Các bảo vật mang đặc trưng văn hóa Đông Sơn, phản ánh lịch sử hình thành, phát triển của người dân Việt. Thông qua đó, chúng ta thấy lại được phần nào đời sống vật chất, tinh thần, khát vọng vạn vật sinh sôi nẩy nở của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Các bảo vật cũng là là nguồn tài liệu nghiên cứu vô giá về truyền thống và lịch sử hình thành xã hội Đông Sơn.
Nền văn hóa Chămpa với tấm bia đá có niên đại cách đây 16 thế kỷ (thế kỷ 3-4), được xem lại tấm bia cổ nhất Đông Nam Á cũng được trưng bày lần này.
Đây là tấm bia cổ nhất còn lại của Vương quốc cổ Champa. Bia được khắc bằng chữ Phạn cổ cho biết nhiều thông tin có giá trị về lịch sử Vương triều Tiền vương quốc Nam Chăm. Minh văn còn cho biết sự du nhập và ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo vào Chămpa từ sớm.
Công chúng cũng có dịp chiêm ngưỡng chiếc chuông chùa Vân Bản bằng đồng, thời Trần, thế kỷ 13 – 14. Đây là chiếc chuông cổ nhất đồng thời có kích thước lớn nhất, uy nghi nhất của nền văn minh Đại Việt. Những hoa văn độc đáo của chuông trở thành nguồn tài liệu quý để nghiên cứu lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung, thời Trần nói riêng.
Bảo vật thời Trần cũng góp mặt trong nhóm 16 bảo vật trưng bày lần này là ấn “Môn hạ sảnh ấn”.
Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, những phát hiện về ấn đồng các triều đại phong kiến Việt Nam không nhiều. “Môn hạ sảnh ấn” là chiếc ấn đồng có nội dung rõ ràng nhất, niên đại cụ thể nhất liên quan đến lịch sử hành chính trung ương triều Trần.
Bảo vật bằng chất liệu gốm duy nhất trong 16 bảo vật được trưng bày lần này là bình gốm hoa lam, vẽ thiên nga. Thời Lê sơ là giai đoạn phát triển huy hoàng của nghệ thuật gốm sứ cổ Việt Nam. Đồ gốm thời kỳ này không những phong phú về dòng men, đa dạng về loại hình, kiểu dáng mà hoa văn trang trí cũng rất sinh động. Sản phẩm gốm đương thời đã khẳng định được uy tín và tham gia mạnh mẽ vào giao lưu thương mại quốc tế.
Bia đá điện Nam Giao, một trong những di vật có giá trị nhất còn lại của Đàn Nam Giao Thăng Long
Những hiện vật thời kỳ Trung đại Việt Nam, nổi bật là Bia đá điện Nam Giao, thời kỳ Lê Trung Hưng. Đây là một trong những di vật có giá trị nhất còn sót lại của Đàn Nam Giao Thăng Long. Phản ảnh rõ nét ý nghĩa lịch sử điện Nam Giao và lễ tế Nam Giao ở Thăng Long, nghi lễ lớn nhất của các vương triều Lý – Trần – Lê để tế Trời – Đất cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Cũng là trống đồng, nhưng bảo vật quốc gia Trống đồng Cảnh Thịnh thời Tây Sơn lại là những hiện vật lịch sử của giai đoạn đầu thế kỷ XIX (niên hiệu Cảnh Thịnh, 1800).
Bảo tàng lịch sử quốc gia cho biết, trống đồng Cảnh Thịnh là hiện vật độc bản trong phức hợp trống đồng Việt Nam. Tạo hình trống thể hiện sự độc đáo khi mô phỏng theo kiểu trống da truyền thống. Hoa văn trang trí chính đúc nổi đề tài Tứ linh mang ý nghĩa biểu trưng cho đất nước thái bình thịnh trị, xã hội an lạc…
Một bảo vật tượng trưng cho quyền lực thời kỳ phong kiến Việt Nam là Ấn “Sắc mệnh chi bảo” bằng vàng thời Nguyễn (nặng 8,3kg), năm Minh Mệnh thứ 8, 1827. Ấn cũng là hiện vật độc bản, biểu trưng cho quyền lực nhà Nguyễn, có giá trị đặc biệt trong sưu tập kim bảo triều Nguyễn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Trong số những bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, không thể không nhắc đến những bảo vật gắn liền với thời đại Hồ Chí Minh, đặc biệt là những bảo vật trực tiếp gắn bó với đời sống của Người.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bảo vật quốc gia được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Đầu tiên là bảo vật quốc gia “Nhật ký trong tù”- tác phẩm văn học gồm 133 bài thơ chữ Hán do Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây (Trung Quốc), 1942 - 1943.
Cùng với đó là cuốn “Đường Kách mệnh” tập hợp những bài giảng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc) những năm 1925 – 1927, do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông ấn hành bí mật và chuyển về nước.
“Đường Kách mệnh” là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin về đấu tranh giải phóng dân tộc gắn với cách mạng vô sản, là nền tảng cho việc tìm hướng đi mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam và được coi là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối của cách mạng Việt Nam.
Đường Kách mệnh tập hợp những bài giảng của Bác Hồ (Nguyễn Ái Quốc) trong thời gian hoạt động cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc)
Công chúng đến với triển lãm cũng sẽ được chiêm ngưỡng Bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Đây là hiện vật có giá trị đặc biệt, liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước, gắn bó với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” không chỉ có ý nghĩa lớn lao về lịch sử, mà còn mang tính nhân văn, có giá trị về ngôn ngữ tiếng Việt. Với hai trang viết giản dị, dễ hiểu, tinh tế, nhưng hào hùng, hừng hực khí thế xung thiên, lời kêu gọi đã diễn tả được những tư tưởng, ý chí, tình cảm của cả dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp.
Lần đầu tiên, 16 bảo vật quốc gia được giới thiệu đến công chúng. Triển lãm giúp khách tham quan có cái nhìn tổng thể về sưu tập Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng và khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa chuyên sâu, hấp dẫn hơn của mỗi bảo vật quốc gia. Bên cạnh đó, công chúng cũng sẽ có thêm hiểu biết về tư duy thẩm mỹ cũng như bàn tay tài hoa của cha ông. Từ những giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc ấy, khi đến chiêm ngưỡng các bảo vật quốc gia được trưng bày tại triển lãm, khách tham quan cũng thấy được bồi đắp thêm lòng yêu nước, tự hào dân tộc từ đó, có ý thức bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam./.
Theo Hoàng Đức - toquoc.vn