Tin văn nghệ
Biennale mỹ thuật trẻ lần 4 năm 2017: Trẻ, sáng tạo và hội nhập
09:11 | 21/04/2017

Ngày 20-4 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, số 97A Phó Đức Chính quận 1, Biennale mỹ thuật trẻ TPHCM lần 4 năm 2017 đã khai mạc với sự tham gia của hàng trăm văn nghệ sĩ và đông đảo các bạn trẻ yêu thích mỹ thuật TP. Biennale (sự kiện được tổ chức định kỳ hai năm/lần) do Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, Hội Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM phối hợp cùng Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Biennale mỹ thuật trẻ lần 4 năm 2017: Trẻ, sáng tạo và hội nhập
Những đôi mắt phù sa - tác phẩm đoạt giải nhất Biennale mỹ thuật trẻ TPHCM năm 2017

Triển lãm với mục đích tập hợp các lực lượng trẻ tài năng, khát vọng đến với mỹ thuật, đồng thời xây dựng một không gian nghệ thuật trẻ, góp phần vào sự phát triển chung của mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Nhiều sáng tạo mới

Với chủ đề Trẻ, sáng tạo và hội nhập, có thể thấy, các tác phẩm tại triển lãm đã theo đúng tiêu chí mà ban tổ chức mong muốn, đó là sự trẻ trung trong độ tuổi, tài năng nghệ thuật và sự phát triển cùng nghệ thuật trong khu vực và xa hơn là trên thế giới. Hội đồng nghệ thuật của triển lãm gồm 11 thành viên đã làm việc nghiêm túc, chọn ra những tác phẩm có chất lượng cao nhất để trao giải thưởng tại sự kiện.
 
Đánh giá về Biennale 2017, họa sĩ - NGND Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM nhìn nhận, triển lãm lần này có nhiều nét mới. Thứ nhất, phạm vi đã mở rộng toàn quốc chứ không chỉ gói gọn tại TPHCM. Trong 154 tác phẩm của 107 tác giả - nhóm tác giả được chọn triển lãm lần này, có 20 tác giả đến từ các tỉnh thành bạn, điều đó cho thấy sức hút của mỹ thuật trẻ. Một điều thú vị nữa, đây cũng là lần đầu tiên trong số tác giả đoạt giải có người ở Kiên Giang, có người ở tận Thanh Hóa. Ông Huỳnh Văn Mười nói thêm, cuối tháng 2 vừa rồi là cuộc thi Vietart today đã tạo sự hứng khởi mạnh mẽ, tiếp thêm khí thế sáng tạo cho các họa sĩ. Tháng 4, cùng với dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là triển lãm mỹ thuật trẻ. Vào cuối năm nay, Bộ VH-TT-DL sẽ tổ chức Festival mỹ thuật trẻ toàn quốc tại Hà Nội. Nhiều sự kiện mỹ thuật quan trọng, quy mô lớn mang tầm quốc gia và quốc tế đã cho thấy mục tiêu là tạo điều kiện và hướng đến đội ngũ sáng tác trẻ, thông qua đó chuyển tải mạnh mẽ thông điệp “trẻ, sáng tạo và hội nhập”.
 
Họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của triển lãm nhìn nhận, triển lãm năm nay thực sự mang luồng gió mát bởi sự trẻ trung (tuổi đời các tác giả trẻ hơn những lần trước, không quá 42 tuổi) và sự đa dạng về hình thức, phong cách. Trong khi ngành đồ họa có kỹ thuật tốt nhưng chưa tạo dấu ấn mạnh mẽ, điêu khắc chưa hấp dẫn về hình thức quy mô tác phẩm thì các tác phẩm sơn mài và sơn dầu có phần nổi bật. Nhìn chung, các tác phẩm có chất lượng cao, đồng đều và mặt bằng chung khá tốt, rất cần sự đánh giá đúng về nghệ thuật trẻ để tiếp tục phát huy trong những năm tới.
 
Người trẻ không xa rời cuộc sống
 
Biennale mỹ thuật trẻ TPHCM được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009. Năm 2015, triển lãm bị gián đoạn do Trường Đại học Mỹ thuật đang  xây dựng, cải tạo nên không có không gian trưng bày. Sau 4 năm, Biennale mỹ thuật trẻ năm 2017 đã chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của lực lượng sáng tác trẻ. Ngoài ra, qua 3 lần tổ chức trong không gian khá hạn hẹp tại Đại học Mỹ thuật TPHCM, lần này, hàng trăm tác phẩm đã được trưng bày trong một không gian thoáng đãng hơn, mang tính chuyên nghiệp và đậm chất nghệ thuật hơn. Đó chính là cơ hội tốt để giới mỹ thuật cùng đông đảo công chúng yêu nghệ thuật dễ dàng tiếp cận, thưởng lãm các tác phẩm. “Đây là sự kiện mỹ thuật cởi mở, tạo cơ hội để các nghệ sĩ thể hiện quan điểm cá nhân về cuộc sống. Chúng tôi đã tìm thấy nhiều tác phẩm tốt và chững chạc về nghề của các tác giả trẻ”, ông Nguyễn Trung Tín nói. 
 
“Có thể nói, thông qua các tác phẩm tại triển lãm, các nghệ sĩ, những người trẻ hôm nay luôn bám sát thực tiễn xã hội, nhận thức được mong muốn, khát khao của người dân chứ không xa rời cuộc sống”, họa sĩ - NGND Huỳnh Văn Mười nhìn nhận. Ông Huỳnh Văn Mười dẫn chứng, các bạn có thể thấy điều này khi thưởng lãm tác phẩm Những đôi mắt phù sa đoạt giải cao nhất của triển lãm. Những đôi mắt trên dòng Mê Kông khát khao tìm về với cuộc sống theo lẽ tự nhiên, không phải va chạm với những đập nước chặn dòng, những hồ dự trữ tù túng, những biến đổi địa chất, khí hậu và các tác nhân kinh tế. Biểu đạt đôi mắt là những cái rế kết hợp với lục bình, là những chất liệu gợi nhớ đến văn hóa dân gian của xứ phù sa miền Tây Nam bộ. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 1-5.
 
Qua 6 vòng chấm thi và tuyển chọn, hội đồng nghệ thuật đã trao 11 giải thưởng, gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích. Tổng giá trị các giải thưởng là 120 triệu đồng, được đóng góp từ nguồn xã hội hóa.
 
Nhóm tác giả Nguyễn Phương Quyên, Trần Thị Sương và Nguyễn Ngọc Giang Thanh đã xuất sắc giành giải nhất với tác phẩm sắp đặt Những đôi mắt phù sa. Hai giải nhì thuộc về tác giả Hồ Thị Ngọc Anh tác phẩm Nhà thờ (sơn mài) và Nguyễn Hoài Huyền Vũ với tác phẩm sắp đặt Phố. Ba tác giả Lê Xuân Cang (tác phẩm Khóa II, chất liệu tổng hợp), Lê Đình Chinh (tác phẩm Buổi sáng, chất liệu sơn mài) và Lê Quốc Hoàn (Câu chuyện đàn bà I, thể loại video art) cùng đoạt giải ba.

 

 

Theo Minh An - SGGP Online

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng