Chiều 1/10, nhiều hiện vật quý được phát hiện tại Hoàng Thành Thăng Long đã được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội giới thiệu tới công chúng tại cuộc trưng bày chuyên đề "Những phát hiện mới về khảo cổ học tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ năm 2010 đến nay" và Triển lãm ảnh "Hoàng thành Thăng Long - Một số hoạt động tiêu biểu năm 2010-2014."
Đây là hoạt động chào mừng 60 năm Giải phóng Thủ đô của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội.
Trong số các hiện vật được trưng bày có tượng đầu rồng phun mưa thời Trần mới được phát hiện cuối tháng 9/2014 tại khu C - Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.
Đáng chú ý, tượng đầu rồng khi được phát hiện gần như nguyên vẹn và đây cũng là lần đầu tiên phát hiện được loại di vật quý này.
Hay như ấn Sắc Mệnh Chi Bảo thời Trần được khắc vào năm Nguyên Phong thứ 7 (năm 1257) dưới triều vua Trần Thái Tông đã được triều đình sử dụng trong việc lưu hành các văn bản của Nhà nước và bảo đai "Cẩn tam khí" thời Trần, thế kỷ 13-14.
Sắp tới, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận ba hiện vật quý này là bảo vật Quốc gia.
Ngoài ra, Trung tâm cũng trưng bày các hiện vật quý khác như lan can thành bậc rồng đá thời Lý thế kỷ 11-12, Ván gỗ trang trí 3 ổ rồng thời Trần thế kỷ 13-14, Lá đề gỗ trang trí hình đầu rồng thời Lý thế kỷ 11-12.
Cuộc trưng bày chuyên đề "Những phát hiện mới về khảo cổ học tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ năm 2010 đến nay" giới thiệu đến công chúng rõ hơn về biểu trưng quyền lực của Hoàng gia nói riêng và Đại Việt nói chung qua các triều đại Lý-Trần-Lê sơ-Mạc-Lê Trung Hưng-Nguyễn trong tiến trình lịch sử.
Cùng với hệ thống tài liệu khoa học phụ trợ như pano, hình vẽ, hình ảnh, hệ thống các bài viết, trưng bày chuyên đề mang đến cho công chúng những nhận thức mới về giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản.
Ngoài triển lãm các hiện vật, triển lãm ảnh "Hoàng thành Thăng Long - Một số hoạt động tiêu biểu năm 2010-2014" với khoảng 200 hình ảnh cùng hệ thống tài liệu khoa học phụ trợ như các bài viết, bảng thống kê... được trưng bày góp phần cung cấp cho khách tham quan cái nhìn bao quát về quá trình phát triển cũng như công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội.
Cũng trong chiều 1/10, Hội Mỹ thuật Hà Nội phối hợp với Hiệp hội giao lưu Mỹ thuật quốc tế thành phố Busan – Hàn Quốc tổ chức triển lãm giao lưu mỹ thuật Việt Nam-Hàn Quốc chào mừng 60 năm Giải phóng Thủ đô.
Triển lãm giới thiệu 104 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc; trong đó có 80 tác phẩm của họa sỹ Hàn Quốc. Với phong cách thể hiện phong phú, người xem cảm nhận được tâm hồn, đời sống của nhân dân hai nước với Việt Nam-Hàn Quốc. Đó là hình ảnh con người, đời sống sinh hoạt, phong cảnh tươi đẹp của đất nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Các tác phẩm của họa sỹ Hàn Quốc chủ yếu dùng chất liệu Acrylic, màu nước và sơn dầu. Các tác phẩm của họa sỹ Việt Nam cũng phong phú về chất liệu: Sơn mài, sơn dầu, lụa, Acrylic, tổng hợp… Bằng tác phẩm của mình, họa sỹ hai nước thể hiện tình cảm thân thiết, học hỏi, hiểu biết lẫn nhau về cuộc sống sinh hoạt và sáng tác mỹ thuật.
Triển lãm sẽ kết thúc ngày 7/10.
Nguồn Đinh Thị Thuận - TTXVN/Vietnam+