vứt đi những cái tạo ra cuộc sống của mình… và tại sao chúng ta không tôn trọng, cho nó cuộc sống, ý nghĩa khác”. Hoặc anh đặt ra một câu hỏi thật khó trả lời: “Vì sao chúng ta tạo ra quá nhiều thứ để phục vụ cho mình, khi cuối cùng rồi chúng ta cũng biến mất…”.
Tác phẩm từ thùng carton tái chế của tác giả Tèo Phạm
Các tác phẩm dưới nhiều hình thức hội họa, điêu khắc tĩnh, điêu khắc động, sắp đặt, video art… đem đến tạo hình đầy tính thơ, đan xen trong không gian trên cao, dưới thấp. Bể cá sơn mài của Oanh Phi Phi cho người xem được chiêm ngưỡng sự kỳ ảo của chất liệu, cái tài tình trong kỹ thuật của tác giả và một nội dung gợi suy ngẫm trong cái đẹp.
Trần Thảo Miên làm một căn phòng thơ mộng bằng vải lụa trong suốt, với hình ảnh thiên nhiên cỏ cây lấp lánh trên mái, như một sự gợi nhắc về ngôi nhà thiên nhiên, là nơi sau cùng đẹp đẽ lưu giữ ký ức của thế giới.
Tác phẩm điêu khắc trên chất liệu thủy tinh của tác giả Lập Phương
Mặc dù các tác phẩm của triển lãm được trình bày như một câu chuyện phi tuyến tính, nhưng triển lãm vẫn có cấu trúc trưng bày bao gồm bốn phần, với phần đầu tiên nói trực tiếp đến lịch sử và văn hóa phát triển lâm nghiệp. Phần thứ hai là hoạt động thông qua các mối quan hệ tình cảm giữa con người và thực vật. Phần ba là các đề xuất cho các mối liên kết tiềm năng chưa được khai thác giữa thực vật và cuộc sống con người. Phần bốn mở ra thế giới tương lai, nơi con người và thiên nhiên hòa quyện vào nhau tạo thành những hình thức hiện hữu mới.
Một tác phẩm điêu khắc động trong triển lãm
Tác phẩm sắp đặt về những khu rừng cà phê của Pujita Guha
Tấm bản đồ về các dân tộc thiểu số của tác giả Cian Dayrit
Khán giả xem triển lãm
Các nghệ sĩ tham gia triển lãm gồm Nguyễn Thùy Anh, Châu Nguyễn, Cian Dayrit, Diane Severin Nguyen, Duy Hoàng, Gabi Dao, Xuân Hạ, Đào Văn Hoàng, James Prosek, Josie Rae Turnbull, Khoa Phạm, Trần Thảo Miên, Nguyễn Trà My, Nghĩa Đặng, Pedro Neves Marques, Lập Phương, Pujita Guha, Oanh Phi Phi, Rune Bosse, Tèo Phạm, Phạm Đình Tiến, Trevor Yeung. |
Theo Trần Thu Huyền - Thể thao và Văn hóa