Tin văn nghệ
Giao lưu nghệ thuật Múa rối Đông Nam Á lần thứ 10 tại Việt Nam: Thắm tình đoàn kết
09:28 | 20/12/2016

Sau 09 ngày 8 đêm, tối 17/12, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ bế mạc “Chương trình giao lưu nghệ thuật Múa rối Đông Nam Á (APECX) lần thứ 10 tại Việt Nam", để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả Thủ đô.

Giao lưu nghệ thuật Múa rối Đông Nam Á lần thứ 10 tại Việt Nam: Thắm tình đoàn kết
Ông Phạm Đình Thắng-Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) phát biểu tại Lễ bế mạc

Chương trình là một hoạt động thường niên của Hiệp hội múa rối Đông Nam Á (ĐNA) gồm 11 nước: Campuchia, Bruney, Myama, Thái Lan, Myama, Lào, Singapore, Philippine, Indonexia, Việt Nam và khách mời Nhật Bản để giao lưu, trao đổi, kết nối, hợp tác về nghệ thuật múa rối của khu vực.

Chương trình trao đổi múa rối ĐNA (APEX) được khởi xướng tại hiệp hội múa rối ĐNA năm 2014 với mục đích phát triển nghệ thuật múa rối và tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng ĐNA.

Ông Phạm Đình Thắng - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) khẳng định: “Chương trình chính là diễn đàn để các nước ĐNA tăng cường hợp tác hơn nữa về nghệ thuật Múa rối nói riêng và quan hệ giữa nhân dân các nước ĐNA nói chung. Ông hy vọng sự hợp tác này không chỉ là diễn đàn về môn nghệ thuật Múa rối mà sẽ đề ra những hành động cụ thể để giúp nghệ thuật Múa rối các nước ĐNA cùng phát triển, và Chương trình giao lưu nghệ thuật này không chỉ dừng lại các nước ĐNA và Nhật Bản mà còn lan tỏa đến các nước khác trong khu vực”.


Ông Terence Tan, Chủ nhiệm Dự án Giao lưu nghệ thuật múa rối ASEAN hy vọng sẽ có nhiều hơn cộng đồng và dân tộc được hưởng lợi từ các hoạt động giao lưu với sự tham gia của những người dân bản địa

Bà Mirna Mutiara Giám đốc Chương trình của quỹ ASEAN cho biết, việc tổ chức “Đại hội thường niên Hiệp hội múa rối ASEAN tại Việt Nam” không chỉ là dịp hội tụ các đơn vị nghệ thuật múa rối tiêu biểu của các quốc gia ASEAN, mà còn làm sâu sắc thêm tình đoàn kết hữu nghị, giúp nhân dân các nước hiểu rõ hơn về mảnh đất, con người, văn hóa của nhau. Đồng thời, là dịp để các nhà quản lý nghệ thuật, các nghệ sỹ múa rồi Việt Nam cùng biểu diễn, trao đổi với các nghệ sĩ trong khối ASEAN và các nghệ sĩ đến từ Nhật Bản.

Bà Mirna Mutiara cũng chia sẽ, Quỹ ASEAN sẵn sàng hỗ trợ hết sức trong khả năng có thể cộng tác với Nhà hát Múa rối Việt Nam và công ty Artsolute để tổ chức Liên hoan Múa rối ASEAN tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN vào năm 2017 và Liên hoan múa rối quốc tế Hà Nội vào năm 2018.


Ông Phạm Đình Thắng-Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) tặng hoa cho Bà Mirna Mutiara-Giám đốc Chương trình của quỹ ASEAN

Trong vòng 9 ngày 8 đêm, chương trình trao đổi múa rối lần thứ 10 vào tháng 12/2016 đã kết nối nghệ sĩ múa rối và nhạc công của ĐNA với khách mời nghệ sĩ đến từ Nhật Bản để tạo nên một câu chuyện chung nhằm chuẩn bị cho nhiều cơ hội trao đổi, hội thảo, tác phẩm hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN.

Dựa theo các câu chuyện dân gian của Brunei, Campuhia, Việt Nam và các nước ĐNA, phần mở màn thể hiện tầm quan trọng và sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng ASEAN. Mở đầu là cảnh hai người nông dân tranh giành đất trồng trọt. Cùng lúc đó, một người đàn ông đã đứng ra giải quyết cuộc tranh chấp bằng cách kể cho họ nghe một câu chuyện với ý nghĩa đừng để “chuyện bé xé ra to”.

