Văn học
Những ngày Corona
10:03 | 20/03/2020

THANH NGỌC

Những ngày Corona
Bức tranh “Cuộc chiến chống Corona-Covid 19” của cháu Nguyễn Đăng Tiền Phong, 12 tuổi, học lớp 6, trường THCS Trần Cao Vân

Những ngày vi rút Corona bung ra đại dịch toàn cầu quả là những ngày kỳ lạ. Buổi sáng tỉnh dậy, mọi người quơ lấy điện thoại để cập nhật số bệnh nhân mới, số người được chữa khỏi, người không may mắn tử vong ở khắp nơi trên thế giới, rồi người nhiễm bệnh, người liên quan F1, F2 có khi ở ngay nơi mình sống. Rồi lên Facebook chúc nhau một ngày an lành, nhắc nhở hạn chế đến chỗ đông người, ra đường đeo khẩu trang, về nhà rửa tay...

Một câu hỏi chợt hiện ra, chúng ta nên làm gì? Dĩ nhiên rồi, chúng ta cùng tham gia phòng chống dịch và nếu thích, hãy ghi nhớ những ngày này theo cách của chúng ta. Bởi vì dù sao đi nữa, nhân loại cũng phải sống. Sống và tham gia phòng chống Corona, với mỗi người là tự “cách li một nửa”, tức là hạn chế tiếp xúc đông người, chịu khó cô đơn một chút... Có những việc trước đây tụ tập hàng trăm người, nay chỉ có thể vài người cho nghi lễ nghiêm trang là đủ, như đám cưới chỉ cần hai bên nội thân gia đình chứng kiến, tang ma vừa phải...

Giới nghệ sỹ có cách riêng của họ. Cái đẹp có cứu vãn thế giới hay không chưa biết, nhưng cái đẹp làm dịu đi những âu lo là có thật. Từ ngày 4/3 đến 15/3, họa sỹ Đặng Mậu Tựu triển lãm tranh “Cảm ơn Eva” bên bờ sông Hương. Lời cảm ơn phái đẹp tỏ bày giữa những ngày thế giới bị vi rút Corona đe dọa, và đó là một lời cảm ơn của một nghệ sỹ dũng cảm. Tranh của anh, dù sáng tác trường phái, ngôn ngữ nào đi nữa, vẫn đầy chất lãng mạn, bay bổng. Trong những ngày thế giới âu lo, nhận ra bóng dáng phụ nữ trong tranh Đặng Mậu Tựu càng hư ảo, như một giấc mơ sắc màu. Xem tranh, càng yêu không gian Huế trầm mặc, càng thấy cần cẩn thận trước đại dịch để còn gìn giữ những nét thanh tân xứ sở.


Tranh “Bến cũ xuân xưa” trong “Cảm ơn Eva” của Đặng Mậu Tựu

Ngày 15/3 hàng năm là ngày Dâng hương Nhà thờ Đặng Huy Trứ, Ông Tổ nghề Nhiếp ảnh Việt Nam ở làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Những năm gần đây, lễ dâng hương thu hút hàng trăm nhiếp ảnh gia trong tỉnh và cả nước. Năm nay, kỷ niệm 151 năm ngày Khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường, 67 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam, chỉ một nhóm nghệ sỹ nhiếp ảnh đại diện từ Huế hành hương, dâng lên Ngài nén tâm nhang, với các lẵng hoa của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế, Chi hội Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tại Huế. Hình ảnh đưa lên Fb nghi lễ đơn sơ nhưng không kém phần trang trọng. Các nghệ sỹ nhiếp ảnh mặc áo dài khăn đóng dâng hương lễ bái, đầy cung kính trang nghiêm. Nhiều comment tán thành: lễ nhỏ nhưng tấm lòng hậu sinh có ý nghĩa lớn.

Nhạc sỹ Văn Đen và nhóm nghệ sỹ đã nhanh chóng thực hiện ca khúc “Covid 19 sẽ tan” ngay trong ngày 8/3. Ca khúc do nhạc sỹ Văn Đen sáng tác, phỏng thơ Hoàng Xuân Thảo, ca sỹ Huy Thành thể hiện, với sự phối hợp của Rapper Hoàng Linh, hòa âm Thái Thịnh. Ca khúc thiết tha, sôi nổi, kêu gọi mọi người chung lòng chung sức phòng chống corona.

Trong âm vang ca khúc “Covid 19 sẽ tan” có giai điệu lạc quan, nhạc sỹ Nguyên Thành xem lại các bộ sưu tập. Anh nổi tiếng với những Radio Cassette hay AKAI của mình và nhiều thiết bị âm thanh cổ được xem là hàng độc, cũng như  bộ rương đựng 4.000 tờ vé số có tuổi từ 30-50 năm. Mấy ngày nay anh cho bà con Fb xem bộ sưu tập chén, dĩa dùng hàng ngày có tuổi đời trên nửa thế kỷ. Nhìn hình ảnh bộ chén dĩa này, nhận ra thế giới như vừa mới bước chân về thăm chúng ta ngày hôm qua. Lúc đó, khói lửa chiến tranh khắp nơi, mà tình người vẫn ắp đầy thế giới.

Ca khúc “Covid 19 sẽ tan” của nhạc sỹ Văn Đen.

Cảm động và hân hoan khi hai vợ chồng họa sỹ Nguyễn Đăng Sơn - Tường Vân ở Kim Long, khoe bức tranh khá đẹp “Cuộc chiến chống Corona-Covid 19” của cậu con trai 12 tuổi - Nguyễn Đăng Tiền Phong, 12 tuổi, học lớp 6, trường THCS Trần Cao Vân. Mẹ Tường Vân cho biết: “Anh ấy vẽ bức tranh 14 ngày trước khi WHO công bố Covid 19 là đại dịch toàn cầu. Lúc ấy, mối đe doạ về Virus Covid 19 được tổ chức y tế thế giới nhận định là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu với mức cảnh báo cao nhất”. Fb Tường Vân đưa hình ảnh cậu bé đang vẽ tranh, bức tranh trước khi tô màu và khi đã hoàn tất. Tranh thể hiện một cộng đồng người đang nắm tay nhau cùng dành giật sự sống của một cháu bé đang bị vòi bạch tuộc của con Corona cuốn đi.

Hẹn với anh em văn nghệ Huế tháng 4/2020 về đọc thơ bên sông Hương, nhưng đại dịch Corona lan tràn đã khiến kế hoạch này không thực hiện được, Như Quỳnh de Preller  từ Bỉ gửi thư email: “Tháng 2, Như Quỳnh vẫn còn hy vọng sẽ gặp mọi người ở Việt Nam vào đầu tháng 4 tới vào kỳ nghỉ xuân năm nay. Và bây giờ mong đợi đó được gác lại bởi virus lây lan khắp nơi và cũng không thể về lúc này khi đã ngưng các chuyến bay từ các nước trong Liên hiệp châu Âu... Như Quỳnh luôn cầu nguyện rằng, Việt Nam sẽ không bị nhiều, không lây lan nhanh và bùng phát như các nơi. Và mọi người đã làm rất thành công. Đây có lẽ là điều duy nhất an ủi mình lúc này khi không gặp được các bạn, mọi người ở quê nhà. Chúng ta sẽ vẫn luôn nhìn thấy nhau, đọc tin tức của nhau. Luôn mong những tin mới, tin vui từ các bằng hữu, các tác phẩm mới, dự án mới... Cầu chúc toàn nhân loại bình an, vượt qua cơn hoạn nạn này, cơn hoạn nạn của thế kỷ 21... Mong một ngày gần nhất, được gặp gỡ và yêu thương chạm vào tay nhau, ôm nhau mà không phải lánh xa bởi virus....”

Vậy đó, cuộc sống giữa những ngày Corona ở Huế, có những nét khá riêng, gần gũi và ấm cúng.

 

 

 


 

Các bài mới
Nợ đời (17/07/2023)
Mùa em (14/07/2023)
Các bài đã đăng
Vào xuân (18/03/2020)
Huyền tích (17/03/2020)
Đời biển (05/03/2020)
Mời xòe (04/03/2020)
Phù du (19/02/2020)