Văn học
Diễn ngôn về trinh tiết nữ giới
08:46 | 02/04/2020

(qua nghiên cứu của nhà nữ quyền Yvonne Knibiehler)

TRẦN HUYỀN SÂM

Diễn ngôn về trinh tiết nữ giới

Vì sao từ một khái niệm của lĩnh vực giải phẫu học, l’hymen đã trở thành một phạm trù đạo đức và tác động sâu sắc đến đời sống văn hóa xã hội? Vì sao trinh tiết nữ giới liên quan sâu sắc đến cấu trúc của các nền văn hóa, tôn giáo trên thế giới nhưng “trinh tiết đàn ông” lại không phải là chủ đề bàn luận của một thể chế nào? Với xu hướng thế tục hóa hiện nay, liệu trinh tiết nữ giới còn giữ một vị trí thiêng liêng trong tôn giáo độc thần? Đó là những vấn đề mà nhà nghiên cứu nữ quyền người Pháp Yvonne Knibiehler đã đặt ra trong công trình Trinh tiết nữ giới: huyền thoại, ảo tưởng, giải phóng (2012)[1]

Những kiến giải về trinh tiết nữ giới của Yvonne Knibiehler đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, kể cả y học. Với tư cách là người nghiên cứu và giảng dạy nữ quyền luận, công trình này là “một cú sốc” đối với chúng tôi: hóa ra, trinh tiết nữ giới không chỉ được coi trọng trong nền văn hóa phương Đông, mà nó đã và đang “chiếm giữ” một vị trí hết sức quan trọng trong nền văn hóa phương Tây. Chứng chỉ trinh tiết nữ giới/ Certificat de virginité féminine vẫn tồn tại trong môi trường liên văn hóa của Pháp - nơi vốn được xem là trung tâm của tinh thần tự do cá nhân và bình đẳng giới. Sự “chiếm giữ” trinh tiết nữ giới đó mang tính chất ngầm ẩn nhưng mạnh mẽ, nó là một thách thức đối với các nhà nghiên cứu văn hóa và văn học.

1. Yvonne Knibiehler và hướng tiếp cận về giới tính nữ

Công trình Trinh tiết nữ giới: huyền thoại, ảo tưởng, giải phóng được Yvonne Knibiehler tiếp cận theo hướng xã hội học và y học. Tác giả chứng minh rằng: trinh tiết nữ giới đã trở thành một công cụ thống trị của nam quyền. Từ khái niệm L’hymen/màng trinh của y học, qua các không gian văn hóa và tôn giáo khác nhau, đã trở thành khái niệm Virginité féminine/trinh tiết nữ giới -  một tiêu chí cơ bản để đánh giá phẩm tiết của phụ nữ. Bà đã lần tìm khái niệm L’Hymen từ thần thoại Hy Lạp và ba tôn giáo độc thần, lý giải nguyên nhân vì sao trinh tiết phụ nữ đã trở thành một phạm trù văn hóa quan trọng trong đời sống xã hội từ thời cổ đại đến đương đại. Công trình gồm 14 chương, chia thành 5 phần theo niên đại lịch sử đã dẫn dắt người đọc đến tận cùng cội nguồn của vấn đề trinh tiết nữ giới. Các minh họa và lý giải từ cứ liệu y học và văn học đã cho thấy mối liên hệ bền chặt của hai lĩnh vực nghiên cứu này. Vì vậy, ngoài giá trị tri thức về phương diện trinh tiết nữ giới, liên quan đến văn hóa, đạo đức và tôn giáo, Yvonne Knibiehler còn cung cấp cho chúng ta một thể nghiệm quan trọng theo hướng nghiên cứu liên ngành, liên văn bản, đặc biệt là văn học và y học.

Yvonne Knibiehler có điểm gì khác biệt so với các nhà nữ quyền cùng thời?

Yvonne Knibiehler là nhà sử học, nhà nữ quyền và là nữ giáo sư danh dự đầu tiên của Đại học Aix- en- Provence. Bà là chứng nhân đồng thời là người trải nghiệm gần như trọn vẹn ba làn sóng nữ quyền ở Pháp[2]. Có thể nói, bà nằm trong “tâm bão” của Phong trào giải phóng nữ giới ở Pháp thập niên 60 - thời kỳ nảy sinh những gương mặt xuất sắc như Simone de Beauvoir, Simone Veil, Antoinette Fouque... Phong trào này đã tác động căn bản đến sự thay đổi cấu trúc xã hội Pháp và nhân loại theo hướng bình đẳng giới. Bà bình tĩnh quan sát, dự phần vào làn sóng nữ quyền sôi động đó, để rồi đúc kết những kinh nghiệm nữ giới qua các công trình sau: Lịch sử những người mẹ từ thời cổ đại đến nay, (1982), Phụ nữ và các bác sĩ (1983), Phụ nữ thời thuộc địa (1990), Lịch sử phụ nữ (1991), Cuộc cách mạng của bà mẹ từ 1945: phụ nữ, thai sản, quyền công dân (1997),  Tình dục và lịch sử (2002)…

Với tư cách là một nhà sử học, nhà nữ quyền, Yvonne Knibiehler quan tâm sâu sắc đến vấn đề giới tính nữ, đặc biệt là phương diện thân thể: trinh tiết và phẩm tiết, vấn đề tình dục và thai sản. Sự nghiệp của bà rất đồ sộ, gần hai mươi công trình nghiên cứu trải dài theo trục lịch sử của phương Tây từ thời cổ đại đến hiện đại. Trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài viết, chúng tôi chỉ dừng lại một số điểm khác biệt giữa bà và các nhà nữ quyền cùng thời. Có thể thấy hai vấn đề nổi bật ở bà so với các học giả ở Pháp, nhất là Simone de Beauvoir.

Thứ nhất, về sự khác biệt giới tính. Yvonne Knibiehler thừa nhận sự đóng góp của các nhà nữ quyền ở Pháp. Bà ca ngợi Giới tính thứ hai của Simonne de Beauvoir và xem đó là một đột phá lớn của phong trào nữ quyền. Tuy nhiên, bà cho rằng, sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà không chỉ nhấn mạnh ở phương diện tình dục. Chúng ta biết, Simone de Beauvoir là nhà nữ quyền nổi tiếng, bà chủ trương sự tự do của phụ nữ trên nhiều phương diện, trong đó: tự do về tình dục, tự do về hôn nhân là hai tiêu chí nổi bật của một người phụ nữ hiện đại Pháp[3]. Theo Yvonne Knibiehler, ba điểm khác biệt lớn nhất, đó là: thân thể, tình dục và làm mẹ. Trong bài báo được xuất bản đầu tiên vào năm 1976 trên Les Annales, với tựa đề: Les médecins et la nature féminine au temps du code civil”, bà cho rằng, tình dục là một chủ đề quan trọng nhưng chủ đề làm mẹ quan trọng hơn. Làm mẹ trải qua sự hoàn tất các chu kỳ khác nhau của một người phụ nữ (trinh nữ, đàn bà, tình dục, thai sản và nuôi con). Làm mẹ liên quan sâu sắc đến vấn đề tự nhiên, vì vậy, nó vĩnh cửu và phổ quát. Bà nhấn mạnh rằng, chúng ta có thể tìm hiểu về tất cả lịch sử loài người thông qua lịch sử làm mẹ[4].

Thứ hai, theo Yvonne Knibiehler, nghiên cứu về giới tính nữ luôn luôn phải tiếp cận từ góc độ y học. Bởi y học sẽ cung cấp cho chúng ta những thông số xác đáng để nhận diện sự khác biệt về giới tính. Và từ cơ sở khoa học đó, chúng ta có thể truy tìm nguyên do sự bất bình đẳng giới trong các hiện trạng xã hội. Năm 2000, bà tham gia “Hội Lịch sử sinh sản” do các bác sĩ thành lập. Hướng tiếp cận giữa nữ quyền và y học của bà đã được sự ủng hộ nhiệt tình của các bác sĩ ở Pháp. Trước hết, đó là tiến sĩ Paul Cesbron - chủ  nhiệm Khoa Phụ sản của Creil[5]. Ông nhận thấy Yvonne Knibiehler là người biết hài hòa giữa tinh thần tự do của phụ nữ với công việc tự nhiên của một người đàn bà. Bà đã được đề xuất chủ trì Hội thảo liên quan đến việc sinh con mà không đau đớn tại Châteauroux, vào năm 2002 và tại Nantes vào 2004[6]. Yvonne Knibiehler cho rằng, khi đã là một phụ nữ thì không thể không liên quan đến bác sĩ, nhất là thời kỳ mang thai. Giữa người bác sĩ và phụ nữ có một mối liên hệ sâu sắc, bởi bác sĩ là người lắng nghe và nhận diện những biến đổi trên thân thể phụ nữ. Lịch sử của y học về sản khoa thực ra là lịch sử ghi dấu ấn trên thân thể phụ nữ. Bà cũng cho rằng, bác sĩ không nên độc quyền về “diễn ngôn thân thể” của phụ nữ mà phải tự người phụ nữ nói lên những vấn đề thầm kín của thân thể, đúc kết và chia sẻ trải nghiệm đó một cách công khai.

