Vào ngày 23/11, Hang Con Moong vinh dự được Bộ Văn hóa – Thể Thao – Du lịch (VH-TT-DL) trao bằng công nhận là Di tích khảo cổ Quốc gia đặc biệt. Đây là di chỉ khảo cổ rất độc đáo tại Thanh Hóa. Hang được phát hiện vào năm 1974 và được công nhận là di tích khảo cổ Quốc gia vào năm 2007.
Hang Con Moong là di tích thứ 4 ở xứ Thanh được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt sau Quần thể di tích lịch sử Lam Kinh, di tích Đền Bà Triệu và Thành Nhà Hồ (hiện là Di sản văn hóa Thế giới).
Di tích bí ẩn
Hang Con Moong (tiếng Mường nghĩa là con thú) thuộc địa phận bản Mọ xưa, nay là thôn Thành Trung, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, độ cao tuyệt đối 147m so với mực nước biển nằm trong núi đá vôi thuộc hệ tầng Đồng Giao, niên đại khoảng 240 triệu năm. Độ dài khoảng 40m, thông hai đầu, trần hang có chỗ cao 10m, hang Con Moong nổi bật với những thế mạnh của một di chỉ khảo cổ học độc đáo và nhiều bí ẩn ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Di chỉ hang Con Moong được phát hiện năm 1974 và tiến hành khai quật, nghiên cứu 4 lần. Lần đầu tiên vào năm 1976, với diện tích 24m2, giữ lại 8m2 làm điểm tham quan nghiên cứu. Kết quả đã xác nhận sự phát triển liên tục của các kỹ nghệ công cụ đá thuộc các giai đoạn của thời đại Đá Việt Nam, góp phần soi sáng biến diễn của cuộc sống con người ở giai đoạn bản lề từ thời đại Đá cũ sang đầu thời đại Đá mới; từ săn bắt hái lượm sang nông nghiệp sơ khai, từ hồng hoang tiến đến văn minh. Hang Con Moong được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng là Di tích quốc gia tại Quyết định số 34 ngày 3/8/2007.
Phía trong Hang Con Moong nơi phát hiện nhiều dấu tích của con người cách ngày nay 40.000 – 60.000 năm (Ảnh: Viện khảo cổ học)
Đến năm 2008 - 2009, di tích - di chỉ khảo cổ học hang Con Moong tiếp tục được UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở VH,TT&DL phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam triển khai thực hiện khai quật, nghiên cứu về di chỉ hang Con Moong và các di tích phụ cận nhằm nghiên cứu, xác định các tiêu chí để xây dựng hồ sơ Di sản Văn hóa thế giới.
Hang Con Moong tiếp tục được khai quật lần thứ 3 từ năm 2010 – 2013 và lần thứ 4 năm 2014. Qua nhiều lần khai quật, các nhà khoa học đã xác nhận sự phát triển liên tục của các kỹ nghệ công cụ đá của các giai đoạn thời đại đá Việt Nam, góp phần làm sáng rõ thêm cuộc sống con người ở giai đoạn bản lề từ thời đại Đá cũ sang thời địa Đá mới, từ săn bắn hái lượm sang nông nghiệp sơ khai, từ hồng hoang tiến đến văn minh.
Ngoài Hang Con Moong được phát hiện năm 1974, qua nhiều lần nghiên cứu khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện thêm hàng loạt hang mới.
Các tầng văn hóa cổ được tìm thấy trong hang
Tại đây, các nhà khoa học đã tìm thấy được nhiều dấu tích của người xưa qua các công cụ bằng đá và di cốt người dưới tầng địa chất của hang. Hiện các nhà khoa học đã khai quật thêm các hang gồm: Hang Lai, Hang Chùn, Hang Bố Giáo, di tích đất đắp núi Đầu Voi, Hang Diêm, Hang Chiêng, Hang Mộc Long, Hang Mái đá Mộc Long… Đây là những hang có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học có mối quan hệ với di chỉ Hang Con Moong và di tích phụ cận trong bối cảnh tiền sử Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Theo Bà Bùi Thị Tuyết, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa, với những gì mà các nhà khoa học đã tìm thấy tại Hang Con Moong thì đây là một địa chỉ khảo cổ rất đặc biệt nó đại diện cho nhiều nền văn hóa cổ xưa và liên tục cho thấy sự hiện diện của con người qua từng giai đoạn và tiến trình lịch sử.
Phát hiện nhiều tư liệu mới cho khảo cổ
Sau 5 mùa điền dã, khai quật khảo cổ (từ 210 – 2015) đoàn khảo cổ học của Viện hàn lâm khoa học Nga và Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo khoa học Quốc tế “Di chỉ Hang Con Moong và phức hợp các di chỉ phụ cận”, công bố những kết quả bức đầu tại Hang Con Moong và không gian sinh tồn của người Việt cổ ở Thanh Hóa.
Theo kết quả nghiên cứu, Hang Con Moong có địa tầng dày trung bình 9,5 m gồm 10 lớp có cấu trúc khác nhau. Từ lớp 1 đến lớp 6 (độ sâu 1 - 6 m) các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều công cụ lao động, xương cốt động vật, vỏ nhuyễn thể. Từ lớp 7 đến 10 không gặp dấu tích động vật nhưng phát hiện nhiều công cụ mảnh tước chế tác bằng đá quartz tập trung nhất ở lớp 10 (độ sâu 8,5 – 9,5 m).
Xương hóa thạch được xác định hàng nghìn năm tại Hang Con Moong và các hang phụ cận
Trải qua 4 giai đoạn phát triển về văn hóa gồm giai đoạn trước Sơn Vi sang Sơn Vi đến văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn và Đa Bút. Kết quả nghiên cứu cacbon và phóng xạ các lớp trên, độ từ cảm, tập trầm tích ở Hang Con Moong và so sánh tương thích văn hóa với các di chỉ khảo cổ học khác cho thấy niên đại sớm nhất của Con Moong được dự đoán 40.000 đến 60.000 năm trước.
Tại Hang Diêm, trong 2 đợt thám sát, khai quật, đoàn khảo cổ Việt - Nga đã phát hiện địa tầng có độ dày 1,95 m, gồm 3 lớp văn hóa, có niên đại C14 (do Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk phân tích, giám định) là 11.240 năm trước công nguyên. Cấu tạo địa tầng và tầng văn hóa ở Hang Diêm cho thấy đây là di chỉ cư trú, mộ táng của cư dân thuộc nhiều thời kỳ. Tại đây đã thu được gần 2.000 hiện vật bao gồm các loại công cụ bằng đá, xương và cả mảnh gốm, 3 mộ táng.
Tại Hang Mang Chiêng (thuộc địa giới hành chính xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) do VQG Cúc Phương quản lý, các Hang Con Moong khoảng 4 km về phía Tây. Các nhà khoa học đã khai quật cho thấy hang có tầng văn hóa dày 1,2 m chia làm 3 lớp. Tại đây đã phát hiện 10 mộ táng và nhiều công cụ bằng đá, xương, dấu tích bếp lửa… đáng chú ý các vết tích mộ táng, di cốt người thường không đầy đủ, có hiện tượng xương bị đập vỡ, bị đốt cháy… cho thấy táng thức, táng tục ở đây còn nhiều bí ẩn cần thời gian để giải mã.
Trải qua hàng chục ngàn năm do biến đổi của khí hậu, thời tiết dẫn đến môi trường sinh sống được mở rộng, do kỹ nghệ chế tác công cụ lao động, sinh hoạt ngày càng tiến bộ và nâng cao, người nguyên thủy đã tách ra từng nhóm, bầy, di chuyển đến các hang động Mang Chiêng, hang Diêm, hang Lai, hang Mộc Long, Mái đá Mộc Long, hang Đắng (động Người xưa), hang Bố giáo và để lại những dấu tích đến ngày nay.
Đoàn khảo cổ học của Viện hàn lâm khoa học Nga và Việt Nam đến tìm hiểu tại Hang Con Moong (Ảnh: Khảo cổ học Việt Nam)
Ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa, cho rằng với kết quả khai quật khảo cổ cho thấy Hang Con Moong là trong số rất hiếm những di chỉ khảo cổ học có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam và cả Đông Nam Á.
“Các di vật khai quật được ở Hang Con Moong là những bằng chứng xác thực về truyền thống cư trú trong hang, truyền thống chế tác và sử dụng công cụ đá với sự thay đổi về loại hình và kỹ thuật chế tác công cụ, điều đó được thể hiện rất rõ từ những di vật được tìm thấy từ đá quartz sang đá cuội, từ kỹ thuật mảnh tước đá quartz sang cuội ghè điển hình ở Đông Nam Á thuộc gia đoạn văn hóa Sơn Vi” - ông Phương nói.
Với ý nghĩa khoa học, giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn, hang Con Moong và các di tích phụ cận được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2367 ngày 31/12/2015. Tiếp đó, xét đề nghị của Bộ VH,TT&DL tại Công văn số 1750 ngày 17/5/2016 và của UBND tỉnh Thanh Hóa tại Tờ trình số 35 ngày 20/4/2016 về chủ trương lập quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong, tại Công văn số 4097 ngày 30/5/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì lập quy hoạch tổng thể di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong; giao Bộ VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án quy hoạch tổng thể di tích Quốc gia đặc biệt hang Con Moong theo quy định hiện hành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Nguyễn Thùy - Dân trí