Văn học
Sawara sông nói cuộc vô thường
15:27 | 10/02/2020

PHẠM NGUYÊN TƯỜNG

Sawara sông nói cuộc vô thường
Nhà thơ Phạm Nguyên Tường

Tôi lên tàu từ Narita về Sawara vào một buổi sáng xuân muộn khi hoa anh đào trên khắp Nhật Bản đang lui về tàn phai trong tiết ngày se rụng. Bước ra khỏi nhà ga, một Sawara tĩnh lặng bao trùm.Sawara là một thị trấn nhỏ thuộc thành phố Katori của tỉnh Chiba. Trong thời kỳMạc phủ Tokugawa đóng dinh ở Edo và cai trị Nhật Bản (1603- 1868), Sawara là một thương cảng sầm uất thịnh vượng với con sông Ono (Onogawa) là tuyến đường thủy huyết mạch vận chuyển những sản vật phong phú từ vùng nông thôn lên dinh trấn Edo. Người lái thuyền trên sông Ono nói về lịch sử Sawara đầy tự hào: “Ngày xưa Sawara giàu hơn cả Edo…” Tôi nhìn ra trời nước hoang liêu, lòng bâng khuâng, 400 năm nước chảy dưới chân cầu, Edo chính là Tokyo ngày nay… Mà Tokyo thì… thịnh vượng thôi rồi!

Hôm qua tôi đã lang thang đẫy một ngày trên Tokyo. Và nói đến sự giàu có của thủ đô rộng lớn của xứ Phù Tang thì không thể không nhắc đến một giao lộ “thần thánh”, thuộc quận giàu có cùng tên: Shibuya. Điểm đặc biệt của giao lộ này là khi đèn đỏ bật lên ở tất cả các góc đường, các phương tiện giao thông dừng lại nhường đường cho dòng người đi bộ đông đúc có khi đến gần ba ngàn người đồng loạt ồ ạt băng qua từ mọi hướng. Đến khi đèn xanh bật lên cho các phương tiện giao thông, dòng người lại tụ về các góc phố chờ đợi một cuộc băng đường mới. Cảnh tượng kỳ thú lặp đi lặp lại mỗi ngày của giao lộ Shibuya không chỉ đi vào hàng triệu triệu video clip của du khách mà còn có mặt trong các bộ phim nổi tiếng “Quá nhanhquá nguy hiểm” (Fast and Furious) hay “Lạc lối ở Tokyo” (Lost in Translation)… như  một biểu tượng văn hóa của đất nước Nhật Bản. Tôi đến Shibuya đúng vào giờ tan tầm, ghé quán cà phê L’Occitane ngồi ngắm những dòng người sôi động băng qua giao lộ “thần thánh”, khắp không gian của những ánh đèn neon, những biển quảng cáo sáng rực vào đêm mà nghe đâu chi phí đặt một tấm bảng quảng cáo ngoài trời như thế là hơn 4 tỷ đồng tiền Việt chỉ trong 2 tuần!

Tôi đi dọc bờ sông Ono nhỏ hẹp giờ đây như một con kênh uốn lượn với những cây cầu gỗ bắc ngang, bờ kè đá rêu sờn và những cây liễu phủ bóng xanh rờn trong nắng nhẹ. Chín giờ sáng mà Sawara vẫn vô cùng tĩnh lặng. Lâu lắm mới có một bóng người.Một anh thợ điện đi kiểm tra đường dây.Một em học sinh với cái cặp nặng trĩu trên lưng đi xuống từ ngôi nhà trong dốc hẻm.Một chiếc thuyền nhỏ đưa vài ba du khách đi dọc sông. Những ngôi nhà gỗ thấp đặc trưng kiểu Nhật, những cửa hiệu, quán ăn… cửa đóng then cài. Nghe nói nơi đây có ngôi nhà cổ rất đặc trưng về kiến trúc Nhật Bản của Ino Tadataka, người đầu tiên lập bản đồ hoàn chỉnh và chính xác về quần đảo Nhật Bản vào đầu thế kỷ 19. Muốn tìm đến mà không có ai để hỏi thăm trong khi “Sawara Visitor’s Center” (trung tâm du khách) thì chưa mở cửa. Ngồi trên băng ghế gỗ bên bờ sông Ono, tôi thoáng nhớ về Huế, về phố cổ Bao Vinh, Thanh Hà, Gia Hội… những thương cảng, phố thị sấm uất khi xưa…, có khác gì Sawara, giờ đây cũng phủ bóng u hoài. Nhưng Thanh Hà, Bao Vinh, Gia Hội của tôi đang dần mất sạch những ngôi nhà cổ. Huế của tôi với những con sông rộng rãi Đông Ba, Lợi Nông hay dòng Hương “kim cổ hứa đa sầu”… mà không có lấy một tour đi đò kể những trăm năm thăng trầm bên phố, bên người, những tour sông nói chuyện vô thường, như  Phan Bội Châu, “Hương ơi, e phải mày không. Sông ấy hóa ra mình có”…

Chu Dịch của Sào Nam Phan Bội Châu là tác phẩm biên khảo để đời.Hãy nghe cụ Phan bàn về hào thượng quẻ Tỉnh: “Nước đã lên miệng giếng rồi, thời nên để cho tất thảy người dùng, chớ nên che trùm lại. Hễ ai muốn múc thì tùy ý múc.Quân tử đem tài đức ra gánh vác việc đời.Hễ lợi ích cho thiên hạ thì cứ làm, mà chẳng bao giờ tiếc công”.Đó chính là “đạo của giếng” trong lời dạy của người xưa để làm “phụ mẫu chi dân”. Có lần, lần đầu tiên, tôi đi đò dọc sông An Cựu với thầy tôi, giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, để tìm về Bến Ngự. Đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về danh xưng “Bến Ngự”. Đó có phải là chỗ thuyền vua ghé vào trên đường đi tế trời đất ở đàn Nam Giao? Hay đó là bến sông nơi chiếc đò của Ông già Bến Ngự cập bờ đón khách xa về thăm? Chưa hề có một tour đi đò trên sôngkể những trăm năm thăng trầm bên phố, bên người. Bến Ngự vẫn còn đó, dưới bóng sung trăm tuổi, bên tả ngạn sông An Cựu. Bao nhiêu là nắng đục mưa trong trên dòng sông này, vẫn phảng phất hình bóng một ông già có “gương mặt nghiêm trang mà thư thái”, dáng người thẳng, áo dài mũ dạ… “Bùa tay ôm chặt bồ kinh tế/ Mở miệng cười tan cuộc oán thù”.  Ông già Bến Ngự có phải là con chim hồng trong quẻ Tiệm: “Tượng như con chim hồng bay tới tuột đường mây mà không chốn đậu; …, chính là một hạng người siêu nhiên xuất thế…, có khí tiết thanh cao, nêu cái gương cao thượng cho người đời”. Tôi buột miệng, thầy ơi, giếng cạn rồi giếng đầy… là lẽ vô thường? Những mộng kinh bang tế thế…, những cuộc oán thù…là lẽ vô thường? Cánh hồng bay bổng đường mây tuyệt vời… cũng là lẽ vô thường?

Không hiểu sao, ngồi trong quán cà phêL’Occitane ngắm những dòng người không ngừng tụ rồi tan, hỗn độn mà vô cùng trật tự ở giao lộ Shibuya, tôi nghĩ tới lẽ vô thường. Và, dòng sông Ono một thuở trên bến dưới thuyền của thị trấn Sawara buổi sáng không một bóng người cũng làm tôi không thôi nghĩ tới lẽ đời vô thường. “Hương ơi, e phải mày không. Sông ấy hóa ra mình có”…

Nhờ sông nói cuộc vô thường.

02.2019

P.N.T

 

 

 

 

 

Các bài mới
Nợ đời (17/07/2023)
Mùa em (14/07/2023)
Các bài đã đăng