Với những ý hướng quan trọng trên, Yvonne Knibiehler đã tập trung nghiên cứu sự khác biệt về giới tính và nguyên nhân bất bình đẳng giới trong xã hội phương Tây. Có thể nói, bà là một nữ học giả, nhà nữ quyền có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống văn hóa Pháp. Hoạt động nữ quyền và những thành tựu nghiên cứu của bà là bài học quan trọng cho bất kỳ một người phụ nữ nào trên thế giới muốn tìm kiếm sự tự do bằng việc xác lập một sự nghiệp khoa học mà không đánh mất bản năng làm mẹ của nữ giới. Chúng tôi sẽ trở lại sự nghiệp nghiên cứu đồ sộ và thú vị về giới tính nữ của bà trong một công trình nghiên cứu khác.

2. Luận giải về trinh tiết nữ giới 

Virginité  féminine là một công cụ thống trị của chủ nghĩa nam quyền?

 Theo các nhà phê bình, Trinh tiết nữ giới: huyền thoại, ảo tưởng, giải phóng  là công trình quan trọng, có nhiều đột phá trong nghiên cứu về giới. Yvonne Knibiehler đã không ngần ngại đi sâu vào vấn đề thầm kín: trinh tiết của nữ gới - lĩnh vực mà các nhà nghiên cứu ít đề cập. Bà đã đặt ra một nghịch lý: vì sao trinh tiết nữ giới liên quan sâu sắc đến cấu trúc của các nền văn hóa, tôn giáo trên thế giới nhưng “trinh tiết đàn ông” lại không phải là chủ đề bàn luận của bất kỳ xã hội nào, cộng đồng nào?

Yvonne Knibiehlher tường minh các luận điểm trên trong hơn hai trăm trang sách. Ngoài phần Dẫn luậnKết luận, công trình được kết cấu 5 phần theo một sơ đồ của niên đại. Bà khơi mở vấn đề từ thời cổ đại Hy Lạp, La Mã, qua các nền văn minh phương Tây và dừng lại ở ba tôn giáo độc thần, cuối cùng đặt ra câu hỏi cho thời kỳ hiện tại: biểu tượng trinh tiết nữ giới ngày nay có còn giá trị? 

Trong phần Dẫn luận, với tựa đề Trinh tiết là gì?[7], Yvonne Knibiehler đã đưa ra một nhận định có tính khái quát: Trong thời đại tự do về tình dục của chúng ta hôm nay, trinh tiết phụ nữ vẫn là mối bận tâm của các nền văn hóa.  Trinh tiết nữ giới vẫn là một thước đo cho mối quan hệ giữa hai giới tính, một cấu trúc của liên kết xã hội. Các nhà nữ quyền rất có lý khi phê phán “những phát minh” và ảo tưởng của nam giới về một l’hymen/màng trinh nữ giới.

2.1. Vậy trinh tiết là gì?

Giáo sư Yvonne Knibiehler đã truy tìm nguồn gốc của khái niệm trinh tiết, do diễn ngôn nam quyền tạo nên: “Theo từ điển hiện nay, trinh tiết tức là một cô gái còn trinh trắng. Và sự trinh trắng này luôn luôn phải là nữ giới, đấy là một cô gái chưa bao giờ trải qua hoạt động tình dục. Nhưng chúng ta cần phải hiểu quan hệ tình dục là gì?”[8].Yvonne Knibiehler đặt vấn đề cần phải đưa ra ánh sáng nội dung của định nghĩa này. Hoạt động trải qua từ tình trạng thái thứ nhất (cô gái) đến tình trạng thứ hai (đàn bà) này như thế nào? Có phải đơn thuần là một sự giao cấu? Bà cho rằng, với chủ nghĩa nam quyền, trinh tiết nữ giới không phải được đánh dấu bởi quá trình phát triển về thể chất và trí tuệ mà được chú ý bởi sự kiện “rách màng trinh”. Từ trạng thái của đứa trẻ, cô gái chuyển sang tuổi dậy thì, sau đó là phụ nữ và làm mẹ. Nghĩa là người phụ nữ có những biến đổi căn bản về mặt thân thể. Người đàn ông được sinh ra là cậu bé và phần còn lại, không có giải phẫu, sửa đổi hay tác động gì về mặt thân thể. Tuy nhiên, chính anh ta là người can thiệp vào hai sự kiện quan trọng của một phụ nữ: từ cô gái sang đàn bà (phá trinh/ déflorer) và từ phụ nữ sang làm mẹ (mang thai/enceinte).

Phần lớn nam giới đều tưởng tượng và khao khát chiếm hữu trinh tiết nữ giới. Bằng hành động déflorer/phá trinh và chứng kiến hiện tượng rách màng trinh, anh ta ảo tưởng mình là người đầu tiên chiếm hữu thân thể của một trinh nữ. Máu trinh nữ đảm bảo cho người đàn ông về sự tinh khiết của cô gái, người mà sẽ phụ thuộc về anh ta cả thể xác lẫn tâm hồn. Tư tưởng đó sẽ dịch chuyển qua các không gian văn hóa khác nhau, nhưng về cơ bản, chiếm hữu trinh tiết nữ giới là một phương diện quan trọng của sự thống trị nam quyền. Yvonne Knibiehler đã kiến giải các luận điểm về trinh tiết nữ giới qua các không gian văn hóa khác nhau.

2.2. Hippocrates và màng trinh/L’hymen - cú sốc đầu tiên về trinh tiết nữ giới trong nền văn minh phương Tây

Trước hết, Yvonne Knibiehler kiến giải trinh tiết nữ giới trong không gian văn hóa của thần thoại cổ đại Hy - La[9]. Người Hy Lạp đã phát minh ra khoa học y tế bằng cách quan sát cơ thể con người và họ đã khám phá ra sự hiện diện của màng trinh trong cơ thể nữ giới. Đây là cú sốc đầu tiên về giới tính nữ cũng là dấu ấn đầu tiên để phân biệt giới tính của loài người. Đàn bà khác đàn ông vì có l’hymen. Từ góc nhìn y khoa, l’hymen là một khiếm khuyết của cơ thể (một bộ phận phát triển chưa hoàn thiện của bé gái khi còn nằm trong bào thai). Khi bé gái lớn lên, đến tuổi dậy thì, muốn trở thành mẹ, phải có sự tác động déflorer (phá trinh) của đàn ông (nhân tố khách quan bên ngoài). Bé trai tự trong bào thai đã phát triển hoàn thiện. Bé trai có bao quy đầu nhưng đến tuổi trưởng thành, màng của bao quy đầu tự mất/rách (chủ thể nội tại). L’hymen và bao quy đầu là một trong những cơ sở quan trọng để phân biệt giới tính nữ/nam.

Bác sĩ Hy Lạp Hippocrates (460 - 375 TCN) được công nhận là cha đẻ của  y học và cũng là người đầu tiên tìm ra sự khác biệt giới tính này. Các bác sĩ giải phẫu học như: Herophilus, Soranos, Galen đều thống nhất trên một định đề: cơ thể của người phụ nữ kém hơn so với người đàn ông; phụ nữ chỉ dành riêng cho việc sinh đẻ để duy trì nòi giống cũng như chuyện chăm sóc nhà cửa[10]. “Hạn chế” về thân thể của phụ nữ cũng đã được triết gia Aristote nhấn mạnh trong các công trình triết học của mình. Từ cơ sở triết - y này, người Hy Lạp đã nảy sinh luật lệ: kiểm tra trinh tiết cô dâu trước lúc kết hôn. Người Hy Lạp phát hiện ra L’hymen và cũng là một trong những nơi chốn đầu tiên tôn sùng trinh tiết phụ nữ.

2.3. Trinh tiết nữ giới trong Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo

Các tôn giáo độc thần sau này như: Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo họ tiếp tục coi trọng vấn đề trinh tiết và vận dụng nó như một công cụ để giáo huấn đạo lý đối với phụ nữ. Yvonne Knibiehler cho rằng, các tôn giáo độc thần không những làm mất đi ý nghĩa của trinh tiết, mà sẽ ủng hộ những diễn giải mới về nó, từ những quan điểm khác nhau.

Đối với Do Thái giáo, trinh tiết xác thực sự chung thủy và thuần khiết của nòi giống. Người phụ nữ được tạo ra chỉ dành cho người đàn ông, đặc biệt là trên phương diện truyền giống - thuần khiết - của người Do Thái. Người đàn ông khao khát chiếm hữu cơ thể phụ nữ, nghĩa là chiếm hữu trinh tiết thông qua hành động thâm nhập dương vật lần đầu tiên vào thân thể trinh nguyên của nữ giới. Theo Yvonne Knibiehler, khăn trải giường dính máu đã xuất hiện trong tôn giáo của người Do Thái. Người đàn ông phải cưới một trinh nữ để lưu truyền dòng máu và tạo dựng dòng dõi của mình. Và để chứng minh cho sự trinh trắng này, mẹ của cô dâu phải mang một tấm vải lanh dính máu trong thời kỳ kinh nguyệt của cô gái. Sau này, máu trinh tiết thay đổi ý nghĩa: người ta không hiển thị vải lanh trước, mà là sau đêm tân hôn.

