Lễ trao giải Truyện tranh Quốc tế Nhật Bản đã diễn ra trang trọng vào tối 6/2 tại Tokyo, Nhật Bản. Tác giả Can Tiểu Hy (tên thật là Phan Cao Hà My, sinh năm 1990) đến từ Việt Nam đã giành giải Bạc với tác phẩm “Ðịa ngục môn”. Ðây là bộ truyện tranh thứ ba của Việt Nam sau Đất Rồng (lần thứ 6), Long Thần Tướng (lần thứ 9) được trao giải tại cuộc thi này.
Giải Truyện tranh quốc tế là hoạt động thường niên do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tổ chức từ năm 2007 với mục đích tôn vinh những tác giả nước ngoài có đóng góp vào việc phổ biến văn hóa Manga (truyện tranh).
Theo Ban tổ chức, cuộc thi năm nay đã thu hút 296 tác phẩm của các tác giả đến từ 55 quốc gia, khu vực. Trong đó có 14 tác phẩm đoạt giải với 1 giải Vàng, 3 giải Bạc, 10 giải Đồng.
Giải Vàng được trao cho tác giả Joel Parnotte đến từ Pháp với tác phẩm "Master of arms" (tạm dịch là “Thần Kiếm”). Cùng với giải Bạc được trao cho Can Tiểu Hy đến từ Việt Nam, hai tác phẩm còn lại nhận giải này là "Scavengers" (tạm dịch là “Người lao công”) và "The heart of darkness" (tạm dịch là “Hắc Tâm”), lần lượt của hai tác giả đến từ Trung Quốc và Italy.
Can Tiểu Hy cùng các tác giả đoạt giải
Tác giả Can Tiểu Hy cho biết rằng tác phẩm “Địa ngục môn” là tác phẩm mang tính tâm linh, khơi gợi cho độc giả góc nhìn khác về cái chết (không đáng sợ như người ta tưởng). Cũng từ đó mà mỗi con người phải tự tìm thấy giá trị của cuộc sống, yêu cuộc sống này hơn.
Câu chuyện quay xung quanh câu chuyện một cô gái trẻ không hiểu vì sao bị đưa xuống địa ngục. Cô tìm hiểu nguyên nhân và nỗ lực đưa mình về với cuộc sống dương gian. Cũng từ đây cô cũng nhận ra giá trị của cuộc sống mà mình có.
Can Tiểu Hy nói rằng cô rất tự hào và vui sướng khi đoạt giải thưởng lần này bởi đó là điều nằm ngoài sự tưởng tượng của cô. Cô cũng hy vọng rằng truyện tranh của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và việc đoạt giải cũng chỉ là bước đầu cho những tác phẩm truyện tranh tiếp theo của cô. “Địa ngục môn” chỉ là phần đầu trong Bộ truyện tranh của cô. Độc giả Việt Nam và Nhật Bản đang đón đợi phần tiếp theo của câu chuyện như đại diện của Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Ban Giám khảo mong muốn bởi nó mang lại cái nhìn nhân văn về từ chính trong bản thân mỗi con người./.
Theo Bùi Hùng-Việt Dũng/VOV-Tokyo