Giải thưởng Văn học Sông Mekong được tổ chức trao luân phiên hàng năm giữa 6 quốc gia: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc. Giải thưởng hướng về những tác phẩm (thơ, văn xuôi, nghiên cứu) của tác giả 6 nước kể trên, viết về truyền thống văn hóa và đời sống của cộng đồng dân cư gắn bó với sông Mekong, về tình đoàn kết, hữu nghị, thân ái giữa các thành viên: cùng dòng chảy văn hóa truyền thống, chung một dòng Mekong bền vững.
Năm nay, Lễ trao Giải thưởng Văn học Sông Mekong lần thứ 13 (năm 2022) sẽ do Trung Quốc tổ chức.
“Lính tăng” (tiểu thuyết, NXB Văn học – 2019) của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn gồm 24 chương, được sáng tác dựa vào sự kiện lịch sử khi tăng của ta xuất hiện ở mặt trận Lào từ năm 1969 đến năm 1975. Trong tác phẩm, nhà văn đã xây dựng thành công các nhân vật đại diện cho các tập thể Tiểu đoàn tăng 195. Đó là những người lính sẵn sàng lên đường cứu nước, đoàn kết, chiến đấu dũng cảm quyết chiến thắng kẻ thù.
Tác phẩm ca ngợi tinh thần cao thượng của người lính tăng tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế nói riêng, và người chiến sĩ chống Mỹ nói chung. "Lính tăng" của Nguyễn Bắc Sơn là bài ca hùng tráng về cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Nhà văn Trình Quang Phú
Còn tập “Ký sự xứ người” của tác giả Trình Quang Phú (Bút ký, NXB Hội Nhà văn – 2019) gồm 17 bài ký văn học viết về 24 quốc gia.Tác phẩm là một bức tranh về sự phong phú của lịch sử, văn hóa của các quốc gia trong khu vực Asean như Campuchia, Thái Lan, Singapore... Tác phẩm sẽ giúp người Việt Nam nuôi khát vọng về việc xây dựng Việt Nam vươn lên ngang tầm các quốc gia tiên tiến.
Theo Thanh Xuân - An ninh Thủ đô