Câu chuyện kể về hai vị thần đang chơi chọi gà. Ban đầu đây chỉ là một trò chơi nhưng càng về sau hai con gà càng trở nên hiếu thắng dẫn đến một cuộc chiến thực sự. Cuộc chiến kéo dài cho đến khi hai con gà hóa thân thành hai con rồng và chỉ chấm dứt khi chúng mắc kẹt vào nhau, hóa đá và trở thành hai hòn đảo. Thật không may là hòn đảo đã cô lập hoàn toàn mọi sự sống của một vùng biển, nhất là loài cá không thể kiếm ăn hay sinh sống được. Khi thấy tình cảnh mà hai con rồng gây ra người dân đã cầu cứu sự giúp đỡ của hai vị thần. Sau khi hai con rồng nhận ra lỗi lầm của mình, chúng đã hợp sức và cùng nhau giải thoát đàn cá.

Khi được nghe câu chuyện về hòn đảo rồng, hai người đàn ông đã nhận được một bài học quý giá và dạy cho mọi người biết cách cấy cày.

Kết thúc vở rối, các nghệ sĩ của ĐNA đã trình diễn bài hát mang âm hưởng của Việt Nam và Indonesia, thể hiện sự đoàn kết của cả cộng đồng.

Đến xem chương trình, anh Bùi Huy Tùng (35 tuổi) đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với các tiết mục được biểu diễn trong chương trình tối nay. Tôi hy vọng sẽ có nhiều sự hợp tác hơn trong nghệ thuật múa rối Việt Nam với các nước ĐNA, để khán giả Thủ đô có cơ hội biết nhiều hơn về các nền văn hóa của các nước trong khu vực và trên thế giới”.

"Có thể nói, âm nhạc là công cụ đắc lực trong việc thể hiện tâm tư tình cảm của con rối vô tri mà dẫu có lời thoại cũng không thể truyền tải hết. Âm nhạc gắn kết các trò diễn với nhau, tạo cho người xem không có cảm giác bị đứt đoạn giữa các trò diễn, truyền tải được hết nội dung tạo sự giao lưu giữa con rối và người xem trong chương trình tối nay" - Đó cảm nhận của Bà Nguyễn Thị Nga, một khán giả lớn tuổi tại chương trình.

Kết thúc chương trình bế mạc, khán giả Thủ đô đã đồng loạt đứng lên vỗ tay hưởng ứng theo điệu nhảy của các nước. Qua đó, có thể thấy, nghệ thuật múa Rối đã có một chỗ đứng không nhỏ trong lòng mỗi người dân Thủ đô.


Ông Phạm Đình Thắng-Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) trao chứng nhận tham gia chương trình cho các nghệ sỹ

Múa rối truyền thống Việt Nam, đặc biệt là rối nước trong nhiều năm qua luôn đạt được thành tích cao. Những kỷ lục về số buổi diễn, doanh thu, lượng khán giả không những đứng đầu hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong nước mà còn được tổ chức kỷ lục châu Á ghi danh công nhận. Đó là một vinh dự rất đáng tự hào cho ngành rối Việt Nam. Qua chương trình góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các đoàn, các nhóm múa rối của các quốc gia, đồng thời là sân chơi nghệ thuật múa rối và âm nhạc truyền thống phong phú, đa dạng.

Đến với chương trình giao lưu lần thứ 10 tại Việt Nam, nghệ sĩ múa rối các nước cùng tham gia chia sẻ, thảo luận, học hỏi về nghệ thuật biểu diễn múa rối, âm nhạc truyền thống của các quốc gia, tham dự khóa học về nghệ thuật múa rối nước truyền thống của Việt Nam. Đặc biệt, các nghệ sĩ sẽ cùng nhau xây dựng một vở diễn múa rối chung cho cộng đồng và khu vực mang tên “APEX: ONE ASEAN” khi chương trình giao lưu kết thúc.

Qua việc tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các nghệ nhân rối ASEAN, giúp họ nâng cao kỹ năng biểu diễn và tạo nên một mạng lưới và bản sắc ASEAN trong khu vực, không chỉ giữa các quốc gia thành viên với nhau, mà còn với các khán giả trong nước và quốc tế.

Một số hình ảnh tại Chương trình:

Theo Lan Phạm - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các bài mới
Các bài đã đăng