Với NTK Xuân Thu, “Son” đánh dấu mốc lịch sử với nghề thiết kế thời trang của chị. Son là màu đỏ, màu của nghệ thuật vẽ tranh sơn mài trong Bộ sưu tập áo dài “Lửa”. Son là sự tương tác với những người bạn cùng yêu văn hoá Việt và là chương trình thời trang được NTK Xuân Thu xây dựng nhằm gửi thông điệp đến công chúng về con đường đi tìm nét đẹp trong kho tàng văn hoá Việt Nam.
Thông qua thời trang đương đại NTK đã kết nối yếu tố nghệ thuật giữa xưa và nay nhờ chất liệu mầu sắc và kỹ thuật thể hiện.
Sử dụng chất liệu gấm, lụa, the, đũi, NTK đã khai thác màu nâu non, nâu đỏ, màu của đồng lúa nương dâu, màu của phù sa đồng bằng Bắc Bộ trên chiếc áo mớ ba mớ bẩy của phụ nữ hát quan họ. Hoạ tiết được nhắc lại nhiều lần trong BST là hoạ tiết Hoa sen trong dòng Gốm hoa nâu thế kỷ 11-15. Đặc biệt là những chi tiết gắn nổi trên bộ áo dài “Lửa” được thể hiện theo lối vẽ tranh sơn mài xưa.
Trên tà áo dài ấy, những câu chuyện về nghệ thuật dân gian xưa, những nét đẹp qua từng đường chỉ từng mũi thêu của nghệ nhân thêu Thường Tín, sự cách điệu hoá cánh hoa sen, hoa cúc dây, gốm Lý Trần nhờ màu sắc có tính nghệ thuật mang yếu tố đương đại… được thể hiện sống động. Đó là lời nhắn nhủ tâm huyết của NTK rằng nghệ thuật xưa khẳng định giá trị vững bền trong mọi thời đại, gìn giữ và phát huy nét đẹp ấy trở thành niềm tự hào, đó là cái tôi, bản sắc rất riêng không bị trộn lẫn.
Bên cạnh áo dài “Góc xưa” là BST áo bông. Những chiếc áo bông của nhà văn Thạch Lam như được hiện hữu bởi các chi tiết khâu tay hoàn toàn bằng thủ công, trên chất liệu nhung the, chất liệu được các NTK trên thế giới đưa vào BST Thu Đông 2017 của họ. BST áo bông lần này được Xuân Thu chần rất đặc biệt những đường chần áo chấn thủ của người lính cụ Hồ. Áo bông được kết hợp với áo dài cách tân váy đụp đã đẩy tính nghệ thuật lên cao, chiếc áo bông đã không còn nhàm chán mà rất thời thượng.
“Xuân thì” là BST chỉ nghe tên thôi đã thấy mùa xuân. Màu sắc tươi sáng, những gam màu trẻ trung xu hướng. Chất liệu lụa bay bổng. Sự kết hợp chất liệu với lớp lang nhiều màu đã cho một cảm nhận mùa xuân về gõ cửa mang theo tuổi trẻ, sức mạnh…
Không thể không nhắc đến những yếu tố một sự đồng điệu hài hoà của nghệ thuật thời trang cao cấp là phụ kiện đi kèm. Việc tìm tòi đến các làng nghề để hoàn thiện BST cũng ngốn khá nhiều thời gian của NTK. Đôi khi còn phải vứt bỏ vì chưa đúng tinh thần.
“Son” là kết quả của một sự làm việc nghiêm túc trong một thời gian không ngắn của nhà thiết kế. “Son” sẽ ra mắt trong sự đón chờ của giới yêu thời trang mang tính nghệ thuật và chứa đụng văn hoa dân gian. Sự kết hợp thêm về âm nhạc là một nghệ sĩ tên tuổi Phó An My đệm đàn theo bước chân người mẫu.
Son được thể hiện trong không gian Bảo tàng lịch sử nơi mà NTK Xuân Thu đã dành thời gian nghiên cứu những nét đẹp văn hoá xưa. Việc kết nối giữa xưa và nay đã thành hiện thực dưới dàn ánh sáng của đạo diễn Đặng Xuân Trường, người có giải thưởng làm phim tại Berlin.
Hội tụ rất nhiều yếu tố để “Son” ra đời là mong muốn của NTK với mọi người về cái đẹp - vẻ đẹp truyền thống trong thời hội nhập. “Son” kết nối thời trang với các làng nghề truyền thống đang dần bị quên lãng như: Sơn mài, làng nón làng thêu… Không cầu lợi cá nhân, không xin tài trợ, NTK Xuân Thu vẫn có “Son” mang tầm cỡ và chuyên nghiệp. NTK mong muốn một cái nhìn về nét đẹp truyền thống và các NTK trẻ hãy yêu văn hoá Việt như chị.
Theo T. Hằng - Dân trí