Thay vì cấp giấy phép phổ biến lẻ tẻ cho từng ca khúc xưa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn có thể ra một văn bản nêu rõ những ca khúc loại nào không được phép phổ biến
Mới đây, Cục Nghệ thuật Biểu diễn ra thông báo tạm thời dừng lưu hành một số bài hát đã được cục này cấp phép phổ biến thời gian qua để xem xét, xác minh, thẩm định trên cơ sở đối chiếu với bản nhạc gốc. Đó là các ca khúc: “Cánh thiệp đầu xuân” của tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ, “Rừng xưa” của Lam Phương, “Chuyện buồn ngày xuân” của Lam Phương, “Đừng gọi anh bằng chú” của Diên An, “Con đường xưa em đi” của Châu Kỳ - Hồ Đình Phương. Tình trạng ca khúc được cấp phép lại bị dừng, thậm chí thu hồi không phải lần đầu tiên xảy ra.
Cho rồi không, không rồi cho
TP HCM là thị trường âm nhạc sôi động nhất cả nước. Bên cạnh các chương trình băng đĩa, công diễn…, sự bùng phát những game show ca nhạc trên sóng truyền hình thời gian gần đây đã làm cho nhu cầu sử dụng các ca khúc xưa ngày càng trở nên bức thiết. Khi các ca khúc mới không đáp ứng được nhu cầu về nội dung lẫn nghệ thuật, nhiều ca sĩ trình diễn, nhà sản xuất chương trình lại tìm kiếm các ca khúc xưa. Sự bùng nổ của các chương trình boléro hiện nay là một minh chứng.
Không ít ca khúc dòng nhạc này có nội dung liên quan đến lính chế độ Sài Gòn. Vì thế, để được sử dụng, nhà sản xuất và ca sĩ thường sửa những ca từ liên quan đến nội dung này khi gửi văn bản ra Cục Nghệ thuật Biểu diễn xin phép. Tuy nhiên, dù có sửa ca từ thì những người từng sống ở miền Nam trước năm 1975 nghe là nhận ra ngay. Vì vậy, việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho phép phổ biến những ca khúc này đã gây nên phản ứng trong một bộ phận công chúng. Ngày 16-12-2016, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đã gửi văn bản kèm bản nhạc gốc đề nghị Cục Nghệ thuật Biểu diễn xem xét lại nội dung một số ca khúc trong trường hợp trên.
Bên cạnh đó, hiện tượng sửa lời một cách tùy tiện cũng khá phổ biến. Chẳng hạn, bài hát “Con đường xưa em đi” có đoạn “chiến trường anh bước đi” được sửa lại “lối mòn anh bước đi”, “nơi đây phiên gác canh dài” sửa thành “nơi đây thao thức canh dài”; bài “Còn chút gì để nhớ” có đoạn “mai xa lắc trên đồn biên giới” được sửa lại “trên đồi biên giới”; bài “Xuân này con không về”, những ca từ: “bao lứa trai cùng chào Xuân chiến trường, không lẽ riêng mình êm ấm” được sửa thành: “bao lứa trai cùng chào Xuân xứ người” vừa sai ý nghĩa bài hát vừa vi phạm quyền toàn vẹn tác phẩm theo Luật Sở hữu trí tuệ nếu được cấp phép phổ biến.
Ca khúc “Con đường xưa em đi” được trình diễn trong chương trình “Thần tượng boléro 2016” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, phát sóng trên kênh VTV3. (Ảnh do chương trình cung cấp)
Những năm qua, rất nhiều nghệ sĩ ở hải ngoại đã được nhà nước ta cho phép trở về Việt Nam định cư và hoạt động nghệ thuật lâu dài. Gần đây, rất nhiều ca khúc sáng tác ở miền Nam trước năm 1975 có nội dung ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa lành mạnh đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho phép lưu hành để công chúng thưởng thức và để các ca khúc có giá trị nghệ thuật không bị mai một.
Vấn đề ở đây là quản lý như thế nào để tránh trường hợp cho phép phổ biến rồi lại thu hồi như 5 ca khúc trong thông báo vừa qua của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cũng như với các ca khúc rơi vào hoàn cảnh tương tự trước đó như: “Ai biểu anh làm thinh” (Trầm Tử Thiêng), “Tàu đêm năm cũ” (Trúc Phương)…; thậm chí có những ca khúc cho phép rồi rút lại, nay lại cho như: “Chuyến tàu hoàng hôn” (Minh Kỳ), “Ly rượu mừng” (Phạm Đình Chương), “Còn chút gì để nhớ” ( Phạm Duy - thơ: Vũ Hữu Định)…
Xem lại cơ chế xin - cho
Rõ ràng, Cục Nghệ thuật Biểu diễn không đủ sức bao quát khi tiếp nhận hồ sơ xin phép, chịu trách nhiệm thẩm định và cấp phép những ca khúc sáng tác tại miền Nam trước năm 1975. Vì thế, cục này dễ bị người xin phép qua mặt, dẫn đến tình trạng cấp phép rồi rút lại như đã nêu.
Về mặt quản lý nhà nước, cần đơn giản hóa những thủ tục hành chính, loại bỏ triệt để các loại giấy phép con mà những quyết định cho phép phổ biến các sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam hay sáng tác của người Việt Nam sinh sống và định cư ở nước ngoài là một loại giấy phép con cần bỏ. Các điểm đ, khoản 4, điều 24; khoản 2, 3 điều 29 trong Nghị định 79/2012/NĐ-CP “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu” là rào cản không nhỏ về thủ tục hành chính, thực tế không mang lại hiệu quả như đã thấy.
Trong thời kỳ hội nhập, Việt Nam đã tham gia rất nhiều công ước quốc tế. Đơn giản thủ tục hành chính là một trong những điều khoản quan trọng để Việt Nam được bước vào các sân chơi thế giới. Hiện nay, về mặt quản lý, hầu hết các quốc gia đều áp dụng phương thức chọn bỏ chứ không chọn cho. Thay vì cấp giấy phép phổ biến lẻ tẻ cho từng ca khúc, Cục Nghệ thuật Biểu diễn có thể ra một văn bản nêu rõ những ca khúc sáng tác vào những không gian, thời gian cụ thể, có nội dung đề cập những vấn đề nào thì không được phép phổ biến như trong một số văn bản trước đây.
Những ca khúc không nằm trong phạm vi nêu trên thì mặc nhiên được sử dụng mà không cần phải xin phép - tương tự nội dung trong điều 2, Thông báo số 1 hoặc điều 2, Thông báo số 2 ngày 10-8-1991 của Bộ Văn hóa và Thông tin: “Tất cả bài hát từ năm 1954 về trước có nội dung lành mạnh như ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu đôi lứa trong sáng, những kỷ niệm, xúc cảm, ước mơ lành mạnh, những đề tài bình thường về cuộc sống đời thường thì đều được phổ biến và sử dụng” (có thể thay đổi mốc thời gian là năm 1975).
Theo nld.com.vn