Đối với Hồi giáo, trinh tiết là một thành phần thiết yếu trong quan hệ giữa hai giới. Văn hóa Hồi giáo luôn biện minh cho tính ưu việt của nam giới, trật tự tôn giáo và trật tự xã hội thiết lập một hệ thống phân cấp giữa đàn ông và đàn bà. Tập tục tôn giáo đạo Hồi có một sức mạnh huyền bí, ngấm ngầm, cùng với mạng che mặt và biểu tượng trinh tiết, nó siết chặt và nhấn chìm sự tự do của người phụ nữ. Phụ nữ hồi giáo phải có chứng chỉ trinh tiết trước lúc kết hôn. Bất kỳ một phụ nữ nào trong đêm tân hôn, nếu không xảy ra hiện tượng “chảy máu màng trinh”, cô gái đó sẽ không được thừa nhận là vợ. Yvonne Knibiehler cho rằng, một số bác sĩ không ngần ngại khi cung cấp thông tin: phẫu thuật tái tạo màng trinh đang được y học chú trọng; bác sĩ phải nghiên cứu và thực hành về lĩnh vực này như một nghề nghiệp; mục đích của việc tái tạo, hoặc sửa chữa màng trinh: đảm bảo hạnh phúc cho một cô gái đạo Hồi. Tác giả đã dẫn chứng điều này qua chương 14, với tiêu đề Màng trinh và vụ kiện. Vụ kiện vào năm 2006 đã gây sự chú của giới truyền thông nước Pháp và thế giới, đặc biệt là các nhà hoạt động nữ quyền. Một người đàn ông Hồi giáo, sau đêm tân hôn đã thông báo hủy hôn. Anh ta cho rằng, đám cưới này có sự dối trá, cô gái đã mất trinh (xem Màng trinh ở vụ kiện)[11]. Sự kiện này đã khiến Yvonne Knibiehler  đặt lại vấn đề nữ quyền: biểu tượng trinh tiết và quyền lực thống trị nam giới vẫn tồn tại ngay trong xã lòng xã hội Pháp hiện đại - nơi dung nạp nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Đối với Kitô giáo, trinh tiết phụ nữ được thăng hoa, nó có một giá trị nổi bật về phương diện đạo đức và tinh thần. Trinh tiết là một biểu tượng quý giá đối với đàn ông cũng như phụ nữ. Đức mẹ Marie đồng trinh được nâng lên bậc thánh nữ. Trinh tiết nữ giới lần đầu tiên trong lịch sử loài người đã được đặt lên một vị trí tôn thờ. Sự đồng trinh của Đức mẹ Marie là một tín điều của Kitô giáo, mang thông điệp: Chúa Jéssu sinh ra không qua cuộc hoan lạc thân xác như con người phàm trần; cha của Jéssu là Đức chúa trời, không thuộc về cõi trần tục. Mẹ Jéssu, bà Marie đã hạ sinh con trai mà vẫn giữ được trinh nguyên của một phụ nữ bình thường, thể hiện qua ba giai đoạn: (1) Thụ thai không thông qua giao hợp với nam giới; (2) Sinh con mà vẫn còn nguyên vẹn màng trinh; (3) Sau khi sinh vẫn còn đồng trinh, tức màng trinh vẫn nguyên vẹn như một thiếu nữ[12]. Biểu tượng trinh tiết của Đức mẹ Marie đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền văn hóa phương Tây trên phương diện chính trị lẫn nghệ thuật. Không chỉ trong văn học, mà ngay cả kiến trúc, hội họa, âm nhạc, điêu khắc, hình tượng Đức mẹ Đồng trinh Marie có một ý nghĩa cao quý: người phụ nữ đã vượt lên sự cám dỗ thân xác của phàm tục để đạt đến sự tịnh khiết của tâm hồn.

Trong mục Những người vợ của Chúa[13], Yvonne Knibiehler cho rằng, các biểu tượng thánh nữ như Thècle, Agnes, Genevieve, đã chứng minh: sự tận hiến trinh tiết có thể mang lại sức mạnh tinh thần cho nữ giới. Kitô giáo cung cấp cho phụ nữ một thế giới mới, nơi mà có thể sẽ nâng tâm hồn của họ lên gần với Thượng đế. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, phụ nữ có quyền được từ chối hôn nhân, chức năng sinh sản và loại bỏ sự ham muốn thân xác để được tự do về tinh thần; nghĩa là họ được quyền phủ nhận sự ràng buộc với đàn ông. Trong phần“Les bonnes soeurs”[14], Yvonne Knibiehler cho biết, kể từ sau thế kỷ XVIII, nhiều phụ nữ lựa chọn con đường tận hiến vì Chúa và họ cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình.

Như vậy, theo Yvonne Knibiehler, cả ba tôn giáo độc thần đều quan tâm sâu sắc đến trinh tiết nữ giới, xem đó là một phạm trù đạo đức để đánh giá phụ nữ. Ba tôn giáo đều đặt ra nguyên tắc: phụ nữ luôn phải giữ gìn sự toàn vẹn trinh tiết; bất kỳ mang thai nào ngoài hôn nhân đều bị xã hội kỳ thị, gia đình ruồng bỏ. Tuy nhiên, với Kitô giáo, trinh tiết phụ nữ đã được đưa lên một phạm trù linh thiêng: trinh tiết là điều kiện để trở thành thánh nữ - biểu tượng ngưỡng vọng và tôn thờ của dân chúng. Trinh tiết giúp người phụ nữ đạo Kitô có thể có một cuộc sống tự do như ý muốn: phụng thờ Chúa bằng cả tâm hồn và thể xác.

2.4. Trinh tiết nữ giới nhìn từ khoa học hiện đại

Theo Yvonne Knibiehler, trong các công trình nghiên cứu của y học, họ xác nhận rằng việc “tái tạo màng trinh” đã được thực hiện ít nhất từ thế kỷ XIII ở Pháp. Ở phần IV, với tựa đề: Phá hủy sự linh thiêng: khoa học hiện đại, thế tục, nữ quyền[15], tác giả đã bàn về vấn đề: trinh tiết nữ giới trong khung cảnh của khoa học hiện đại. Kể từ thời kỳ Ánh sáng thế kỷ XVIII, những tiến bộ trong y học và khoa học mới, đặc biệt là giải phẫu học, đã góp phần làm sáng tỏ vấn đề trinh tiết nữ giới. Cơ thể con người trở thành đối tượng quan sát có phương pháp của khoa học; và những nhận diện về sự khác biệt của giới tính cũng đã được xem xét lại. Vì vậy, phạm trù trinh tiết nữ giới đã mang một ý nghĩa khác so với trước.

Ngay từ giữa thế kỷ XVIII, các tác phẩm quan trọng như L'histoire naturelle de l'homme của Buffon và Daubenton, L'Encycplopédie của Diderot và Alembert, họ đã nhấn mạnh rằng: L’hymen chỉ là một điều mê tín. Phần lớn đàn ông tin rằng họ có thể sở hữu độc quyền và đầu tiên về màng trinh nữ giới, khoa học hiện đại đã phá hủy những định kiến lố bịch về chủ đề này. Trong bài báo L’hymen et Virginité (Màng trinh và trinh tiết), Jourcour đã quan sát các bác sĩ từ thời cổ đại đến hiện đại, lưu ý về sự bất đồng của họ và ông kết luận rằng, giải phẫu học không tạo ra sự chắc chắn trên một luận đề về trinh tiết. Có khuynh hướng cho rằng, phần lớn cô gái bị chảy máu trong lần đầu tiên giao hợp, số khác cho rằng có thể không chảy máu.

Từ phát kiến đầu tiên của Hippocrates thời cổ đại Hy Lạp - như đã trình bày ở trên - l’hymen là một tín hiệu quan trọng nhất để nhận diện một cô gái còn trinh, chưa thông qua quan hệ tình dục; khoa học mới đã đưa ra nhiều dạng khác nhau về l’hymen và phủ nhận phần nào quan điểm của các bác sĩ thời kỳ cổ đại. Hiện nay, trinh tiết nữ giới được sáng tỏ qua giải phẫu học hiện đại. Ngoài trường phái kinh điển ở trên, trinh tiết được đề cập trong bốn hình thái đặc biệt và rất hiếm gặp: Trường hợp thứ nhất, khi sinh ra đã không có màng trinh; tức là không có màng chắn ở cửa âm đạo. Trường hợp này chắc chắn sẽ mang nghi án quan hệ tình dục và mất phẩm tiết - nếu như người nam giới không hiểu biết về y khoa. Trường hợp thứ hai, ngược lại, một số khác, rất hiếm, có màng trinh đóng kín, không có lỗ. Những trường hợp này đến tuổi dậy thì, khi đã có hành kinh, cần có sự can thiệp phẫu thuật của bác sĩ, nhằm giúp máu kinh có thể thoát ra ngoài. Trường hợp thứ ba, một số phụ nữ khác, có màng trinh dày, gây khó khăn trong quá trình giao hợp cũng cần được can thiệp phẫu thuật mới có thể thực hiện hành vi quan hệ tình dục. Trường hợp thứ tư, một số khác, màng trinh có độ đàn hồi tốt, sau khi quan hệ tình dục vẫn không bị rách. Việc thiếu hiểu biết về y khoa cùng với quan điểm đánh đồng trinh tiết với phẩm tiết đã biến phụ nữ thành nạn nhân của tư tưởng nam quyền[16].

 Rõ ràng, cơ thể phụ nữ đã trở thành một đối tượng quan sát của y học và văn học. Trinh tiết vẫn là một chủ đề còn gây nhiều tranh cãi đối với chúng ta hôm nay. Cùng với y học, phong trào nữ quyền đã góp phần lật đổ tư tưởng  chinh phục màng trinh và chiếm hữu trinh tiết của nam quyền. Trinh tiết không còn là tiêu chí cơ bản để đánh giá phẩm tiết của một phụ nữ.  

 Tuy nhiên, theo Yvonne Knibiehler, một thế lực ngấm ngầm vẫn thống ngự trong lòng của xã hội văn minh phương Tây: vẫn còn những trung tâm vá màng trinh, vẫn còn những nơi cung cấp chứng chỉ trinh tiết, nghĩa là vẫn còn sự thống trị của nam giới về thân thể phụ nữ. Yvonne Knibiehler đã lý giải biểu tượng trinh tiết nữ giới trong phần V, với tựa đề Le nouveau contexte (Bối cảnh mới)[17]. Trong phần cuối này, bà cho rằng, biểu tượng trinh tiết vẫn được chú trọng, điều này được chứng minh ở hai lĩnh vực tôn giáo: trinh tiết được tái khẳng định trong văn hóa Kitô giáo (phục hồi nghi thức hiến trinh nữ) và Hồi giáo (giấy chứng nhận trinh tiết và vá màng trinh). Bằng một kết luận để ngỏ L’Histoire continue (Câu chuyện vẫn tiếp tục), tác giả muốn nhấn mạnh: trinh tiết nữ giới vẫn là một phạm trù còn nhiều bàn cãi trong xã hội hiện nay.

 3. Trinh tiết nữ giới: tham chiếu không gian văn hóa, văn học Việt Nam

Thứ nhất, tham chiếu phạm trù trinh tiết nữ giới từ góc nhìn văn hóa. Yvone Knibiehler cho rằng, công trình của bà chủ yếu xây dựng trên nền tảng văn hóa phương Tây. Những công trình kế tiếp có thể lấp chỗ trống bằng việc tham chiếu phạm trù trinh tiết nữ giới ở các nền văn hóa khác nhau. Tác phẩm này là cơ sở để tham chiếu văn hóa phương Đông và phương Tây về phạm trù trinh tiết nữ giới.

Theo khảo sát của chúng tôi, dù có thể khác nhau trên nhiều phương diện, về cơ bản, cả hai nền văn hóa đều có chung một điểm: 1) Trinh tiết là cơ sở để đánh giá phẩm tiết, đức hạnh của một nữ giới; 2) Trinh tiết nữ giới là công cụ thống trị của của nghĩa nam quyền. Điều này đã được chúng tôi lý giải phần nào trong công trình: Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Nxb. Phụ nữ 2016. Thiết nghĩ, phương pháp tham chiếu văn hóa sẽ là cơ sở quan trọng để chúng ta nhận diện điểm tương đồng và khác biệt về trinh tiết nữ giới - một phạm trù văn hóa có tầm vĩ mô này.

Thứ hai, tham chiếu phạm trù trinh tiết nữ giới từ góc nhìn văn học.

Trong công trình này, vấn đề trinh tiết nữ giới đã được Yvonne Knibiehler diễn giải song hành với các lĩnh vực văn hóa, văn học. Từ truyện thần thánh, truyện dân gian đến các tác phẩm hiện đại đã được tác giả vận dụng để làm sáng tỏ các diễn ngôn khác nhau về giới tính nữ. Vì vậy, chúng ta có thể vận dụng hướng tiếp cận liên ngành của Yvonne Knibiehler để nghiên cứu phạm trù trinh tiết trong văn học Việt Nam. Theo khảo sát của chúng tôi, trinh tiết nữ giới là một chủ đề xuyên suốt trong văn học Việt Nam và được quan niệm, lý giải khác nhau qua các thời kỳ lịch sử. Hình như chúng ta chưa dành cho chủ đề này một sự quan tâm thích đáng?[18]

 Thiết nghĩ, một thái độ không biết đến thân thể con người trong nghiên cứu văn học là một thái độ thiếu thận trọng. Một thái độ không thấu hiểu thân thể nữ giới là một thái độ cao ngạo của chủ nghĩa nam quyền. Đi từ cơ sở dữ liệu của y học đến văn bản văn học, lý giải nguyên nhân sai lệch giữa thực thể sinh học của nữ giới với các quan niệm đạo đức xã hội là một hướng nghiên cứu phổ biến ở phương Tây nhưng chưa hề được chú trọng ở Việt Nam.

 Quả thực, không bất kỳ một lĩnh vực nào có thể biểu đạt sâu sắc mối liên hệ thầm kín, bền chặt giữa cơ thể và tâm hồn con người như lĩnh vực văn học và y học. Khi cơ thể lên tiếng về nỗi đau đớn, ham muốn, dục vọng thì đó là lúc văn học có nhu cầu tiết lộ những điều thầm kín của cá thể. Văn học nói đến tội lỗi và làm thay đổi tội lỗi; cũng vậy văn học nói đến nỗi đau và làm thay đổi nỗi đau.  Hy vọng, những kiến giải của chúng tôi về công trình trên của Yvonne Knibiehler sẽ góp phần mở ra một hướng tiếp cận mới giữa văn học và y học tại Việt Nam, nhất là phạm trù trinh tiết nữ giới.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Yvonne Knibiehler (1983), La femme et les médecins (với Catherine Fouquet), Hachette littérature.

