Với giấy dó, họa sĩ Vũ Thái Bình đã tô điểm lên những không gian thuần khiết, thanh tịnh và tình bằng sắc màu. Không gian ấy có thể là một ngõ nắng, một vạt hoàng hôn hay cô đọng trìu mến trong dáng lưng còng của mẹ. Người xem có thể cảm nhận tất cả năng lượng yêu thương, chăm chút của họa sĩ trong từng nhát cọ, vệt mầu.
Tranh giấy dó của Vũ Thái Bình
Cấn Mạnh Tưởng là họa sĩ duy nhất trong nhóm vẽ chất liệu sơn mài. Bằng sự am hiểu văn hóa miền núi cùng kỹ thuật chuyên môn, anh đã vượt qua sự "đồng bộ hóa" của đề tài miền núi. Không dừng ở việc ghi lại câu chuyện, hình ảnh như những gì nó diễn ra, mà họa sĩ lồng vào đó những trải nghiệm, suy nghĩ cá nhân. Sự chủ động ấy khiến các tác phẩm gần đây của anh thay đổi gần như hoàn toàn về bố cục, với sự tính toán trong nhịp điệu, sự kỳ công trong kỹ thuật sơn mài...
Tác phẩm của Cấn Mạnh Tưởng
Nguyễn Cao Hoàng vốn là họa sĩ thiết kế mỹ thuật hoạt hình. Khi quay sang hội họa giá vẽ, anh coi đó như là sự trở về. Trở về với nguồn cội của một gia đình giàu truyền thống hội họa. Trở về với niềm đam mê từ thuở nhỏ mà trong một giai đoạn nào đó, anh đành phải gác lại.
Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Cao Hoàng đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm cá tính. Thông qua đó, anh chứng tỏ mình là người có kỹ thuật sơn dầu vững vàng cùng tư duy sáng tác độc lập. Nó khiến tranh của anh dù đang ở chặng đường mới mẻ nhưng không lẫn với ai.
Tác phẩm của Nguyễn Cao Hoàng
Nguyễn Ngọc Tuấn là một họa sĩ phức hợp, phức hợp trong cá tính, trong sáng tác và trong đời sống. Xem tranh của anh, họa sĩ Vũ Đình Tuấn cho biết "vừa có sự vững vàng như ngọn núi, lại có sự mát lành của dòng suối và sự mơ màng lãng đãng của đám mây".
Nguyễn Ngọc Tuấn yêu vẻ đẹp nhiều màu sắc, sự chói lòa của những gam đối lập. Anh vẽ nhanh và khỏe, cảm giác như muốn thâu tóm tất cả những gì gọi là khoảnh khắc để đưa vào tranh.
Tranh của Nguyễn Ngọc Tuấn
Ở đó, những vệt màu ngắn, nhỏ đan quyện vào nhau theo trường phái ấn tượng được họa sĩ vẽ trong sự quấn quýt, cuống cuồng và hồ hởi. Với anh, màu sắc là chất xúc tác, là cảm hứng, là mạch nguồn để anh thăng hoa cách nhìn, đặt vấn đề... và cũng là cuộc dạo chơi.
Tác phẩm của Lê Thế Anh
Họa sĩ Lê Thế Anh là người vẽ nhiều về đề tài chân dung miền núi, đặc biệt là trẻ em. Mặc dù vẽ theo phong cách hiện thực nhưng các nhân vật trong tranh của anh không dựa vào bất cứ nguyên mẫu nào. Mỗi ánh mắt, đôi má, khóe miệng... của nhân vật là cảm xúc của riêng họa sĩ. Thậm chí anh cường điệu hóa sự trong veo của mắt, sự đỏ lừng của má, sự nứt nẻ của môi. Ngắm tranh của anh, thấy ngập tràn năng lượng tích cực, sự trìu mến dành cho con trẻ.
Giới trong nghề nhận xét, 5 họa sĩ là 5 cá tính sáng tạo, 5 sở trường khác nhau, song họ có cùng quan điểm, xem “nghệ thuật chính là cuộc đời, nghệ thuật là tấm gương phản ánh trung thực nhất con người nghệ sĩ”.
Theo H.Sen - Đại biểu Nhân dân