Từ năm 3 tuổi, Nguyễn Trọng Hiếu đã thích vẽ và tỏ ra có năng khiếu hội họa. Thế nhưng, một căn bệnh nan y đã ập đến tàn phá cơ thể và ước mơ tung tẩy thế giới sắc màu, từ đó Hiếu chỉ còn lo chữa bệnh và cố gắng tập trung học tập. Giới văn nghệ sĩ TPHCM hầu hết là bạn bè của vợ chồng nhà văn Đông Quân và nhà thơ Lê Thị Kim đều thương xót, đau lòng trước sự bất hạnh của bé Hiếu. Có lúc tưởng chừng Hiếu nằm mãi một chỗ, không thể nào bước đi được.
Nỗi đau càng nhân lên khi nhà văn Đông Quân đột ngột qua đời, nhà thơ Lê Thị Kim đã gánh vác luôn công việc của chồng, cô đơn vất vả ngược xuôi nuôi hai người con trai nhỏ. Tình yêu thương của mẹ là nguồn mạch lớn giúp Hiếu có nghị lực mạnh mẽ vượt qua sự bất hạnh, luôn tìm kiếm điều gì đó để đền đáp công lao của mẹ. Bằng nhiều cách chữa trị khác nhau, Hiếu dần dần hồi phục và có thể tự đi lại bằng đôi nạng. Hiếu cũng cố gắng học tập và nuôi dưỡng giấc mơ sáng tạo nghệ thuật. Những bài thơ và những bức tranh của Hiếu lần lượt ra đời.
Gần 3 năm trước, chị Lê Thị Kim và Nguyễn Trọng Hiếu cùng chúng tôi về thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên dự lễ hội thơ Nguyên tiêu núi Nhạn có truyền thống bền lâu nhất nước. Trên chuyến xe khi nghe Nguyễn Trọng Hiếu đọc thơ và được xem tranh của Hiếu qua điện thoại do chị Lê Thị Kim chụp lại, chúng tôi ai cũng ngỡ ngàng. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã phổ ngay bài thơ Trăng ô mai của Hiếu và hát luôn trên xe: “Gót xoay mềm cả vầng trăng mười sáu/ Đọng lại hồn ta một thuở nhớ nhung/ Nếu vàng xưa có còn vương suối tóc/ Đọng lại tuổi thơ ta một nụ tình…”. Bài thơ Hiếu viết tặng cô bạn học thân thiết thuở nhỏ. Nhà thơ trẻ Hoa Níp vừa cầm lái vừa trầm trồ ngợi khen em Hiếu hết lời. Tiếc là Hoa Níp mệnh bạc bây giờ không còn cơ hội để xem những bức tranh mới của Hiếu triển lãm tại Hội Mỹ thuật TPHCM.
Những ngày cuối năm 2016, cái lạnh tràn về phương Nam. Cuộc triển lãm tranh “Âm thanh từ lồng ngực trái” của mẹ - con nhà thơ, họa sĩ Lê Thị Kim - Nguyễn Trọng Hiếu như ngọn lửa nồng ấm của tình mẫu tử xua đi cái lạnh trong lòng người Sài Gòn yêu hội họa. Trong số 79 bức tranh sơn dầu được triển lãm của hai mẹ con, họa sĩ Lê Thị Kim có 49 bức, còn Nguyễn Trọng Hiếu có 30 bức. Đây là nỗ lực phi thường và là dòng cảm hứng trong trẻo của một tâm hồn thuần hậu trong một cơ thể khiếm khuyết.
Khát vọng - tranh Nguyễn Trọng Hiếu
Nếu không biết Nguyễn Trọng Hiếu, chỉ xem tranh của anh, chúng ta sẽ không thể hình dung rằng đó là tác phẩm của một chàng trai sớm mồ côi cha, lớn lên giữa dông bão đời mình trong vòng tay yêu thương của người mẹ tài hoa và cũng giàu nghị lực sống. Ký ức tuổi thơ, tình bạn, tình yêu và vẻ đẹp thiên nhiên lành mạnh đã được Nguyễn Trọng Hiếu miệt mài tái dựng trong tranh mình qua những gam màu hồn nhiên, tươi mới và cũng đầy lãng mạn. Hội họa và thi ca đã giúp Hiếu đứng thẳng giữa cuộc đời!
Họa sĩ Lê Thị Kim cho biết, xuất phát từ ý tưởng làm từ thiện của Nguyễn Trọng Hiếu, phần lớn số tiền thu được từ bán tranh của hai mẹ con tại triển lãm “Âm thanh từ lồng ngực trái” đã chuyển làm từ thiện. Trong đó, 79 triệu đồng hỗ trợ chương trình “Mô tô học bổng” của hai nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền nhằm giúp các em học sinh nghèo hiếu học, còn 80 triệu đồng giúp cho một bệnh nhân bị ung thư mới phát hiện giai đoạn đầu có khả năng cứu chữa. Hiếu rất vui khi tâm nguyện của mình và mẹ đã thành hiện thực. Đó cũng là tiếng vọng yêu thương của họa sĩ trẻ 23 tuổi vượt lên chính mình gửi đến cuộc sống này!
Theo Phan Phú Yên - SGGP Online