Tác giả Nguyễn Thị Kim Đức (Hà Nội) với tác phẩm Sen trên chất liệu đất nung
BTC
Triển lãm "Dáng Xuân 2023" tại Hà Nội lần này gồm những dòng gốm hai miền Nam - Bắc như Bát Tràng, Phù Lãng, Hương Canh, Biên Hoà, Đồng Nai... Ở không gian này, chúng ta gặp lại gốm Hương Canh, Phù Lãng mộc mạc, thô ráp, xù xì sánh vai với sắc bóng mượt mà, mát mắt, rực rỡ của Bát Tràng, Đồng Nai, Bình Dương... Tất cả ngân rung lên âm điệu tổng thể gốm Việt, họa lên bức tranh ngàn màu rực rỡ.
Mưa xuân là tác phẩm được làm từ gốm men Phù Lãng của tác giả Đoàn Thị Thu Hương (Hà Nội)
BTC
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá: "Vẫn là đất, nước và lửa nguyên sơ khó cũ nhưng cách gọi hình, xoay dáng, tìm màu men khác của các nghệ sĩ ở Hà Nội và Sài Gòn - TP.HCM như cùng cất giọng quyết liệt, phá cách cho Gốm Nghệ thuật có một ngôi vị mới trong thế kỷ mới. Làng nghề xưa và gốm cũ của người Việt vẫn thân thuộc ngàn đời. Ngọn lửa cũ vẫn truyền tay nhiều thế hệ bảo trọng để lúc này, hôm nay bừng lên rạng rỡ ngàn độ lửa cho một đời sống khác của gốm nghệ thuật".
Tác giả Hoàng Thanh Giao với tác phẩm Tứ mèo làm từ chất liệu samot
BTC
Cũng trong triển lãm lần này, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gốm nghệ thuật , nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân chia sẻ:" Nét chung ở "Dáng xuân 2023" là mỗi tác phẩm đều được các nghệ sĩ hai miền Nam Bắc chắt lọc để đi đến cái đẹp tinh túy của gốm Việt mà không làm mất đi cái tôi từng chủ thể nghệ sĩ, không quá phân biệt ngôn ngữ gốm vùng miền mà cùng hướng về chân, thiện, mỹ".
Cùng với hoạt động trưng bày, tọa đàm về gốm Việt sẽ được tổ chức vào 9 giờ sáng thứ 7, ngày 18.2 với sự tham gia đông đảo của các nhà nghiên cứu, nhà điêu khắc, họa sĩ, nghệ sĩ...