Tin văn nghệ
Phát huy vai trò nghệ nhân trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc
15:36 | 22/11/2022
Chiều 18.11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức tổ chức Hội nghị Gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc.
 
Phát huy vai trò nghệ nhân trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc
Hội nghị nhận được nhiều ý kiến từ các nghệ nhân người dân tộc thiểu số
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc Việt Nam lần thứ I, diễn ra từ ngày 18 - 20.11 tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Hà Nội.
 
Nguy cơ mất dần bản sắc văn hóa truyền thống
 
Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thị Hải Nhung nhận định: Hiện nay, các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn. Dân cư sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại không thuận tiện, đời sống kinh tế còn khó khăn, nên khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào còn nhiều hạn chế và đang đứng trước nguy cơ bị phai nhạt, mất dần bản sắc văn hóa truyền thống...
 
Trong khi đó, sự tiếp thu văn hóa, tri thức mới của lớp trẻ bên cạnh sự tích cực vẫn còn có nhiều hiện tượng, trường hợp do thiếu định hướng, thiếu các điều kiện cần thiết để thực hành đã làm cho văn hóa truyền thống của các dân tộc ngày càng mai một, nhất là ở các cộng đồng có số dân rất ít người. Mặt khác, tác động của của quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới về kinh tế - văn hóa cũng làm cho các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đối diện với nhiều thách thức. 
 
Nhiều năm qua, thực hiện sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn coi trọng và phát huy vai trò của người dân, các nghệ nhân - chủ thể của hoạt động văn hóa trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ở các làng, bản dân tộc thiểu số ở các địa phương, từ đó góp phần nâng cao thực hành và hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc. Hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống được tổ chức thường niên chính là dịp để cổ vũ, khích lệ những cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích rất đáng tự hào về công tác lưu giữ, trao truyền các giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống.
 
Hội nghị lần này là dịp để các nghệ nhân, đại biểu đề xuất giải pháp thiết thực, phù hợp thực tế với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng nội dung, từng bước có cơ chế chính sách đặc thù để bảo tồn văn hóa các dân tộc, nhằm giữ gìn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa dân tộc.
 
Chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, thảo luận về thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc.
 
Nghệ nhân ưu tú Cù Văn Chiến (Quỳnh Nhai, Sơn La) cho biết, tiếng Thái giàu thanh điệu, với nhiều thổ ngữ, phương ngữ và có tới 8 bộ kí tự. Chữ viết của người Thái Việt Nam là di sản kế thừa từ thành tựu chung của cộng đồng ngữ hệ Thái cùng với sự sáng tạo, trong đó, đồng bào Thái ở Sơn La có đóng góp không nhỏ. “Để lưu giữ và truyền dạy chữ viết của người Thái và để thế hệ trẻ không quên chữ viết dân tộc mình, chúng tôi đề nghị các cấp, các bộ, ngành hỗ trợ xây dựng sách giáo khoa bằng chữ của người Thái”.
 
Phát huy vai trò của nghệ nhân trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc -0
Nghệ nhân Lưu Văn Sơn, dân tộc Mông, Cao Bằng, đóng góp ý kiến tại hội nghị
 
Trong khi đó, nghệ nhân Lưu Văn Sơn, dân tộc Mông, Cao Bằng, đề nghị được hỗ trợ kinh phí thường xuyên cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông và cam kết phát huy uy tín của mình trong cộng đồng để lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc Mông trong giai đoạn hiện nay.
 
Phát huy vai trò của nghệ nhân trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc -0
Theo nghệ nhân Đặng Thị Thanh, dân tộc Xa Phó ở Yên Bái, cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong quá trình truyền dạy, gìn giữ di sản văn hóa
 
Các nghệ nhân Xìn Văn Phong, dân tộc Pà Thẻn tại Hà Giang; nghệ nhân Lý Kin Siểu, dân tộc Dao, Lào Cai; nghệ nhân Đặng Thị Thanh, dân tộc Xa Phó ở Yên Bái cùng có mong muốn, để tiếp tục cống hiến công sức cho công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền dạy các làn điệu dân ca dân vũ, bảo tồn trang phục các dân tộc trên địa bàn tỉnh, cũng là khích lệ sự sáng tạo các giá trị văn hóa mới, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần thống nhất mục tiêu chung, đưa nội dung bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số vào nghị quyết của cấp ủy đảng, kế hoạch của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, cần có thêm cơ chế, chính sách để làm điểm tựa cho các nghệ nhân trong sự nghiệp gìn giữ và trao truyền di sản dân tộc...
 
Phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, lâu nay chúng ta luôn chăm lo đời sống các vùng dân tộc thiểu số nói chung và công tác bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào các vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Đảng và Nhà nước đã ban hành chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội của các vùng dân tộc thiểu số, trong 10 dự án thì có 1 dự án dành cho bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển cộng đồng.
 
“Đây là minh chứng thể hiện sự quan tâm cụ thể, thiết thực, cho thấy Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn xác định văn hóa dân tộc thiểu số là một nguồn nội lực, cùng với giá trị khác làm nên sức mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khẳng định với thế giới giá trị, bản sắc, sự giàu có và đa dạng về văn hóa của các dân tộc Việt Nam”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.
 
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy mong muốn, các nghệ nhân - những người đóng góp cho bảo tồn phát huy di sản văn hóa, với những kinh nghiệm, nỗ lực của mình tiếp tục truyền dạy cho thế hệ trẻ về giá trị di sản văn hóa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để báo cáo với các cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết, nhằm đưa ra các chính sách tạo điều kiện cho nghệ nhân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
 
 
 
Theo Hương Sen - Đại biểu Nhân dân
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng