Tin văn nghệ
Kịch Một thời để nhớ - Ký ức đẹp về thanh niên xung phong
10:46 | 30/03/2017

Kỷ niệm 41 năm xây dựng và phát triển lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM, trong hai tối 27 và 28-3, sân khấu kịch Trịnh Kim Chi phối hợp với Trung tâm Văn hóa quận 6 tổ chức biểu diễn phục vụ miễn phí vở kịch Một thời để nhớ (tác giả Trang Trần; đạo diễn Hữu Tiến, Trịnh Kim Chi), với sự tham gia diễn xuất của NSƯT Trịnh Kim Chi, NS Mai Mai, Lê Khâm, Ngọc Xuân, Minh Tiến, Uyên Nhi, Phúc Thiện, Trần Thuận, Tuyết Vân, Gia Huy… 

Kịch Một thời để nhớ - Ký ức đẹp về thanh niên xung phong
Cảnh trong vở kịch Một thời để nhớ
Một quá khứ hào hùng
 
Vở kịch Một thời để nhớ được dàn dựng khá công phu, nội dung xoáy vào cuộc sống nhiều khó khăn vất vả của lực lượng TNXP, những thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên TPHCM sẵn sàng đóng góp tuổi thanh xuân vào trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ tham gia công tác khai hoang, xây dựng kinh tế mới, đào kênh, trồng cây, sản xuất tự túc…, mà lực lượng TNXP còn là những chiến sĩ kiên cường, luôn sát cánh với lực lượng vũ trang, kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, kiến thiết và xây dựng đất nước. Đặc biệt, trong những thời khắc lịch sử quan trọng của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lực lượng TNXP đều có mặt ở những nơi gian nan cực khổ, nơi máu xương có thể đổ… 
 
Một thời để nhớ đã đưa khán giả về những năm đầu thành lập lực lượng TNXP. Những con người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và nồng nàn tình yêu quê hương đất nước ấy đã được tôi luyện để trưởng thành. Vượt qua những gian khó, mất mát, tình đồng đội, đồng chí càng thêm khắng khít, họ đã luôn dành cho nhau những tình cảm ấm áp, chân thành. Rất nhiều người đã luôn ở tâm thế sẵn sàng ra tuyến đầu, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. 
 
Nhân vật những thanh niên Ngân Khánh, Ngọc, Tuấn, Huy là những điểm hình sống động của TNXP thời kỳ ấy. Vở kịch với cái kết là sự ra đi anh dũng, kiên cường của đại đội trưởng Huy nơi chiến trường xa xôi, thông tin đem về Liên đội 13 chỉ có duy nhất một cây lược mà Huy tự tay làm để tặng cho Ngân Khánh, đã khiến người xem lặng đi, những cảm xúc chạm vào trái tim khán giả.
 
Dấu son đáng ghi nhận
 
Một thời để nhớ được đầu tư dàn dựng riêng dành cho lực lượng TNXP, tuy vẫn còn một vài khiếm khuyết về kỹ thuật âm thanh, một vài tình tiết chưa thật sự hợp lý, nhưng rất cần ghi nhận, đây là một tác phẩm kịch nói nhẹ nhàng, ý nghĩa, dễ xem, dễ cảm. Hơn thế nữa, giữa thời điểm hoạt động văn hóa nghệ thuật gặp quá nhiều khó khăn, Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi vẫn nỗ lực duy trì thường xuyên, tạo nguồn kinh phí đầu tư xây dựng những vở kịch mang tính tuyên truyền chính trị, tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử, phục vụ khán giả miễn phí…, đã thể hiện tinh thần năng động, lòng đam mê nghệ thuật và tình yêu nghề nồng nhiệt của các nghệ sĩ.
 
Cô Lê Thị Mai, cựu TNXP chia sẻ: “Tôi đi TNXP năm 1976, lúc mới 21 tuổi, đóng tại huyện Củ Chi, Bình Chánh, đến Xuyên Mộc, Kiên Giang, Cà Mau… Thời tuổi trẻ phải vượt qua rất nhiều gian nan vất vả, thế nên khi xem kịch, bao cảm xúc cứ ùa về trong tôi như những thước phim quay chậm, khơi gợi quá nhiều kỷ niệm không thể nào quên”. Cựu TNXP Dương Thị Mộng Sương cũng bộc bạch: “Thời tuổi trẻ, tôi từng làm việc ở Tổng đội 3, biên giới Tây Nam, theo đoàn công binh làm đường cho xe tăng và bộ đội... Cảnh chia tay giữa những đồng đội TNXP, người ở lại, người được chọn ra biên giới trong Một thời để nhớ đã khiến tôi vô cùng xúc động…”
 
Theo Thúy Bình - SGGP Online
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng