Tin văn nghệ
“Âm thanh từ lồng ngực trái” - Cuộc triển lãm thấm đẫm tình mẫu tử
08:49 | 05/12/2016

Sau hai năm miệt mài, tối ngày 2-12 hai mẹ con họa sĩ Lê Thị Kim và cây cọ trẻ Nguyễn Trọng Hiếu đã cùng nhau tổ chức cuộc triển lãm mang tên “Âm thanh từ lồng ngực trái” tại Hội Mỹ thuật TPHCM  (218A Pasteur, quận 3). Dự kiến, triển lãm diễn sẽ kéo dài  đến ngày 12-12-2016.

“Âm thanh từ lồng ngực trái” - Cuộc triển lãm thấm đẫm tình mẫu tử
Tác phẩm "Hoa cỏ mùa xuân" của họa sĩ Lê Thị Kim
Họa sĩ Lê Thị Kim cho biết, triển lãm lần này có 79 bức tranh, được chia làm hai phòng. “Hai mẹ con miệt mài trong hai năm mới tổ chức được phòng tranh như thế này. Khi treo lên thì mọi người cảm thấy rất đầy đặn và ấm áp. Mẹ thì đã nhiều năm làm ở Hội Nhà văn thành phố và nhiều triển lãm. Còn Hiếu, năm nay mới 23 tuổi và đây là phòng tranh đầu tiên”, họa sĩ Lê Thị Kim chia sẻ.
 
Xuất phát từ cuộc sống cá nhân không được may mắn như nhiều người, hai mẹ con họa sĩ Lê Thị Kim và Nguyễn Trọng Hiếu có được sự đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, mong muốn vươn lên trong cuộc sống. Chính vì vậy, số tiền thu được từ việc bán những bức tranh tại triển lãm hai mẹ con sẽ tặng một phần cho quỹ hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong “chương trình mô tô học bổng” của nhà văn Nguyễn Đông Thức và nhà văn Đoàn Thạch Biền, để cùng chung tay giúp đỡ, thắp sáng niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống của các em.
 
79 bức tranh được triển lãm lần này đa phần là hình ảnh người phụ nữ. Nhưng khi xem kỹ người xem sẽ có cảm nhận được điều mà người họa sĩ hướng đến không chỉ đơn thuần nói về những người phụ nữ. Họa sĩ Lê Thị Kim chia sẻ: “Đây là biểu cảm của tâm hồn con người, phụ nữ là phái đẹp, là những người xứng đáng được yêu mến. Tại sao tôi lại luôn vẽ một cái cổ rất cao, 3 ngấn? Là bởi vì nó thể hiện niềm khát khao được vươn lên, được hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống của con người”.
 
Nữ họa sĩ tâm sự rằng, trong cuộc sống, mỗi khi có khó khăn, khổ ải nào đó thì chị luôn hy vọng, luôn tin rằng sẽ có “ánh sáng cuối đường hầm”.
 

Nhiều bạn bè, người thân đến chúc mừng hai mẹ con họa sĩ
 
Kể về cậu con trai của mình, họa sĩ Lê Thị Kim cho biết, khi mới 3 tuổi, Nguyễn Trọng Hiếu đã bắt đầu tập vẽ. Cậu thường vẽ trên những tấm giấy do mẹ mình tìm mua. Chị kể: “Những tập giấy ấy bây giờ tôi còn giữ lại cả mấy chồng. Hiếu thường năn nỉ tôi “con học giỏi là mẹ cho con vẽ nha”. Hiếu thường vẽ truyện hoạt hình và thích truyện cổ tích. Hiếu đã từng vẽ truyện cổ tích bằng tranh, nên hồi đó tôi phải mua những xấp giấy đóng thành tập để Hiếu có thể vẽ được một cuốn truyện. Đầu tiên Hiếu vẽ bằng bút màu, bút chì. Khi tôi cho Hiếu vẽ bức đầu tiên bằng sơn dầu thì Hiếu mất ngủ 3 đêm liền. Đó là bức sơn dầu về mẹ năm mẹ 16 tuổi”.
 
Một điều khiến nhiều người cảm phục ở Nguyễn Trọng Hiếu là cậu bị tật ở chân từ nhỏ, đi lại rất khó khăn. Dù vậy, nghị lực vươn lên trong cuộc sống thì hết sức mạnh mẽ. Tại buổi triển lãm đầu tiên của mình, Hiếu luôn nở nụ cười rạng ngời, hạnh phúc trong sự chúc mừng của bạn bè, người thân.
 

Họa sĩ Nguyễn Trọng Hiếu luôn nở nụ cười hạnh phúc trong triển lãm của mình
 
Ngoài năng khiếu hội họa, Hiếu còn là một người thông minh, học giỏi, có thể dịch nhạc tiếng Anh thành thạo. “Hiếu muốn dạy học tiếng Anh, nói mai mốt mẹ mở cho con một phòng dạy tiếng Anh tại gia”, họa sĩ Lê Thị Kim hạnh phúc khi kể về cậu con trai của mình.
 
Theo Xuân Thủy - SGGP Online

 

Các bài mới
Các bài đã đăng