Ông cùng với họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành Lý luận Phê bình Mỹ thuật ở Việt Nam. Cùng với những sáng tác, ông cũng viết nhiều bài báo về mỹ thuật có giá trị đăng trên báo Ngày Nay, Thanh Nghị, Trung Bắc Chủ nhật nhằm phổ cập, quảng bá, hướng dẫn và phê bình về mỹ thuật.
Cùng với đó, họa sĩ Tô Ngọc Vân còn là một nhà giáo Mỹ thuật xuất sắc. Ông tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, góp phần đào tạo nhiều họa sĩ tài danh thuộc thế hệ đầu của nền Mỹ thuật Việt Nam như: Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên, Phan Kế Anh, Ngô Mạnh Lân, Trần Lưu Hậu…
Ông cũng là người hai lần được giao nhiệm vụ làm hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam ngay sau cách mạng thành công cuối năm 1945 và Trường Mỹ thuật Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp năm 1949. Để tưởng nhớ họa sĩ Tô Ngọc Vân, ngay sau ngày hòa bình lập lại, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội đã lấy tên ông để đặt cho khóa học đầu tiên khi nhà trường tiếp tục khai giảng khóa học mới.
Đánh giá về các tác phẩm của danh họa Tô Ngọc Vân, nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo cho biết: “Lịch sử mỹ thuật thế giới và Việt Nam đã khẳng định đề tài phụ nữ, nhất là thiếu nữ, những giai nhân của dân tộc và thời đại đã sớm trở thành một trang sử mỹ thuật đẹp. Trong đó, các tác phẩm sơn dầu đầu tiên của họa sĩ Tô Ngọc Vân như Thiếu nữ bên hoa huệ, Hai thiếu nứ và em bé, Buổi trưa, Thiếu nữ và hoa sen… của ông đã đi vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam, được sáng tác theo tuyên ngôn về nghệ thuật của ông. Đó là, hội họa là gỡ cái đẹp trong cử chỉ đẹp nhất, tươi nhất, có ý nghĩa nhất là tươi cuộc đời”.
Bức tranh Đi học thời chiến của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân vẽ trong thời kháng chiến chống Pháp. Ảnh: TL
Theo nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo tranh sơn dầu của Tô Ngọc Vân và các họa sĩ cùng thế hệ sớm định hình một phong cách sơn dầu đậm bản sắc dân tộc và thời đại. Biết tiếp thu tinh hoa khoa học sơn dầu Châu Âu, vẽ theo quan niệm tạo hình truyền thống phương Đông Việt Nam.
Có ảnh hưởng đến phong cách sơn dầu của các thế hệ họa sĩ hậu sinh. Đáng trân trọng hơn, khi đến với cách mạng và khi đi vào kháng chiến, được sống, chiến đấu cùng công - nông - binh, cuộc sống mới, con người mới đã đi vào tranh ông như cuộc đời mình vậy.
Các tác phẩm trực họa, ký họa theo bước chân các chiến sĩ đi khắp các nẻo đường chiến dịch như: Nghỉ chân bên đổi, Hai chiến sĩ, Lão du kích hay những ký họa sống động thấy được sức sống mới trong cải cách ruộng đất đơn cử như Con trâu quả thực, Tôi có ý kiến, Chị cốt cán… khẳng định một phong cách nghệ thuật hiện thực cách mạng.
“Tất cả các tác phẩm của ông ở thời kỳ này khác hẳn với phong cách hiện thực mộng mơ, hiện thực giàu chất thơ trước cách mạng. Tất cả đều xuất phát từ cái gốc tươi cuộc đời”, nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo cho hay.
Tuyệt tác Hai thiếu nữ và em bé của danh họa Tô Ngọc Vân đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013. Ảnh: TL
Với những đóng góp lớn lao cho nền Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; được Bác Hồ gửi thư khen và tặng áo; Huy chương Vì sự nghiệp Văn họa Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam…
Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt I) cho các tác phẩm “Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ” - sơn dầu; “Bộ đội nghỉ chân trên đồi” – sơn mài; “Xưởng quân giới” – sơn dầu; “Bộ tranh ký họa về nông dân cải cách ruộng đất”; “Bừa trên đồi” – bột màu; “Bộ tranh ký họa về bộ đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ”...
Có thể thấy, là một trong 8 họa sĩ hàng đầu của Việt Nam được vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I; với 48 năm tuổi đời, 28 năm tuổi nghề, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã đóng góp công sức rất lớn cho nền mỹ thuật Việt Nam trên nhiều phương diện.
62 tác phẩm có mặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không phải là con số lơn trong toàn bộ những sáng tác của ông, nhưng Sưu tập đã có được một số tác phẩm giá trị thuộc vào hàng kho báu của nghệ thuật hội hoạ Việt Nam. Năm 2013 tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” trong sưu tập đã được xếp hạng Bảo vật quốc gia. Đây là niềm vinh dự và tự hào dành cho người nghệ sĩ.
Theo Hà Tùng Long - Dân trí