Đình Võ Liệt nhìn từ xa. Đình cũng đã được xếp hạng “Di tích lịch sử cấp Quốc gia".
Di tích vừa trùng tu đã xuống cấp
Chúng tôi bước vào đình làng như bỏ hoang từ lâu, cỏ dại mọc um tùm, đình trơ trọi, vắng lặng đến lạnh người. Ngay lối vào trước hồ bán nguyệt, mương thoát nước qua đường đã lún, sập 4 - 5 chỗ tạo thành những cái hố lớn, bẫy người và phương tiện. Trên lối vào cổng phụ bên trái di tích, cạnh hồ bán nguyệt, đúng vào nơi đặt ống dẫn nước, đã lún sập gần 4m2. Tam cấp lên xuống hồ bán nguyệt đã lở toác, trơ đá vôi.
Trên cổng đình, các tiểu tiết rơi gãy nham nhở. Hai lối phụ vào đình được chắn bởi 2 chiếc ghế gãy, trông rất phản cảm. Nhà trồng diêm, mái ngói phía sau đã rụng nhiều chỗ...
Bia đá khắc ghi lại lịch sử của Đình Võ Liệt
Gặp bảo vệ Đình Võ Liệt, ông Nguyễn Thế Sửu, buồn rầu cho biết: “Sau khi đi bộ đội về, đã hơn 20 năm tui (tôi) được giao nhiệm vụ trông nom ngôi đình. Đình đã được trùng tu tôn tạo, tuy nhiên hiện tại nhiều hạng mục của đình từ ngoài vào trong đã xuống cấp rõ rệt.
Tui thấy xót xa lắm, tui cũng thường xuyên thu gom rác, thậm chí có rất nhiều bơm kim tiêm vứt bừa bãi trong đình. Nhưng chỉ có mỗi mình tui thì làm không xuể. Không biết cứ tình trạng này, thế hệ trẻ sẽ nghĩ thế nào về một nơi từng một thời nuôi giấu cán bộ cách mạng, lưu giữ văn hóa?”.
Để bảo vệ Đình Võ Liệt trước nguy cơ xuống cấp, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 1940/QĐ.UBND-CN ngày 26/05/2008 về việc: “Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo và xây mới di tích lịch sử văn hóa Đình Võ Liệt, huyện Thanh Chương”.
Thế nhưng, nhiều tỷ đồng của nhà nước bỏ ra để trùng tu, tôn tạo, dù đã bao năm trôi qua, đến nay việc trùng tu, tôn tạo Đình Võ Liệt vẫn chưa thể hoàn thành hết các hạng mục.
Đem thắc mắc này trao đổi với chủ đầu tư dự án là Ban quản lý (BQL) Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An - chúng tôi nhận được câu trả lời lãnh đạo BQL Di tích và Danh thắng tỉnh đã bàn giao và không nhớ rõ vì đã làm cách đây vài năm. Muốn nắm thông tin thì liên hệ với Ban A Công ty CPXD và phục chế công trình văn hóa.
Đừng để di tích thành phế tích
Việc tôn tạo, bảo tồn Di tích lịch sử - văn hóa Đình Võ Liệt, đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 9,5 tỷ đồng. Công trình do BQL Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư. Và công ty CPXD và phục chế công trình văn hóa, đảm nhận nhiệm vụ thi công tiến hành vào năm 2009.
Bia ghi danh cũng không được chăm chút
Toàn bộ công trình được chia thành 3 gói thầu chính: Gói thầu thứ nhất bao gồm: Tu bổ, tôn tạo đình chính, nghi môn, nhà bia, xây mới nhà bia ghi công cao trào Cách mạng 1930-1931, nhà bao che và chống mối mọt cho công trình; gói thầu thứ 2 gồm: Xây mới hồ sen, sân đường nội bộ, bãi đỗ xe, hệ thống cấp điện, nước, PCCC, tường rào; Và gói thầu cuối cùng là cung cấp nội thất cho công trình (đồ tế khí).
Sau khi hoàn thành, dựa trên Quyết định 1017/QĐ.UBND-VX về phân cấp quản lý các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, công trình được bàn giao cho huyện Thanh Chương và xã Võ Liệt quản lý.
Hiện, hai gói thầu đầu tiên, về cơ bản đã hoàn thành, chỉ có một số khu vực sân bãi bên ngoài tường rào còn tập kết đá, do đơn vị thi công chưa xử lý xong. Nguyên nhân khiến cho công trình trùng tu tôn tạo Đình Võ Liệt phải dừng lại, đó chính là do thiếu vốn. Theo thông tin cung cấp, cho đến nay sau một thời gian thi công đã có hơn 8 tỷ đồng được giải ngân, còn hơn 1,1 tỷ đồng chủ đầu tư vẫn còn phải chờ. Điều này đã khiến cho tiến độ thực hiện công trình bị chậm lại (?!)
Giải thích tình trạng xuống cấp Đình Võ Liệt - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Chương, ông Nguyễn Thái An cho biết: “Mái ngói đình bị hư hỏng là do mới đây gió lốc làm tốc mái. Đình như ngôi nhà, nếu thiếu hơi người sẽ hoang vắng. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã tổ chức một số hoạt động Văn hóa, khai bút đầu xuân, kết nạp Đoàn tại nơi đây. Chăm sóc đình, để giữ môi trường sạch sẽ, phòng văn hóa sẽ thường xuyên phối hợp với xã tổ chức các buổi dọn dẹp vệ sinh”.
Đình Võ Liệt nằm bên kia sông Lam, trên cánh đồng Rè, thuộc xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Đình Võ Liệt cách thành phố Vinh 50 km theo hướng Tây Bắc.
Võ Liệt nói riêng và Thanh Chương nói chung là mảnh đất nổi tiếng với truyền thống hiếu học và truyền thống yêu nước. Đây là vùng đất cổ, có nhiều dòng họ, lắm người đỗ đạt cao.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mảnh đất này đã mang nhiều tên gọi khác nhau như Thổ Ngọa (thời Trần), Võ Liệt (thời Lê), Kim Bảng (năm 1945) và sau năm 1945 thì trở lại tên Võ Liệt cho đến ngày nay. Xã Võ Liệt trước đây có 3 làng, mỗi làng đều có một di tích nổi tiếng. Làng Ngũ Phúc có Đình Võ Liệt, làng Chí Linh có Phủ ngoại thờ cha tướng Phan Đà, làng Trường Yên có đền Bạch Mã. Ba làng có chung tên nôm là Võ Liệt.
Đình Võ Liệt không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn là di tích lịch sử cách mạng có vị trí quan trọng trong hệ thống di tích trên mảnh đất Nghệ Tĩnh. Nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931)…
Phát huy truyền thống yêu nước có từ lâu đời, khi phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh nổ ra, nhân dân Thanh Chương đã vùng lên đấu tranh mạnh mẽ. Sáng ngày 1/6/1930, nhân dân đã tay gậy, tay thước tập trung tại đình Võ Liệt, rồi kéo lên huyện đường đưa yêu sách.
Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, tri huyện Phan Thanh Kỷ phải chấp nhận bản yêu sách của quần chúng với lời hứa sẽ đệ trình lên quan trên xem xét, giải quyết.
|
Một hố lớn bị sụt lún trong khuôn viên Đình Võ Liệt
Ghế đá cũng hư hỏng, nhường lại cho cỏ mọc
Lối vào cỏ mọc um tùm
Khuôn viên trồng hoa nhường lại cho cỏ dại mọc
Gạch lát sân đã bị bong tróc
Mái ngói hư hỏng nặng
Theo Phan Quỳnh - Dân trí