Gồm 9 chương, Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận tập hợp nhiều bài báo, nhiều công trình nghiên cứu của GS Phan Huy Lê trong thời gian 10 năm kể từ 1998 (cả trong nước và ngoài nước).
Điểm đặc biệt nhất ở công trình này là cách tiếp cận đa tuyến và toàn diện,mở rộng cả về không gian và thời gian trong lịch sử Việt Nam. Chẳng hạn, trước đó, những công trình nghiên cứu khác thường nhìn nhận lịch sử văn hóa Việt Nam theo góc độ phát triển về lãnh thổ của người Việt đơn thuần. Do vậy, một phần lớn thông tin về lịch sử, văn hóa các vùng đất Nam Bộ, Nam Trung Bộ đã chưa được đề cập tới nhiều.
Ngược lại, theo cách tiếp cận của GS Phan Huy Lê, lịch sử Việt Nam bao gồm lịch sử và văn hóa các cộng đồng cư dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Điển hình, lịch sử cổ đại Việt Nam không chỉ có lịch sử của nhà nước Văn Lang, Âu Lạc mà bao gồm nhà nước Chăm Pa và nền văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Ốc Eo và nhà nước Phù Nam ở Nam Bộ.
Ngoài ra, công trình cũng tập trung phân tích nhiều giai đoạn có tính chất “bước ngoặt” trong lịch sử Việt Nam, chẳng hạn như giai đoạn nửa đầu thế kỷ X (thời điểm kết thúc thời kỳ Bắc thuộc để mở ra thời kỳ phong kiến độc lập đầu tiên của Việt Nam với sự đóng góp lần lượt của cha con Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền) hay giai đoạn cuối thế kỷ XIV tới cuối thế kỷ XIV (thời kỳ mô hình quân chủ tập quyền có nhiều thay đổi đặc biệt).
Công trình của GS Phan Huy Lê
Ngoài Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận, lĩnh vực khoa học – công nghệ còn có 8 công trình khác được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V. Ngoài ra, 7 công trình khác thuộc lĩnh vực này được nhận giải thưởng nhà nước, trong đó có công trình sử học Lịch sử tư tưởng Việt Nam của nhóm tác giả GS Nguyễn Tài Thư, Hà Văn Tấn, Phan Đại Doãn… Lễ trao giải sẽ diễn ra vào tối 15/7.
Theo Sơn Tùng - Thể thao & Văn hóa