Ngày 1/3, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm "Kinh nghiệm từ những cuộc trưng bày, triển lãm của các trung tâm lưu trữ quốc gia".
Ông Thạch Bồi, Phó giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Trà Vinh đóng góp ý kiến tham luận.
Trong những năm qua, nhiều bảo tàng, trung tâm lưu trữ, di tích lịch sử văn hóa đã không ngừng đổi mới, trở thành nơi gìn giữ, phát huy và đưa giá trị di sản đến gần hơn, hiệu quả hơn với công chúng. Thông qua những cách tiếp cận mới, nhiều giải pháp, ý tưởng, nội dung trưng bày mới đã được thực hiện, góp phần truyền tải nhiều thông điệp của lịch sử đời sống xã hội.
Để tạo dựng được một trưng bày có đủ các yếu tố khoa học, nghệ thuật và công nghệ mang lại sự hấp dẫn công chúng là một bài toán không hề đơn giản. Nhận thức được những băn khoăn, trăn trở này, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM) đã tổ chức buổi tọa đàm "Kinh nghiệm từ những cuộc trưng bày, triển lãm của các trung tâm lưu trữ quốc gia".
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cho biết, tọa đàm là dịp để người làm công tác bảo tàng, lưu trữ và quản lý di tích có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau xây dựng những ý tưởng mới, cách làm mới trong công tác trưng bày phát huy giá trị di sản lưu trữ. Từ đó nâng cao vị thế vai trò của các cơ quan lưu trữ, bảo tàng và quản lý di tích trong xã hội phát triển, góp phần phát triển ngành lưu trữ bảo tàng ở Việt Nam.
Tại sự kiện, TS Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III và Ths Trần Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã trình bày các báo cáo tham luận đúc kết kinh nghiệm thực tế của hai đơn vị trong việc tổ chức trưng bày, triển lãm.
Đại diện Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tặng hoa các báo cáo viên. (Ảnh: D. T).
Theo chia sẻ, cách triển khai trưng bày của hai trung tâm đảm bảo ba phương diện chính: Khoa học, nghệ thuật và công nghệ. Đó là những bài học quý giá về cách chọn chủ đề triển lãm, khảo sát tài liệu liên quan, xây dựng đề cương trưng bày, thiết kế và cả công tác truyền thông trước, trong, sau triển lãm... Đồng thời, các đại biểu tham gia (trực tiếp và trực tuyến) đều tích cực thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm về triển lãm, trưng bày của cá nhân, cơ quan mình.
Các ý kiến cho thấy, cùng một nội dung, cùng một loại tài liệu nhưng nếu có cách tiếp cận mới mẻ, cách trưng bày khác nhau sẽ mang lại hiệu quả khác nhau đối với công chúng.
Theo Hồng Anh - Báo Dân trí