Tin văn nghệ
Trưng bày hơn 100 tư liệu quý về văn thư triều Nguyễn qua châu bản
14:10 | 23/11/2016

Với hơn 100 phiên bản tài liệu đặc sắc, phản ảnh rõ nét các hoạt động của công tác văn thư triều Nguyễn, triển lãm “Văn thư triều Nguyễn qua châu bản - Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương” khai mạc ngày 22-11, tại Hà Nội.

Trưng bày hơn 100 tư liệu quý về văn thư triều Nguyễn qua châu bản
Triển lãm trưng bày hơn 100 tư liệu quý về văn thư triều Nguyễn qua châu bản
Sau khi lên ngôi (1802), vua Gia Long thiết lập Thị thư viện, Thị hàn viện, Nội hàn viện để hỗ trợ các công việc về công văn giấy tờ và quản lý ấn tín. Trong thời gian 143 năm tồn tại của vương triều Nguyễn, dù đã nhiều lần thay đổi tên gọi nhưng các cơ quan này vẫn luôn được coi trọng, giữ vai trò giúp việc trực tiếp cho nhà vua. Mọi chức năng, nhiệm vụ, thưởng phạt đối với cơ quan chức năng phụ trách công tác văn thư lưu trữ trong thời gian này cũng được quy định rõ ràng.
 
Triều Nguyễn ban hành khá nhiều loại văn bản khác nhau như: Chiếu, chỉ, dụ, chế, sắc phong do hoàng đế ban hành; công đồng truyền, công đồng sai, công đồng phó, công đồng di, công đồng khâm chỉ khiến do Hội đồng các đình thần ban hành; tấu, phiến, phúc, biểu, khải, bẩm, thân, kê, truyền thị, tư di, tư trình… được ngự phê bằng bút pháp tinh hoa, nét chữ đa dạng và được đóng dấu bởi hệ thống ấn triện phong phú, thể hiện trên chất liệu giấy truyền thống.
 

Ảnh chụp bản tấu của Bộ Hộ về việc quy trách nhiệm các viên quan phụng khảo, phụng thảo đã viết sai tên của Phó Tổng trấn Bắc thành trong khi sao lục bản tư của địa phương này (thời gian: năm Minh Mệnh 10 _ 1829, châu bản triều Nguyễn)
 
Loại hình ấn triện trên văn bản hành chính triều Nguyễn cũng rất phong phú gồm kim bảo của các hoàng đế, ấn triện của các cơ quan trong hệ thống chính quyền, dấu quan phòng chức danh của quan lại, tín ký và ký của các tổ chức địa phương và cá nhân. Mỗi loại hình con dấu đều có quy định riêng, chặt chẽ trong chế tác và sử dụng một loại văn bản chỉ định.
 
Chất liệu các loại ấn tín rất đa dạng và độc đáo, tùy từng loại ấn có thể dùng vàng, ngọc, đồng, ngà, gỗ để chế tác. Vị trí đóng dấu trên văn bản được quy định theo nguyên tắc cụ thể. Hình dấu trên văn bản khẳng định tính xác thực và pháp lý chặt chẽ của văn bản.
 
Việc quản lý các loại ấn triện bắt buộc phải tuân theo nguyên tắc nhất định, đặc biệt quốc ấn được bảo quản và sử dụng hết sức cẩn trọng.


Ảnh chụp các hình dấu Quốc sử quán ấn, Sử quán, Văn lí mật sát, Ngự tiền chi bảo đóng trên bản tấu của Tổng tài, Toản tu ở Quốc sử quán xin khắc sách Liệt truyện chính biên đệ nhị kỉ (thời gian: năm Duy Tân 3  _ 1909, châu bản triều Nguyễn)

Tại triển lãm cũng còn lưu giữ nhiều văn bản truy cứu trách nhiệm người tham dự viết sớ văn và trả về sửa chữa làm lại vì nhiều chỗ viết sai, nội dung không rõ ràng…
 
Bên cạnh những đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt về hình thức văn bản, số dòng, số chữ, nhà Nguyễn cũng ban hành nhiều quy định về phương thức, biện pháp, thời hạn để việc giao chuyển văn bản được nhanh chóng, an toàn, bí mật…
 

Khách tham quan triển lãm
 
Di sản tư liệu, châu bản triều Nguyễn là một nguồn sử liệu quan trọng, tín thực đối với việc nghiên cứu lịch sử triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, triển lãm này góp phần làm sáng tỏ, lan tỏa những giá trị sử liệu vô giá của di sản này.
 
Theo Mai An - SGGP Online
 
Các bài mới
Các bài đã đăng