Diễn ra từ ngày 8-13/3, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 hứa hẹn sẽ là sự kiện văn hóa đặc sắc, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế tham gia.
Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội về cơ bản được các tiểu ban phụ trách cùng các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện. Các chương trình chính đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho đợt tổng duyệt như: Lễ khai mạc, bế mạc; Đêm hội diễn tấu Cồng chiêng Tây Nguyên; Lễ hội đường phố sẽ tổng duyệt vào 15 giờ ngày 9/3; Cuộc thi “Đệ nhất pha chế cà phê” tại Việt Nam đã hoàn thành vòng sơ khảo tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 2/3...
Với Hội nghị Xúc tiến Đầu tư khu vực Tây Nguyên, tỉnh đang tích cực phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Miền Trung bảo đảm việc tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4 hiệu quả, thiết thực, tạo bước đột phá trong hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư của tỉnh nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Ngoài ra, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách dự đoán sẽ tăng đột biến trong dịp Lễ hội, tỉnh đã chỉ đạo ngành liên quan rà soát cơ sở vật chất, chủ động lên kế hoạch đón tiếp, chuẩn bị nhân lực, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên phục vụ, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thêm một số gia đình thực hiện dịch vụ homestay… bảo đảm phục vụ cho hơn 15.000 lượt du khách. Đặc biệt, tỉnh cũng yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm không để xảy ra tình trạng chèo kéo, tự ý nâng giá dịch vụ.
Với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển” (Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột) và “Bản sắc trong thế giới hội nhập” (Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017), sự kiện này sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk qua đó kêu gọi, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị của không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo T.T - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch