Văn học
Khoảng trời đã tan mây
15:19 | 26/02/2020

NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH

Truyện ngắn

Khoảng trời đã tan mây
Ảnh minh họa (Internet)

Chợ đang đông. Tầm này bạn hàng gánh cá từ bãi vào cân cho các sạp làm huyên náo một góc chợ. Những con cá lấp lánh vảy màu tươi xanh tràn qua rổ mẹt, rơi vãi trên đất. Người mua chen tới trong khi người bán đẩy ra: “Đợi chút! Đợi chút bà con ơi!”...Những vành nón cũ bám đầy cát ẩm. Nhữnglưng áo ướt đầm loang lổ nhiều vệt muối khô bạc phếch. Mùi mồ hôi quyện mùi biển mặn tanh nồng phả lên những tiếng chào mời mặc cả.Chị Miên đang trút mớ cá nục tươi xanh vào giỏ một bà khách bỗng nghe tiếng gọi giật bên tai:

- Mẹ! Ba về! Ba về rồi!

Thằng Trung đã vẹt đám khách hàng ra, đứng trước mặt chị cười toe toét. Nụ cười bay sang đậu trên khuôn mặt tròn rằm tươi tắn. Chị chọn nhanh mớ cá, đội nón đứng dậy nói vội vài tiếng gửi gắm bà hàng bên cạnh, dắt thằng con ghé mua thêm vài món ngon rồi cả hai tung tẩy bước nhanh ra khỏi chợ...

Năm thằng Trung lên ba, anh Miên bỏ việc nhà nước vì lương thấp, theo việc lái xe cho một công ty vận tảitư nhân, vào Nam ra Bắc quanh năm suốt tháng, mươi ngày ghé về một bận chừng vài ba hôm, rồi mỗi tháng một lần. Từ dạo chị sinh con bé Chuyên đến nay đã ba năm, anh thưa về hơn, lần nào cũng vội và nhạt. Công việc không thuận lợi, anh bảo thế. Tiền anh đưa về cũng không thường. Gần đây chị phải gửi con bénguyên buổi sáng vào lớp mẫu giáo trong xóm, theo cô em họ xa bên chồng tập tành buôn bán.Tất bật, ồn ào, gào to nói lớn xem ra quá khó khăn, nhưng cũng phải cố. Chị thương chồng vất vả chạy xe đường dài, ăn bụi ngủ bờ thất thường nên mỗi dịp anh về, lạichăm chút bếp núc cho anh được món ngon...

 Sau bữa cơm trưa, chị dọn đẹp mâm bát rồi tắm rửa cho hai đứa xong cũng đã gần hai giờ chiều. Anh Miên sang nhà hàng xóm vẫn chưa về. Không nghỉ trưa, chị mở tủ lấy bộ áo lụa hoa mịn màng và chai sữa tắm hàng ngoại đi xuống nhà dưới. Liên, đứa bạn thân từ hồi trung họcđã sang định cư nước ngoài, lần về thăm quê mới đâyvà gặp nhau dịp họp lớp đã tặng chị món quà này, cười bảo: “Cho mày đẹp và thơm mỗi lúc chàng về nhé!”...

Căn nhà yên vắng vì hai đứa trẻ đã ra chơi đầu ngõ. Chị soi gương, chải lại mái tóc dài đã hong khô. Vẫn còn tươi nét duyên của những ngày thiếu nữ. Chị giữ nguyên nụ cười ngồi ở bậc thềm đợi anh. Và anh cũng đã về, lúc trời sẫm tối. Mâm cơm chiều có gì khang khác khi anh cố lảng tránh ánh mắt chị. Linh cảm không tốt, nhưng vốn xởi lởi hồn nhiên nên chị không hỏi gì. Cho đến khi các con đã ngủ say, thấy anh còn ngồi uống trà, chị giục:

- Mai anh đi sớm, vào nghỉ thôi!

Anh đẩy tách trà về phía chị, cười:

- Mẹ thằng Trung lo cho anh quá nhỉ!

- Lại còn nói!- Chị lườm anh thật dài- Chồng mình thì mình lo chứ!

Anh cười, vẫn vui vẻ không đổi giọng:

- Lo cho anh không điều kiện nhỉ?

- Dĩ nhiên rồi!

- Vậy giờ nếu anh muốn mình ly dị, em chịu không?

  Chị vênh mặt lên, cười:

- Ly thì ly!

- Nói vậy chứ mà anh viết đơn thì em có ký không?

Chị cười ngặt nghẽo:

- Ký thì ký! Cái anh này đùa dai thế!

Nhưng anh không đùa. Anh quay sang mở túi xách và tờ đơn nhanh chóng xuất hiện trên bàn, ngay ngắn trước mặt chị.

 Nụ cười rớt xuống vỡ vụn trên từng câu chữ. Những dòng chữ viết tay bằng mực xanh ngắn gọn bỗng vươn dài như dòng lũ xô đẩy chị chông chênh chao đảo. Cái gì vậy? Những uất nghẹn trào lên cùng với những xâu chuỗi liên tưởng thoáng qua nhanh. Hèn gì...Hèn gì...Chị ngước lên nhìn anh, mím môi. Lại cười, có lẽ đó lànụ cười xấu nhất trần đời:

- Làm ơn cho mượn cây bút!...

Anh xách túi bước ra, tiếng chó sủa vang trong ngõ xóm một lúc rồi dứt hẳn. Chị ngồi như chết dính trên ghế giữa gian nhà bỗng chốc trở nên rộng mênh mông về mọi phía. Cánh cửa vẫn mở toang trông ra khoảng sân tối đen. Trong khuya khoắt và thảng thốt, những bóng hình xanh xưa ngỡ đã bụi mờ bỗng trở về rõ nét...

 Năm chị chuẩn bị thi vào Đại học thì cuộc sống yên lành của gia đình bị xáo trộn khi phát hiện đứa em trai sa vào nghiện ngập. Cú sốc lớn khiến cả nhà suy sụp. Chị buộc phải tránh mặt Lâmmà không nói lời chia tay. “Nhà mình không xứng được với họ, người ta khinh thì khổ... Con thôi đi, sau này sâu đậm rồi khó mà dứt được!”...Chị nghe lời mẹ, bỏ lại sau lưng giấc mơ đến giảng đường và thời thiếu nữ mới qua nửa vời.Gặp Miên, một chàng trai hiền lành, có công việc hưởng lương tháng, chị lấy chồng, sinh con và khi bà nội thằng Trung mất, anh bỏ việc theo nghề lái xe thìchị ra quê chồng sống lam lũ như bao người ở ngôi làng biển này. Xóm giềng ai cũng mến chị vì tính xởi lởi vô tư, chưa thấy mặt đã nghe tiếng cười...Chị chợt nghe tiếng cười mình rớt xuống cùng nước mắt giữa đêm khuya đang bời bời gió biển. Bao lâu rồi chị mới được khóc? Mà khóc vì cái gì, chị không lý giải được. Mụ mẫm, mệt mỏi, chị lần vào giường ôm hai đứa con. Nước mắt lại ứa ra. Chị khóc vùi rồi thì nín lặng, nằm chờ sáng...

 Vẫn không có gì thay đổi trong cuộc sống của ba mẹ con. Cả khi xóm làng chộn rộnvì toà án chính thức giải quyết mọi việc và chị cầm tờ quyết định thuận tình ly hôn dắt hai anh em thằng Trung bước về nhà qua con truông ngập gió.

 - Sao mà dễ bỏ nhau thế?

Vẫn là nụ cười quen thuộc:

- Có gì đâu! Không ở thì đi thôi mà!

Chị vẫn đi về trong ngôi nhà hương hoả của ông bà nội thằng Trung. Anh Miên vẫn tháng tháng gửi chút tiền về cho hai con chung. Cho đến một hôm, chị vừa tan buổi chợ dắt con bé Chuyên về thì gặp anh đã chuẩn bị túi xách quần áo và sách vở của thằng Trung:

 - Anh thấy con sắp vào Trung học, ra Thị trấn cũng vất vả. Anh sẽ đem nó theo vào trong đó cho con có điều kiện học tập hơn. Tụi anh sẽ chăm sóc nó tốt...

 Chị nhìn ra khoảng trời chói nắng một lúc lâu. Những đốm đen cứ nhảy múa trước quầng mắt khiến chị không phải nhìn thấy những nét biểu cảm trên mặt anh. Vậy cũng hay.

 Nhưng thằng Trung lại mếu máo:

- Mẹ, mẹ giữ con lại đi mẹ ơi!

Chị nuốt cục nghẹn đang dâng tận cổ họng:

- Con đi rồi ít nữa về với mẹ thôi mà! Con trai thì không được khóc nhè!

Chị ôm chặtthằng con trai từ hôm nay sẽ rời xa chị. Và chị biết, cũng từ nay anh sẽ không còn mối ràng buộc gì với một nửa còn lại của cái gia đình đã tan vỡ.

Còn hai mẹ con, chị không phải ra chợ nữa. Một cái chõng tre dọn ra trước mái hiên với nồi cháo bán từ buổi sớm. Là món cháo bột quen ở quê chị, nhưng xem ra lạ miệng và níu được khách ăn ngoài này. Lúc đầu là cho trẻ con và người lao động ăn để đi học, đi làm. Sau rồi đông hơn, có người ở những xóm xa hơn cũng đạp xe đến. Vất vả từ rạng đông đến nửa buổi sáng, còn lại buổi chiều chị chăm sóc mảnh vườn nhỏ, đám gà lợn và chuẩn bị cho nồi cháo hôm sau.

 Vài người trong xóm tỏ vẻ ái ngại rằng sao chị để cả chồng lẫn con cho người ta dễ dàng và nhanh chóng vậy. Chị vẫn cười như hồi nào đến đây: “Có gì đâu! Đi đâu thì cũng là chồng con của mình mà!”...Rồi công việc cứ đẩy chị đi, trôi đi, ngày tàn đêm lụi... Như một thời gian biểu đã sẵn, như một cái máy, chị không kịp nhìn lại những tàn phai đến sớm.Nếu không có một buổi trưa, khi vừa đặt gánh rong xuống hiên nhà thì có tiếng gọi giật phía sau:

 - Chị Ngọc!

Chị nghe giọng nói không quen, cả cái tên đã bỏ quên của thời con gái cũng đã xa xôi với chính mình.

Người lạ đã vào đến hiên, dắt theo con bé chừng bốn tuổi mũm mĩm. Cô ta trẻ và non tươi, môi son cùng với màu sơn móng tay móng chân đỏ chót. Khó đoán được tuổi nhưng chắc chắn là người của một đời sống khác, không như chị. Chị nhìn xuống hai chân trần của mình đang lấm bùn, ống quần xắn lên nhăn nhúm đang xộc xệch lưng nửa bắp chân.

 Khách nhìn theo ánh mắt chị, cười:

- Em là vợ anh Miên.

Giọng nói thấp xuống, và nụ cười nhạt đi rất nhanh:

- Em đưa thằng Trung về cho chị...Chuyện không may là xe anh Miên gây tai nạn, em cũng lo cho anh đến lúc kêu án xong. Nhà cửa hết rồi, giờ anh thì ở yên trong tù, nhưng em thì phải lo làm ăn...

 Thằng Trung cầm tay bé Chuyên đi vào. Nó đã vội đến trường đón em gái trước khi về nhà. Cả hai chạy đến xoắn xuýt bên mẹ. Chị vẫn chưa biết nói gì từ nãy giờ, chỉ nhìn cho rõ mặt người vợ của chồng mình.

Người vợ ấy nói nhanh, suôn sẻ như đã thuộc lòng:

- Chị cho em gửi lại con bé Bo, nó ở đây cho có anh có chị, sau này anh Miên về không phải đi tìm...

Cô đẩy con bé về phía chị. Đôi mắt nó giống bé Chuyên, ngơ ngác nhìn ba mẹ con chị, mếu máo cầm tay thằng Trung, chí ít cũng là người thân của nó lâu nay...

Để ba đứa trẻ chơi ngoài vườn, chị vào nhà nằm vật xuống giường, mắt nhìn lên rối bời, tê tái. Khoảng mái nhà cũ kỹ tối tăm như thấp xuống, đè xuống, nặng nề và ngột ngạt.

Sáng hôm sau, chị dậy sớm hơn và gian bếp vẫn đó lửa. Thêm một nồi cháo và một rổ bánh. Mặt đỏ bừng nhễ nhại mồ hôi nhưng vẫn tươi cười như mọi ngày, như không hề có đêm qua thức trắng chan hoà cùng nước mắt. Ơn trời quán luôn đông khách, lũ trẻ cũng khoẻ mạnh không phải lo nhiều. Trung đã biết sắp xếp thời gian ngoài giờ học, chăm hai đứa em gái để mẹ dốc sức vào quán hàng, là sự sống của cả nhà. Chị cũng đã bằng lòng, hay ít ra là cố mà bằng lòng, với những ngày tháng lao đao này. Nhưng có người không đành chấp nhận. Liên, sau nhiều năm bặt tin, đã lặn lội ra đây tìm bạn nhân đợt về thăm nhà dài ngày. Chị không khóc nhưng cô bạn thân thì nước mắt lăn dài:

 - Đến nước này mà mày còn trơ ra như vậy sao? Ngọc ơi là Ngọc! Tao mong đó sẽ chỉ là ác mộng thôi!...

Sau một đêm cùng kể lể cùng khóc cười, Liên đã đưa ra một quyết định gây sốc dữ dội cho bạn mình:

- Mày phải đi học!

 Chờ cho Ngọc bớt choáng váng, Liên cười nói nhỏ vào tai bạn:

- Mày vẫn nhớ anh Lâm chứ? Tao mới gặp hôm kia. Biết là tập đoàn của anh đangcó dự án mở rộng chuỗi trường Quốc tế ngoài này. Anh không hề biết tình cảnh bi đát của mày, nhắc đến mày chỉ là vì nhớ thôi!

 - Thì sao?

 - Ngốc quá! Mày phải học và lấy bằng được các chứng chỉ giao tiếp ngoại ngữ. Vài ba ngoại ngữ, mà phải giỏi thật để làm việc đấy nhé!

Liên xé tờ lịch trên tường, mở ví lấy bút ra:

 - Mày ghi địa chỉ rõ ràng vào đây. Tao về bên ấy rồi sẽ gửi về ngay, đủ chi phí cho các khoá học. Mày phải xong trong thời gian ngắn nhất có thể. Tao sẽ gọi cho Lâm.

 Chị bối rối:

 - Không, tao không muốn...

 - Mày ngại gì chứ? Mỗi người một hướng, trắng đen minh bạch cả mà! Lo cho phần đời của mày đi, con ngốc!

 Những ngày này mới thực sự khó khăn với Ngọc.Thu xếp quán hàng xong là tất tả phóng xe ra thị trấn. Giờ học phần nhiều vào buổi tối và vài buổi chiều. Dáng dấp của người phụ nữ không có đàn ông đã lâu naytrông gọn gàng nhanh nhẹn khiến ítnhiều ánh mắt nhìn theo. Chị bỏ mặc, cũng như để ngoài tai những lời như gai nhọn của đám đàn bà ngoài xóm: “Thấy chưa? Đã đi đêm về hôm rồi đấy! Có thế nào chồng mới bỏ chứ!” Chị cũng tránh dần những đám đông giỗ chạp cưới xin. Ở đó, thi thoảng chị bắt gặp ánh mắt sắc lạnh của nhiều phụ nữ. Có vẻ như chị đang là một nguy cơ tiềm ẩn mà họ phải thận trọng... Điều chị quan tâm bây giờlà lao vào việc học. Tưởng rằng sẽ mụ mị vì đau buồn và lam lũ, nhưng chị cũng không ngờ là mình theo được nhanh chóng và hào hứng đến vậy. Chị đến lớp với bước chân rộn ràng của thời thiếu nữ chưa qua hết. Chị miệt mài để đắp đổi cho những năm tháng học đường bị đánh mất...

Một tối chạy xe về đầu làng, chị nghe giọng đàn ông gọi khi áp xe sát cạnh bên. Là chú Tín, người đàn ông chí thú làm ăn buôn bán cùng bà vợ gầy ốm quắt queo ở xóm ngoài. Vài lời hỏi chào cho phải phép thì vừa ngang qua gò mả lớn. Người đàn ông luống tuổi rẽ xe qua chặn lối, đứng xuống cầm tay Ngọc, lắp bắp:

 - Tui muốn nói...Tui có chừng này...

 Ông dúi vào tay chị, có lẽ là tiền, và kéo chị xuống xe.

 Chị ngớ người ra. Kịp hiểu cũng vừa lúc một cái tát toé lửa vào mặt hắn. Chưa đủ, chị dốc hết sức mình vào cú đạp khiến hắn ta ngã dúi xuống đất. Run rẩy, lập cập, chị nổ máy xe chạy nhanh về nhà. Nước mắt lả chả ướt đầm mặt. Lần này chị mới biết nước mắt mình mặn đến thế nào.

Ngọc mang vẻ lạnh lùng, dửng dưng với người làng từ đó. Không ai nghĩ rằng chị đã từng hồn nhiên xởi lởi, câu nói luôn bắt đầu bằng “Có gì đâu!...” và tiếng cười giòn tan đitrước. Chị chúi mũi vào việc, không muốn giải thích lu loa như họ hàng chòm xóm...

Công việc bận rộn với những giao tiếp năng động của người trợ lý đã cuốn chị vào một nhịp sống mới. Những chuyến đi về giữa các nước có quan hệ hợp tác với trường trở nên thường xuyên hơn. Anh em Trung nhanh chóng và thuận lợi được lo cho sang học nước ngoài, chỉ có bé Bo là ở lại. Nó muốn chờ ba Miên. Vài lần gặp nó vào thăm nuôi, anh Miên vẫn nghĩ rằng nhờ mẹ Ngọc tảo tần vén khéo nên nó mới được ăn học tử tế. Con bé cũng muốn ba mình được vui với ý nghĩ đó. Nó phải quên nhiều thứ, để lớn trước tuổi và biết mình đang là ai. Dù mẹ Ngọc thương yêu nó chẳng khác gì anh chị, có khi còn ưu tiên cho nó hơn, nhưng nó vẫn thấy đơn độc. Và nó vẫn chờ...

Những ngày lễ tết, căn nhà lại rộn tiếng nói cười vì có đủ ba đứa trẻ. Và chỉ qua vài ba bận đông vui như thế, chúng nó thoắt đã nhổ giò, xấp xỉ bằng nhau...Chị đã bước ra khỏi thanh xuân nhưng vẫn đẹp quyến rũ trong độ chín của tuổi. Những lần nói chuyện với mẹ qua màn hình, anh em Trung thoáng thấy những sợi tóc bạc sớm và vài nếp nhăn sâuở đuôi mắt của người mẹ lịch lãm và duyên dáng.Đôi lúc nửa khuya thức giấc xuống bếp uống nước, con bé Bo giật mình thấy chị ngồi thu lu một góc, trước chai rượu đã vơi. Nó ôm lấy chị, cả hai ngồi yên, và khóc. Để rồi hôm sau, chị lại vội vã đi về như con thoi với công việc xếp hàng trước mắt. Bởi bé Bo có cái để chờ đợi, còn chị thì không. Tháng trước, chị tình cờ gặp Lâm trong một sự kiện của tập đoàn. Chỉ vài câu thăm hỏi. Nhưng Lâm đã không bỏ qua cơ hội: “Vì sao? Vì sao?...” Chị cố không nhìn vào mắt anh, không cần thiết phải giải thích. Và từ hôm ấy, chịcó thêm thói quenngồi một mình, thấy lại những bóng hình xưa cũ lung linh qua chút men cay trong đêm vắng. Lung linh và mỏng manh quá, chạm vào sẽ vỡ tan mất. Ngày gối qua đêm, triền miên va đập giữa thực hư và tối sáng, dẫu saocũng còn cái mà đỡ nâng nương tựa. Chị như không còn bận tâm đến những mùa xuân nối nhau đi qua...

Một chiều chị về nhà khi cơn dông vừa ập tới. Bật đèn trong nhà xong, chị định xuống bếp mới chợt nhớ hôm nay bé Bo đi dự sinh nhật bạn không ăn tối ở nhà. Chị pha cho mình ấm trà nóng, nhìn ra bóng chiều đang chập choạng nhạt nhoà trong mưa. Có bóng người bước vào hiên, chị buột miệng:

 - Bé Bo về sớm vậy hả con?

 Không có tiếng trả lời, chị đứng dậy vừa lúc bóng người hiện rõ trong khung cửa. Ánh đèn hắt sáng trên đầu tóc ướt sũng. Nước mưa bết dính quần áo, nhỏ xuống thành vũng dưới chân. Là Miên. Người đàn ông đứng sững không nhận ra ngôi nhà cũ, và cả người đàn bà đã từng là của mình.

Chị lấy lại vẻ thản nhiên rất nhanh:

- Là ba của bé Bo à? Anh vào nhà đi!

Anh lập cập bước vào, lập cập ngồi đúng vào vị trí giữa nhà, nơi ngày nào mười mấy năm trước họ ngồi đối diện mà không nhìn nhau. Nhưng hôm nay bộ bàn ghế to rộng và chỗ ngồi êm ái hơn nhiều. Anh ngồi lọt thỏm vào một góc và tì cánh tay lên thành ghế, như ngồi trên chiếc thuyền đang chới vớitròng trành.

 Chị rót một táchtrà đẩy về phía anh. Sao mà giống cái tách trà tối hôm ấy quá, chị suýt nói thành lời. Lẳng lặng vào phòng con trai lấy bộ quần áo và cái khăn lông, chị quay ra đưa cho anh vừa lúc con bé về. Để cha con mừng vui chuyện trò, chịdắt xe ra và nổ máy, không biết phải đi đâu...

 Sớm mai ra ngôi nhà đã tràn ngập tiếng nói tiếng cười lao xao của bà con xóm giềng. Ai cũng mừng cho gia đình anh Miên. “Cái cô Ngọc này đến hay! Nói gì có đó! Đi đâu rồi cũng là chồng con mình mà!”... Tiếng cười vọng theora vườn sau, nơi chị ngồi nhìn lên bầu trời thật trong sau trận mưa từ chiều kéo dài đến khuya. Đêm qua, sau khi chạy lòng vòng trong mưa, chị về đến hiên nhà đói lả và ướt nhẹp. Anh vẫn đứng đó chờ. Anh nói nhiều, gom hết mặn nhạt ân oán bao năm qua. Nhưng trong cái ôm từ phía sau, lẽ ra sẽ rất  ấm áp và mặn nồng với người phụ nữ cô đơn, chị đau đớn nhận ra mình đã hết thật rồi, cả những rung động và giận hờn oán trách. Đêm mưa lẽ ra sẽ mặn nồng sau nhiều trống vắng khát khao cho cả hai. Nhưng mọi cố gắng của anh đều khiến chị  rơi vào nhạt nhẽo, sợ hãi.Con thú bị dồn đuổi và chịu nhiều vết thương sâu qua tháng năm chồng chất đã lành lặn, không, đã chai lì. Những chấn thương va đập không chảy máu mà chảy cạn những suối nguồn thanh xuân nồng nàn. Chị đã xếp gọn các thứ vào cái va li nhỏ, gọi cho các con, chỉ để báo tin mà không giải thích. Và sau cùng, bọn chúng cũngủng hộ quyết định của mẹ, dù không mấy vui...Tiếng cười nói từ nhà vẫn còn vẳng ra rồi nhạt dần. Từ mai, tất cả sẽ dứt hẳn với người đàn bà đơn độc. Chị nhìn lên, những đám mây trắng đang dạt nhanh về nơi xa. Khoảng trời xanh bây giờ đã sạch bóng. Và trống trải.

 

N.T.D.S

 

 

 

 

 

Các bài mới
Nợ đời (17/07/2023)
Mùa em (14/07/2023)
Các bài đã đăng
Phù du (19/02/2020)