Tin văn nghệ
Không gian văn hóa Sài Gòn qua 'vị giác' của thi sĩ
09:47 | 30/11/2016

Không gian gia vị Sài Gòn do NXB Thế giới và Thái Hà Books ấn hành, tưởng như là một cuốn sách nói về ẩm thực. Kỳ thực, đây lại là cuốn sách mượn chuyện ăn uống nói về văn hóa của người Sài Gòn xưa nay.

Không gian văn hóa Sài Gòn qua 'vị giác' của thi sĩ
Thi sĩ Trần Tiến Dũng
1. Người viết cuốn sách này là Trần Tiến Dũng, ông tự nhận nghề nghiệp của mình là “thi sĩ” và giới thiệu rõ: sinh năm 1958 tại Gò Công, Tiền Giang.
 
Trần Tiến Dũng cho hay: “Tuy tôi sinh ở Gò Công, Tiền Giang nhưng từ hồi chút xíu đã được bế bồng lên Sài Gòn. Hồi nhỏ ở quê ăn uống đơn giản như bản tính chân chất của người quê. Nhờ sống và lớn lên ở khu Chợ Lớn (Q.5), tôi mới biết món ngon nhờ gia vị. Món ngon đấy nhưng cuộc sống, văn hóa lại phức tạp hơn nơi mình sinh ra”.
 
Thi sĩ Trần Tiến Dũng có tuổi thơ như nhiều thi sĩ, nghệ sĩ khác khi rời quê lên thành phố. Điều này giống như chuyển vùng văn hóa chứ không đơn thuần là thay đổi nơi cư trú. Chính những thi sĩ, nghệ sĩ “chuyển vùng văn hóa” giống nhau đã gặp nhau. Cách nay khoảng 5 năm, thi sĩ Nam bộ Trần Tiến Dũng đã gặp thi sĩ Bắc bộ Nguyễn Quang Thiều và họa sĩ Lê Thiết Cương. Ba nghệ sĩ này đã in chung tập truyện mang tên Ba người.
 
Như Nguyễn Quang Thiều lớn lên ở Làng Chùa (Hà Tây) thì Trần Tiến Dũng cũng sinh ra ở một xóm thôn của Gò Công (Tiền Giang). Nói nôm na theo ngôn ngữ dân dã, các ông sinh ra ở chốn nhà quê. 
Nói văn chương, như thơ Đồng Đức Bốn: “Bao nhiêu là thứ bùa mê/ Vẫn không bằng được nhà quê của mình”. Nhà quê có nhiều cái hay, nhất là trong các món ăn mộc mạc tươi ròng; nhưng món ăn nhà quê thiếu nhiều gia vị mà chỉ thị thành mới có.
 
2. Người xưa nói “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Trần Tiến Dũng mở đầu cuốn sách Không gian gia vị Sài Gòn bằng ly cà phê. Người miền Bắc mở mắt chào buổi sáng thường uống trà, còn người miền Nam và đặc biệt là Sài Gòn, chào ngày mới luôn bằng ly cà phê. Không nhâm nhi ly cà phê hay uống vội ly cà phê vào buổi sáng, xem như một ngày Sài Gòn chưa bắt đầu, dù người đó thức khuya và ngủ dậy lúc mặt trời đứng bóng.
 
Trần Tiến Dũng nhìn từ vỉa hè Sài Gòn và các quán cà phê cóc, cho rằng: “Luôn luôn có một Sài Gòn qua nhiều thế hệ con người đang chuyển động hướng mọi bước chân đi và về, gọi mở các quán cà phê cóc nép mình ở mọi hẻm phố, vỉa hè. Người đô thị gần như sẽ lâm vào cảnh khó nhận biết được sự tỉnh thức từng buổi ban mai nếu không bắt đầu hương cà phê và được nguồn hương kỳ tuyệt này mở ra cho cuộc sống cổng thông tin cần thiết”.
 

Bìa cuốn sách "Không gian gia vị Sài Gòn"
 
Con người ta có còn gọi là sống không khi không hay biết những gì đang diễn ra quanh mình? Thì ở Sài Gòn, quanh ly cà phê ngày mới, bạn sẽ có mọi nguồn thông tin để bắt đầu một chuỗi thời gian hít thở đi lại.
 
Không gian gia vị Sài Gòn viết về những gì rất quen thuộc của Sài Gòn, như gia vị nêm nếm vào mỗi món ăn hàng ngày chúng ta vẫn dùng; nhưng nếu thiếu một trong các gia vị này chắc chắn lưỡi sẽ nhạt như cuộc sống bớt phần thi vị. Tuy nhiên, trong các gia vị quen thuộc đó, đâu hẳn chúng ta nhận biết hết những gia vị chỉ góp thêm sắc hương chứ không thiết yếu mặn như muối và ngọt như đường; hay cần thiết như thói quen là cà phê Sài Gòn mỗi ngày.
 
Người Sài Gòn, người miền Nam biết uống trà không? Theo Trần Tiến Dũng là rất biết. Theo ông, gia đình dù nghèo cũng ráng kiếm trà ngon để dâng lên bàn thờ tổ tiên, cúng đất trời, cho dù bản tính hào sảng xuề xòa của họ chỉ dùng… ly trà đá.
 
“Tôi tin rằng dùng trà ngon dâng lên Trời, Phật, tổ tiên rồi chọn cho mình ba cái thứ trà dở là đáng trọng, đúng với cốt cách khiêm nhường, giữ lễ của người quê tôi. Có cách gì, nghi thức gì trọng trà ngon cho bằng việc cung hiến trà ngon lên các bậc hiển thánh, tổ tiên?”.
 
Gia vị của thi sĩ Trần Tiến Dũng không chỉ dừng lại ở cà phê, trà mà còn là cả một không gian văn hóa Sài Gòn được tác giả thể hiện qua từng món ăn thức uống, như: ổ bánh mì, tô hủ tiếu, dĩa cơm tấm, món ăn chay… Nếu “nhà quê của mình” nuôi dưỡng văn hóa, tâm hồn qua các món ăn chân chất, thì gia vị của chốn thị thành giúp cho văn hóa, tâm hồn ấy tăng thêm kích cỡ bởi nhờ sự bồi bổ của các nền “văn hóa nhà quê” khác nhau cùng tụ lại tinh hoa.
 
Theo Hoàng Nhân - Thể thao & Văn hóa
Các bài mới
Các bài đã đăng