Tin văn nghệ
Bảo vệ tác quyền - yếu tố sống còn của sáng tạo
16:09 | 10/11/2022
Tác quyền và bảo vệ tác quyền là yếu tố sống còn đối với nhà sáng tạo, cũng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, nhiều vụ việc diễn ra trong các lĩnh vực cho thấy đây vẫn tiếp tục là điểm nóng.
 
Bảo vệ tác quyền - yếu tố sống còn của sáng tạo
Bức tranh "Lì xì nhé" của họa sĩ Lê Thế Anh (phải) bị nhái và ký tên. Ảnh: Họa sĩ Lê Thế Anh
Muôn vẻ vi phạm tác quyền
 
Tại Hội thảo “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thiết kế sáng tạo ở Việt Nam” do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và VietNam Design Group tổ chức sáng 8.11, họa sĩ Lê Thế Anh, giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thông tin về vụ việc hai bức tranh của mình bị sao chép và bị người khác ký tên.
 
Cụ thể, họa sĩ Lê Thế Anh tình cờ biết Phạm Hồng Minh - một họa sĩ trẻ khá có tiếng trong cộng đồng mạng, đã ký tên lên bức tranh chép từ tác phẩm “Lì xì nhé” của mình. Tác phẩm bị nhái “không chệch một ly so với bản gốc” và có chữ ký trên tranh. Khi phát hiện điều này, họa sĩ Thế Anh nhắn tin cho Phạm Hồng Minh, Minh thừa nhận mua bức tranh từ một cửa hàng tranh trên đường Trần Phú và ký tên lên tranh. Sau đó, họa sĩ Thế Anh phát hiện Minh còn có một bức tranh khác nhái từ bức “Cô gái Dao đỏ” của mình và cũng ký tên lên tranh...
 
Vụ việc này tiếp tục thổi bùng lên vấn đề được nêu ra từ lâu nhưng vẫn chưa cũ là chép tranh, mua bán tranh giả tại Việt Nam. Hơn nữa, ngang nhiên ký tên lên tranh cho thấy nhận thức của một bộ phận công chúng và những người làm sáng tạo về bản quyền tác giả vẫn còn hạn chế. Bởi việc ký tên lên tranh được hiểu là đánh dấu sự sở hữu của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo nên. Chữ ký của tác giả cũng là một phần không tách rời toàn bộ bức tranh. 
 
Trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, tình trạng vi phạm tác quyền muôn hình vạn trạng. Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Le Bros, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo (VCE Club) kể: Le Bros từng bị vi phạm bản quyền nhiều lần. Chẳng hạn, kế hoạch chiến lược ra mắt một trung tâm thương mại tại Hải Phòng được đơn vị này thiết kế, nhưng đề án đó không được khách hàng chấp nhận. Tuy nhiên, vài tháng sau, trung tâm đó khai trương và xuất hiện trên báo chí là các hình ảnh giống với bản kế hoạch và thiết kế không được phê duyệt trước đó tới 90%.
 
“Chúng tôi không làm được gì, chỉ gửi văn bản phản đối đến đơn vị vi phạm, đề nghị họ chấm dứt tình trạng tương tự. Điều này cũng xảy ra ngay với cả đối tác thân thiết. Có lần, toàn bộ thiết kế từ sân khấu, ý tưởng dàn dựng của chúng tôi bị khách hàng giao cho đối tác khác phát triển” - ông Lê Quốc Vinh phản ánh.
 
Trước đó, đã có nhiều vụ tranh chấp bản quyền được đưa ra tòa, như vụ kiện vở diễn “Ngày xưa”, rồi vụ tranh chấp quyền tác giả “Thần đồng đất Việt”... nhưng kết quả chưa làm thỏa mãn của các bên liên quan.
 
Đẩy mạnh thực thi bảo vệ tác quyền
 
“Việt Nam tham gia các công ước quốc tế khá sớm, nỗ lực xây dựng hệ thống pháp lý để bảo vệ bản quyền tác giả. Lúc chúng tôi bắt đầu nói về công nghiệp văn hóa, ý thức về bản quyền của các tác giả còn yếu, nhưng ngày nay đã khác, các tác giả, cơ quan có sản phẩm sáng tạo đều lưu tâm bảo vệ bản quyền của mình. Dù vậy, thực thi vẫn là câu chuyện phải bàn” - ông Lê Quốc Vinh nhận định.
 
TS. Hoàng Lan Phương, chuyên gia nghiên cứu của dự án Tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam (SIPE) cho rằng, tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra ngày càng phổ biến và trong hầu hết lĩnh vực thuộc các ngành công nghiệp văn hóa như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, xuất bản, thiết kế... xâm phạm đến các quyền của tác giả, quyền của chủ sở hữu tác phẩm, gây thiệt hại cho các chủ thể sáng tạo. Trong một số lĩnh vực đặc thù, đơn cử như hội họa, hiện tượng sao chép tranh, mạo danh tác giả diễn ra một cách phổ biến và tràn lan.
 
Về nền tảng bị xâm phạm quyền tác giả, đối với nền tảng vật lý, thường xảy ra với các tác phẩm trong lĩnh vực hội họa, điêu khắc, kiến trúc, xuất bản, tỷ lệ các chủ thể bị xâm phạm ở nền tảng này qua khảo sát chiếm 42,5%. Với nền tảng số, tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến hơn ở hầu hết lĩnh vực, đặc biệt là điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc, xuất bản (sách điện tử), kiến trúc... Tỷ lệ các chủ thể bị xâm phạm ở nền tảng này qua khảo sát chiếm 75%.
 
Cũng theo TS. Hoàng Lan Phương, qua khảo sát cho thấy nhận thức, mức độ am hiểu về sở hữu trí tuệ của các chủ sở hữu tài sản trí tuệ còn hạn chế; mức độ am hiểu pháp luật về sở hữu trí tuệ của các chủ thể hưởng thụ còn ở mức độ trung bình, đặc biệt trong các nhận thức về các hành vi xâm phạm quyền. Bởi vậy, trong các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ thời gian tới tại Việt Nam, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức được đặt lên hàng đầu.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải có sự lên tiếng và bằng những hành động có tính “tẩy chay” của những người làm sáng tạo và cộng đồng đối với những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ các chủ thể sáng tạo.
 
Sở hữu trí tuệ giữ vai trò quan trọng và là động lực để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa. Một số quốc gia đã gọi các ngành công nghiệp văn hóa là công nghiệp bản quyền, mang hàm ý sự phát triển của các lĩnh vực này đều gắn với việc khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Theo ông Lê Quốc Vinh, bản quyền là yếu tố sống còn với nhà sáng tạo. Ví như một bộ phim nếu không được bảo vệ bản quyền, sẽ không thể bán vé cho khán giả, không tạo được nguồn thu cho nhà làm phim để họ tiếp tục sản xuất. Bởi vậy, khi bản quyền được bảo vệ sẽ thúc đẩy sáng tạo, thúc đẩy công nghiệp văn hóa.
 
 
 
Theo Thảo Nguyên - Đại biểu Nhân dân
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng