Văn học
Về quê mẹ, cảm nhận về “Quê mẹ”
14:35 | 02/03/2020

PHẠM XUÂN PHỤNG

Tùy bút

Về quê mẹ, cảm nhận về “Quê mẹ”
Ảnh minh họa (Internet)

Về quê mẹ là về quê nội của Mạ mình, tức là làng Tân Xuân Lai thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Còn “Quê Mẹ” là nhan đề một bài thơ của Tố Hữu viết về quê hương mình (cả quê nội lẫn quê ngoại), mà địa danh đại diện trong bài là Huế: “Huế ơi! Quê mẹ của ta ơi!”.

Hồi nhỏ, khi đang học tiểu học trường làng, một ngôi trường nhỏ vách đất mái tranh sát bờ sông Bồ, chỉ dạy học sinh từ lớp Năm đến lớp Tư (như lớp 1, 2 bây giờ), nỗi thắc mắc lớn nhất của mình là tên gọi của cái xóm nơi mình được Mạ sinh ra, bà ngoại chôn nhau cắt rốn và nuôi dạy khôn lớn về sau. Khi thì nghe các cậu các dì gọi tên Xóm Nhì (lớn lên một chút thì biết thêm tên Lai Trung Nhì, tên đầy đủ là Xóm Nhì làng Lai Trung, dù chưa biết cái làng Lai Trung ấy ở đâu cả). Khi khác lại nghe gọi là Xóm Phù Lai Cà, còn nghe thêm có làng Phù Lai Chè, Phù Lai Ớt ở đâu đó. Rồi một hôm nghe được cái tên làng dài lòng thòng, đọc mỏi miệng: Tân Xuân Lai Thượng Thọ. Cái tên này được hình thành bởi tên của 5 xóm (được tách ra từ 5 làng gốc: Lai Thành, Xuân Tùy, Lai Trung, La Vân Thượng, và Cao Xá) hợp thành làng mới, gồm Tân Thành (một xóm của làng Lai Thành ở thị xã Hương Trà), Xuân Tùy (của làng Xuân Tùy ở xã Quảng Phú), Lai Trung Nhì (của làng Lai Trung ở xã Quảng Vinh), La Vân Thượng (của làng La Vân Thượng cùng xã Quảng Thọ) và Tân Thọ (còn gọi là Xóm Chuối, một xóm của làng gốc Cao Xá ở Phong Điền). Cái tên có ý nghĩa thật đẹp, ai biết sơ từ Việt gốc Hán đều đoán ra. Nhưng chẳng may, cái tên dài ngoằng ấy không “thượng thọ”, sau năm 1975 đã được gọi gọn là Tân Xuân Lai, hay và đẹp. Và mình luôn mơ “mùa xuân mới lại về” trên quê ngoại.

Làng Tân Xuân Lai Thượng Thọ tuy rộng dài vậy nhưng đôi bàn chân nhỏ bé của mình đã chạy khắp, từ xóm La Vân Thượng, Xuân Tùy, Tân Thành (còn gọi là Xóm Bàu vì có cái bàu nước) đến Xóm Chuối, đâu cũng có bạn học. La Vân Thượng có Chế Văn Thông, con ông Chế Văn Quýnh, lớn lên đi lính VNCH rồi đi đâu không rõ; Xóm Bàu có Dương Văn Trình, con ông De, về sau tham gia cách mạng, làm trợ lý quân lực Huyện đội Quảng Điền; Xuân Tùy có bạn Bửu, sau này làm Trường Phòng Lao động- TB&XH huyện Quảng Điền; Xóm Chuối có bạn Hồ Lai Hải, Hồ Lai Thủy, con của ông Hồ Trình, một tay chèo đua khét tiếng toàn huyện, hai bạn ấy sau này lên Huế học rồi trở thành giáo viên, có anh Hoàng Ngọc Vĩnh, lớn lên tham gia cách mạng, lần lượt làm Bí thư chi bộ xã Quảng Ninh, sau năm 1975 làm Bí thư huyện ủy Quảng Điền, Trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế rồi về hưu, cùng lứa với một bạn học khác là Nguyễn Đình Sắc (học rất giỏi, sau này vào Nam làm giáo viên) và Nguyễn Đình Sau cùng làng Phước Yên (khi tham gia cách mạng đổi tên là Nguyễn Thất Sáu, từng là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Quảng Điền, hiện là Chủ tịch Hội CCB huyện). Riêng Phe Nhì (một tên gọi khác của Xóm Nhì làng Lai Trung) thì toàn là bà con nội ngoại và hàng xóm cả nên bạn học cũng là anh em bạn cũ lưu tồn từ thuở “chia trộm sẻ quà” (chia nhau đồ ăn trộm như ổi, xoài, mía, dái mít..., san sẻ cho nhau những món quà vặt của người lớn từ Huế về cho mà bọn trẻ lau hau chúng tôi thích vô cùng… như bánh quy, kẹo nu- ga, mè xửng). Đôi chân mình còn chạy khắp xã Quảng Thọ, không tránh làng nào vì làng nào cũng có bạn học. Và điều quan trọng nhất lôi kéo những bước chạy của tôi là nhà bạn nào cũng có…trái cây ngọt dịu ngọt thanh, không cần ăn cắp, tranh giành với ai. Mặc dù sau mỗi buổi chạy chơi nhà bạn, ăn no ổi xoài chuối, thế nào cũng bị Mạ cho ăn no đòn roi mây gác bếp, đau quắn mông… nhưng lạ thay, ngày mai quên hết. Nhớ bạn, thèm chơi, ta lại chạy. Chiều no xoài ổi, tối no đòn! Sau mỗi trận đòn, Mạ lại đem rượu thuốc ra xoa bóp chỗ đau rồi ngồi ru cho mình ngủ, khi thì ca dao, lúc là những bài thơ nghe hay lạ lùng, nghe là thuộc…vài câu của “Cậu Tố”. Cậu Tố, cậu Lành chỉ là một trong nhiều cách gọi về Nguyễn Kim Thành- Nhà thơ Tố Hữu. Có người gọi là anh Tố, anh Lành hoặc chú Tố, chú Lành.v.v. tùy theo mối quan hệ của từng người với ông. Trong bài này, tôi xác lập mối quan hệ giữa nhà thơ với người yêu thơ nêu ra những đồng cảm với bài Quê Mẹ. 

Lên Trung học đệ nhất cấp (THĐNC, tương đương THCS bây giờ), mình lên Huế học trường Hàm Nghi, lên lớp Đệ Ngũ được chuyển qua trưởng Gia Hội mới thành lập nên tụi mình là lứa học sinh đầu tiên của trường này. Hồi ấy, học sinh THĐNC được học ngày hai buổi từ thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư và Thứ Sáu, riêng Thứ năm chỉ học một buổi. Thứ Bảy và Chủ nhật nghỉ học, về nhà. Đường về nhà có khi được đi xe đò Huế- Hương Cần thường gặp và đi xe chú Phò, từ chợ Hương Cần về nhà dài chừng 3 km toàn đi bộ, qua hai bãi tha ma, sợ chết khiếp! Chân chạy tít mù, tay nắm quyết Định tâm ấn, miệng niệm Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn, cứ thế về nhà mỗi tuần. Có một hôm về sớm, qua khỏi cầu Hương Cần, gặp ngay ông Cai Bân, một chức việc của xã Quảng Thọ, lính cũ của cha mình thời Việt Minh. Ông này dữ dằn khét tiếng, dân làng xã rất sợ ông này, còn mình mỗi lần gặp ông ta lại bị ông xách vành tai rồi cười gằn “Thằng Việt Cộng con!”. Lần này, biết khó thoát, ráng giữ bình tĩnh, mình đi tới trước mặt ông ta, vòng tay thưa chú. Không như mọi khi, lần này ông cười rất tươi, đưa cho mình trái quýt Hương Cần, một thứ trái cây mà trẻ già quê mình đều thích vì vị ngọt thanh. Mình cám ơn rồi chạy vù đi, qua khỏi bãi tha ma nối giữa Phe Kiền và làng La Vân Thượng khi nào chẳng hay, không cần bắt ấn, niệm Phật. Thở phào hết sợ, bèn bóc trái quýt ra ăn. Vị ngọt dịu thanh của nó làm mát tận ruột gan. Bỗng dưng trong đầu mình vang lên câu thơ “Mà quýt Hương Cần ta vẫn ngọt”. Bây giờ có nhiều loại quýt khắp trong nước, quýt ngoại tràn lan thị trường trái cây bán dịp ngày rằm, mồng một âm lịch. Có loại ngọt như đường, loại ngọt ngọt chua chua, nhưng không có vị ngọt dịu thanh nào bằng quýt Hương Cần mình được ăn từ thuở nhỏ. Chắc chắn nhà thơ cũng từng, như hàng vạn người ở Thừa Thiên Huế từng thưởng thức hương vị tuyệt vời của trái quýt Hương Cần trồng ở Phe /Giáp Kiền ngày xưa, nhưng chỉ có ông mới rung cảm viết nên câu thơ Mà quýt Hương Cần ta vẫn ngọt. Còn nữa, trên câu ấy là câu mà đất Phù Lai vẫn tốt cà.

Ơ mà ngon thật món mắm cà quê ta! Cà ở làng (gọi thế cho oai) Phù Lai có hai loại: loại to như cái chén (bát) ăn cơm là cà bát, loại này Mạ không dùng làm mắm, chỉ dùng để hấp chín rồi dằm với nước mắm chanh tỏi pha chút đường, ăn nhức răng. Thầy Phú, thầy Quý dạy ở trường tiểu học, buổi trưa ở lại ăn cơm tháng tại nhà mình, trưa nào cũng đòi ăn món cà bát chấm nước mắm chanh tỏi ớt đường của Mạ làm. Riêng món mắm cà được làm từ loại cà nhỏ cỡ hột mít, tròn thúc lúc. Hái cà về, Mạ chăm chút cắt bỏ cuống cà rồi đem phơi nắng, độ vài hôm cà khô dần. Khi cà khô vừa độ, Mạ đem bỏ vô rổ, đậy vải lên cho cà dịu nắng. Mắm cá nục Mạ đã làm sẵn từ mấy tháng trước, loại cá nhỏ chỉ bằng ngón tay người lớn ăn mới ngon. Mình rất thích hít mùi mắm cá nục mỗi khi Mạ mở hũ mắm ra để chuẩn bị làm mắm cà. Mắm cà Mạ làm ngon nứt tiếng không chỉ trong huyện mà còn lan lên Dinh (hồi đó dân quê gọi vùng Huế là Dinh, dấu vết còn sót lại đến chừ là Chợ Dinh), Tỉnh trưởng- Trung tá Phan Văn Khoa rất thích món mắm cà O Tư, lan tới tận Sài Gòn do cậu ruột em Mạ là cậu Trình về quê mang vô thết đãi mấy vị quan chức, sĩ quan chính quyền Sài Gòn hồi ấy. Nghe nói là đến cả Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu quê miền Bắc cũng thích ăn mắm cà do Mạ làm, mỗi năm Mạ phải làm vài ba bốn hũ gửi vô cho ông ta. Có lẽ vì thế nên Mạ mới hoàn thành trót lọt những chuyến lên Huế nhận hàng về cho Cách mạng. Và có lẽ cũng vì thế nên năm 1967, Mạ bị vu cáo tội làm gián điệp cho địch, suýt chút nữa bị cách mạng xử tử hình nếu không có chú Côi du kích kịp báo tin cho Mạ thoát thân lên Huế, sau này một cán bộ lãnh đạo của huyện hồi đó xác nhận Mạ bị vu oan... thì có lẽ đời mình sẽ mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ (!). Thôi, không nói chuyện suýt buồn nữa, nói chuyện vui thôi!

Nhớ món mắm cà Mạ làm, lại càng thấm hương vị đồng quê, niềm tự hào muốn khoe đặc sản quê nhà và hơn hết muốn khẳng định sức sống bền vững của Đất và Người quê mình, cho dù bom đạn giặc đã bao lần cày xới. Chỉ những người ở quê, thụ hưởng đặc sản quê nhà, máu thắm hồn quê mới cảm được tận tim gan những câu thơ này: Làng ta giặc đốt mấy lần qua. Mà đất Phù Lai vẫn tốt cà. Mà quýt Hương Cần ta vẫn ngọt...

Bom đạn cày xới quê mình dữ dội nhất là sau trận Xuân Mậu Thân 1968. Địch tung toàn bộ hỏa lực dội xuống toàn xã, ác liệt nhất là 3 thôn Niêm Phò, Phò Nam và Tân Xuân Lai. Chưa hết, chúng còn đem xe ủi xe cày về ủi hất nhà cửa, tre pheo của các hộ dân 3 làng sống sát bờ sông Bồ, trong đó có nhà mình xuống sông hết. Mục đích chúng làm là tìm cho được các căn hầm bí mật thường được người dân cơ sở của Cách mạng đào ở dưới hoặc sát các bụi tre sau nhà, sát bờ sông, nhà mình cũng có hai cái. Năm 1975, sau ngày 30 tháng 4, mình dẫn cô vợ mới cưới trên rừng về quê chồng. Trời ơi! Một vùng quê xanh tươi trù phú ngày nào, nay chỉ còn đất đá, cỏ dại ngổn ngang, rắn bò lúc nhúc. Lại nhớ đến bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao:

Từ núi qua thôn, đường nghẽn lối

Xuân Dục, Đoài Đông cỏ ngút dày

Sân biến thành ao, nhà đổ chái

Ngổn ngang bờ bụi, cánh dơi bay

Nhà thơ tả thực, không thêm bớt chút nào cảnh hoang tàn đổ nát của chiến tranh do bom đạn giặc Pháp cày phá. Tiếc là mình không có tài thơ như Vũ Cao để tả lại cảnh bom đạn giặc Mỹ hủy hoại đất quê mình một cách “văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa” nhất. Bây giờ nhiều nhà phê bình và cả những bạn thơ trẻ, bạn trẻ yêu thơ cũng phê phán trào lưu sáng tác văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa lắm. Nhưng chắc họ chưa tận thấy cảnh bom đạn giặc ngoại xâm tàn phá làng quê, cày nát chính ngôi nhà của mình... nên họ không thể rung cảm thật lòng khi đọc những dòng thơ tả thực của Tố Hữu và Vũ Cao chăng? Thế thật thì nên cảm thông cho họ, những người may mắn sinh ra khi đất nước đã thanh bình, quê hương không còn bóng giặc ngoại xâm. Nếu họ phải sinh ra sớm hơn, vào thời kháng chiến thì sao nhỉ? Thì mình đã trải qua rồi cái cảnh:

 Ôi những đêm xưa tối mịt mùng

Con nằm bên mẹ, ấm tròn lưng.

Ngoài hiên nghe tiếng giày đi rỏn.

Mẹ bấm con: Im! Chúng nó lùng. 

Con hỏi: Vì sao chúng nó tìm?

Tìm ai? Con hỏi. Mẹ rằng: Im!

Mẹ ơi! Đời mẹ buồn lo mãi!

Thắt ruột, mòn gan, héo cả tim!

Với Tố Hữu, cảnh đó diễn ra vào thời điểm trước sau 1930, khi nhà thơ còn ở độ tuổi chín, mười: Huế ơi! Quê mẹ của ta ơi! Nhớ tự ngày xưa, tuổi chín mười. Khi những toán lính sư đoàn Một bộ binh- Quân lực VNCH đêm đêm đi lùng sục khắp các làng quê ở xã Quảng Thọ, khắp làng Phù Lai, mình cũng ở độ tuổi đó, lớn hơn tí nhưng bé choắt bé teo như một con mèo đói, nằm gọn trong lòng Mạ, nghe rõ tiếng tim Mạ đập thình thịch mỗi khi có tiếng giày đinh đạp trên lá khô sau vườn. Mạ đã bao lần Thắt ruột, mòn gan, héo cả tim! Như mẹ của nhà thơ và bao bà mẹ khác cô đơn bảo vệ con mình, khi chồng đi xa, lính áp sát nhà!

     Nói thật, hồi ấy mình chưa hề có chút căm thù và sợ sệt nào với mấy chú lính sư đoàn Một bộ binh, nghĩa quân, dân vệ...vì trong đó có cậu Dọc, cậu Nhơn người làng, dượng Mo chồng dì Gái, dượng Lỗ chồng dì Hòa... toàn những người nông dân thật thà như đất, bị bắt đi lính; có anh Toàn thiếu úy quê “Quảng Nôm” mỗi lần về làng lại cho mình và lũ bạn ăn kẹo nu- ga, vuốt đầu khen học giỏi, lại còn kỳ công bày cho mình cách làm diều, làm đèn ông sao 5 cánh. Ô hay! Sao hồi ấy anh thiếu úy Toàn lại vừa làm vừa hát nho nhỏ “Vàng vàng ơi! Đẹp lắm, sao sao ơi!” nhỉ? Hồi ấy mình không hiểu, bây giờ thì hiểu rồi, tiếc là anh Toàn đã đi xa! Vì thế, nếu vào ban ngày, hễ gặp mấy chú mấy anh lính sư đoàn Một vô nhà, bọn trẻ con làng Phù Lai mình luôn hí hửng chạy ra chờ kẹo. Bù lại, mình luôn có sẵn mấy con chim rôộc rôộc trong lồng để chú nào, anh nào xin thì cho, anh Toàn được phần con chim to nhất biết hót líu lo. Ban đêm, khi không gian yên ắng, mấy o mấy chú du kích mặc áo đen, trong đó có O Thuấn Em, về vai vế bà con phải gọi mình bằng anh, khoác súng cạc- bin vô nhà nói chuyện chi thì thầm với Mạ, xong rồi quay sang mình vỗ vai, bảo “Lớn mau lên!”. Có một chú có vẻ làm to, vai đeo xắc- cốt đen khi nào vô nhà nói chuyện với Mạ xong lại vuốt đầu dặn “Ráng học giỏi cháu hí!”. Lại nhớ nhà thơ Hoàng Cát hồi ấy vào miền Nam chiến đấu, trú trong hầm bí mật làng mình, đã chép cho mình mấy bài thơ tình của Xuân Diệu! Ôi, nhớ quá, nhớ biết bao người! Nhìn cảnh nhớ người, gặp người nhớ chuyện...những người những chuyện xảy ra trong hoàn cảnh ôi những đêm xưa tối mịt mùng nhưng lòng người lại sáng trong, đậm đà tình nghĩa!

 Chỉ đến khi quân Mỹ và sau đó đám quân chư hầu kéo vào miền Nam, tình hình khác hẳn. Lòng người bỗng rõ trắng đen: Địch là địch mà Ta là ta. Lòng người bỗng hoang mang: ai là Ta, ai là Địch? Ngụy quân ngụy quyền là ai? Là những người như chú Dọc, chú Nhơn, dượng Mo, dượng Lỗ? Là ông cai Bân, người thời Việt Minh làm lính của cha mình, sau năm 1954 quay về làm cán bộ xã Quảng Thọ, hay dọa nạt dân kháng chiến? Là anh thiếu úy Toàn luôn hát líu lo “Vàng vàng ơi! Đẹp lắm, sao sao ơi!”? Hẳn rồi, đó là những kẻ như đại úy Tôn Thất Trực, tên sĩ quan hung bạo khét tiếng luôn đeo một chuỗi lỗ tai người quanh cổ, đó là những lỗ tai Việt Cộng mà hắn ta giết được, coi như một “vòng hoa chiến tích”? Hẳn nhiên rồi, đó là bọn xâm lược Mỹ đã kéo quân vào, đem bom đạn tàn phá quê ta, giết dân ta.

Không thể khác, không thể hành động khác! Ngày ấy, Tố Hữu không còn Mẹ, nhưng còn quê hương, đất nước: Mẹ không còn nữa, còn đây Huế. Mình vẫn còn Mạ ở nhà ngóng trông mỗi ngày thứ Bảy con về. Nhưng mình cũng thế: Con lớn lên con biết lẽ rồi. Nước mất nhà tan, đời khổ thế! Không làm nô lệ, đứng lên thôi!. Ông nhà thơ thì: Con lớn lên, con làm cách mạng. Còn mình chỉ đi theo cách mạng thôi, khác chút đó. Ông ấy có anh Lưu, anh Diểu dạy con đi, mình cũng có anh Hoàng Cát, anh Thắng, anh Hồng bày đường chỉ lối, cũng là người trước bảo người sau, khác chi đâu. À! Có khác, ông ấy mất mẹ khi chưa làm cách mạng, mình vẫn còn Mạ và chính Mạ là người đầu tiên báo tin vui cho mình được kết nạp vào Đảng.

Khi thoát ly lên rừng tham gia Quân giải phóng miền Nam, mình cứ nhẩm hoài câu hát thể hiện lòng mong nhớ gia đình, nhớ mẹ và lời thề “Ra đi, ước hẹn ngày về thăm quê. Rằng chưa tan hết giặc, ta chưa về”. Ngày ấy, ở chiến trường nhớ Mạ, mình cũng đã làm thơ lúc xuân về: Tết đến con cùng chốn chiến trường. Một cành mai nhỏ, nhớ quê hương. Mạ ơi! Thêm một ngày xa cách. Ray rứt lòng con đau nhớ thương. Nhưng chỉ đến khi trở về thăm quê ngoại sau ngày thống nhất đất nước, nhìn cảnh làng xã tan hoang, vườn nhà nát bét, ngôi nhà thân yêu không còn, chỉ trơ cái móng nhà nham nhở vì bom đạn giặc Mỹ, mình mới thấm được nỗi đau xương máu. Đau cả lòng sông, đau cỏ cây! Thấm tận xương tủy, không thể nào quên! Đọc và ngấm thêm vậy: Từ ấy, xa quê mẹ đến rày. Lắng nghe từng buổi, nhớ từng ngày. Giặc về giặc chiếm, đau xương máu. Đau cả lòng sông, đau cỏ cây! Cám ơn nhà thơ Tố Hữu đã giúp mình hiểu tận nỗi đau này!

Tố Hữu là nhà thơ, không phải nhà tiên tri. Nhưng trong Quê Mẹ, có một khổ thơ chứng tỏ tài tiên tri của ông: Chúng bay không thể có ngày mai. Chết dưới chân bay vạn bẫy gài. Chết xuống đầu bay từng hốc núi. Hải Vân thăm thẳm huyệt đêm ngày. Bẫy gài, hầm chông đã có từ thời xưa, khi dân ta tiến hành chiến tranh chống giặc ngoại xâm thời quân Tần xâm lược, tiếp tục đến thời chống Mỹ, không nói làm gì. Nhưng Chết xuống đầu bay từng hốc núi. Hải Vân thăm thẳm huyệt đêm ngày là chuyện có thật xảy ra trong thời chống Mỹ: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Tố Tâm và tiểu đoàn 14 công binh của quân chủ lực Quân khu Trị Thiên đã làm như vậy, khiến quân thù kinh hồn táng đởm. Trong khổ thơ này, nhà thơ dùng một từ rất “nặng ký”: Bay, chúng bay. Không phải là bây, chúng bây. Đọc thầm, đọc to lên, không thấy gì khác. Đọc gằn giọng giận dữ, thấy có chút khác. Đọc với giọng căm hờn và khinh miệt, thấy rõ sức nặng của bay, chúng bay. Chợt nhớ lại lần viết bài thơ Trung Quốc, hãy nhớ, có một khổ thơ mình dùng từ bây, chúng bây. Đem tặng hai người bạn học thời Hàm Nghi- Gia Hội, sau này một đứa đi học Trường Võ bị quốc gia Đà Lạt, một đứa học trường sĩ quan trù bị Thủ Đức, khi giải phóng miền Nam, tụi hắn mới là sinh viên, chưa đeo lon nên chỉ bị đi cải tạo 1 năm rồi trả quyền công dân, cho về đoàn tụ gia đình, bạn bè lâu lâu lại gặp nhau cụng vài ly, hàn huyên tâm sự chuyện đời. Tưởng được bạn khen, ai ngờ thằng bạn cựu sinh viên sĩ quan Thủ Đức chê ngay: Dùng chữ bây, chúng bây, tau không thỏa, đọc không đã! Ủa! Thì dùng chữ gì? Bay, chúng bay đọc lên nghe mới đã! Dừng một lát để ngẫm nghĩ, vẫn chưa đồng ý. Hắn thủng thẳng: Mi chưa đọc bài thơ Quê Mẹ của Tố Hữu à? Ngớ cả người. Chừ về quê ngoại, đọc và ngẫm lại mới hay...bạn mình sâu!

Nhưng ở khổ thơ cuối cùng, nhà thơ mong ước, hy vọng và xác định vững chắc niềm tin chứ không tiên tri:

Ơi Huế ngàn năm, Huế của ta

Đường vào sẽ nối lại đường ra

Cho con của mẹ về quê mẹ

Huế lại về vui giữa cộng hòa.

Niềm mong ước, hy vọng và niềm tin ấy từ năm 1955 nhưng phải đến 20 năm sau- 1975 mới thành sự thật. Đó cũng là niềm ước mong, hy vọng của bao nhiêu cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc từ năm 1954, như Nguyễn Bính từng thổ lộ nỗi nhớ người vợ đang ở miền Nam: Trời còn có bữa sao quên mọc. Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em! Mình và bao người đồng đội khác thoát ly lên rừng tham gia cách mạng, làm người chiến sĩ giải phóng quân cũng ước mong, hy vọng và tin tưởng như thế. Chỉ khác là mình đợi điều đó hơn 7 năm. Còn ông, nhà thơ Tố Hữu ấy, ông phải đợi ròng rã 20 năm mới được về thăm quê cha đất tổ, quê mẹ cắt rốn chôn nhau. Có niềm nhớ thương nào đau đáu hơn chăng?

***

Trong bài PHÍA MẸ, PHÍA QUÊ NHÀ, được viết năm 1986, trước ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và được tác giả yêu cầu Nhà xuất bản Thuận Hóa đưa vào in cuối tập thơ Tố Hữu TỪ ẤY....CHÀO NĂM 2000 (Nxb Thuận Hóa- Huế, 1991, tr  438- 448, cố thi sĩ Chế Lan Viên đã nhận xét về thơ Tố Hữu như sau:

“Nhà thơ này sử dụng đôi mắt tinh tường, nhà thơ khác sử dụng bộ óc kỳ ảo. Còn Tố Hữu, anh chỉ sử dụng những tình cảm của trái tim trần:

Trái tim ta đó

Tiếng đập thình thình muốn vỡ làm đôi

Ta biết em rất khỏe tim ơi

Không khóc đấy. Nhưng sao mà nóng bỏng                               

Đọc thơ anh là nghe cho được trái tim này. Và trái tim ư, nó cũng có những cái tinh tường kỳ ảo của riêng nó”. Và nhất là đoạn kết bài viết “Thơ Tố Hữu là thơ trái tim (có biết chuyện này thì câu thơ cũng chả vì thế mà hay hơn, nếu nó đã hay; hoặc bớt dở đi, nếu nó vốn dở. Nhưng hiểu thơ trái tim, lại cần phải có bộ óc. Thế mới là hiểu cho tác giả. Do đó, tôi muốn các độc giả Thừa Thiên Huế chúng ta sẽ dần dần tìm đọc toàn tập Tố Hữu. Anh là nhà thơ của phía Mẹ, phía Quê hương. Và cũng là nhà thơ lớn của dân tộc”.

 Không như Chế Lan Viên, tôi thì chỉ mong trước hết các con, các cháu bên nội của nhà thơ Tố Hữu hiện ở trong nước, tại quê hãy tìm đọc và thuộc (hiểu và cảm được càng tốt) nhiều bài thơ nổi tiếng của ông, trong đó có Quê Mẹ.

 

P.X.P

 

 

 

 

 

Các bài mới
Nợ đời (17/07/2023)
Mùa em (14/07/2023)
Các bài đã đăng
Phù du (19/02/2020)