[2] Yvonne Knibiehler (1997), La Révolution maternelle depuis 1945: femmes, maternité, citoyenneté, Perrin.

[3] Yvonne Knibiehler (2002), La Sexualité et l'histoire, Odile Jacob.

[4] Yvonne Knibiehler (2004), La Naissance en Occident (viết chung cùng bác sĩ Paul Cesbron), Albin Michel.

[5] Yvonne Knibiehler (2008), Histoire des infirmières en France au XXe siècle, Hachette.

[6] Jacqueline Fontaine (2013), Yvonne Knibiehler, La Virginité féminine: mythes, fantasmes, émancipation, Odile Jacob, 2012, La revue Éducation et socialisation, 33.

[7] Nathalie Sage Pranchère (2014), Yvonne Knibiehler, La Virginité féminine: mythes, fantasmes, émancipation, La revue Histoire, médecine et santé, p.120- 122, 5.



[1] Yvonne Knibiehler (2012), La virginité féminine : mythes, fantasmes, émancipation, Paris, Odile Jacob.

[2] Yvonne Knibiehler sinh năm 1922 tại Montpellier - một thành phố thuộc miền Nam nước Pháp. Bà là một một gương mặt sáng giá của thế kỷ XX; từng giảng dạy tại Khoa Lịch sử của Đại học Aix- en- Provence từ thập niên 70. Phần lớn các công trình nghiên cứu lịch sử của bà đều theo hướng tiếp cận: Nữ quyền và y học. Bà từng cộng tác với các y tá và bác sĩ ở bệnh viện để nghiên cứu về nữ giới; gần 20 công trình nghiên cứu của bà đều tập trung vào chủ đề này. Nhân chuyến công tác ở Aix- en- Provence (2019), tôi đã đến Khoa Lịch sử, nơi bà từng giảng dạy ở đó, nay là Đại học Aix- Marseille (THS).

[3] Xem Trần Huyền Sâm (2016), Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại, Nhà xuất bản Phụ Nữ.

[4] Mathilde Dubesset et Françoise Thébaud, Témoignage, Entretien avec Yvonne Knibiehler, Femmes, Genre, Histoir, no 21, 2005: Maternités, p. 247- 268.  Bài báo của chúng tôi sử dụng các thông tin liên quan về Yvonne Knibiehler  từ bài trao đổi này.

[5] Bác sĩ Paul Cesbron - chủ tịch của Hiệp hội l’Association nationale des centres d’interruption de grossesse (ANCIC); là người từng ủng hộ nhiệt tình Loi Veil /Luật phá thai của nữ Bộ trưởng Y tế Simone Veil. Xin xem tác phẩm viết chung của bác sĩ Paul CESBRON và Yvonne KNIBIEHLER, La Naissance en Occident, Paris, Albin Michel, 2004.

[6] Tại Hội thảo này, Yvonne Knibiehler đã thu thập những ý kiến chứng thực về phụ nữ (thân thể, tình dục, thai sản) của gần 80 nữ hộ sinh, bác sĩ thuộc lĩnh vực y khoa và các nhà xã hội học, nhân chủng học, sử học. Có lẽ, đây là hội thảo liên ngành đầu tiên giữa Y học và xã hội học gây được sự chú ý của nhiều giới ở Pháp.

[7] Yvonne Knibiehler (2012), La virginité féminine : mythes, fantasmes, émancipation, Paris, Odile Jacob, xem tr.7.

[8] Yvonne Knibiehler (2012), La virginité féminine : mythes, fantasmes, émancipation, Paris, Odile Jacob, xem tr.8.

[9] Yvonne Knibiehler (2012), La virginité féminine : mythes, fantasmes, émancipation, Paris, Odile Jacob. Vấn đề này được Yvonne Knibiehler giải trình trong Phần thứ nhất, với tự đề Huyền thoại trinh tiết. Đối với thời cổ đại Hy - La, trinh tiết là một thực thể thiêng liêng được đưa lên đỉnh Olympia. Trinh tiết liên quan đến sự bất tử của ba nữ thần Athena, Artemis và Hestia. Biểu tượng trinh nữ của ba nữ thần này chiếm giữ một vị trí quan trọng trong văn hóa thần thoại Hy Lạp. Do dung lượng hạn hẹp của bản tham luận, chúng tôi đành bỏ qua phần này, xem tr.13.

[10] Hippocrates sinh vào khoảng 460 trên đảo Cos và mất vào năm 377 trước Công nguyên ở Larissa. Ông thành lập phái Hippocrates và cách tân y học Hy Lạp cổ đại; là người khởi xướng phương pháp quan sát lâm sàng, đúc rút các bệnh lý một cách khoa học, phủ nhận phương pháp chữa bệnh mê tín, ma thuật thời bấy giờ; ông là người sáng lập ra các quy tắc đạo đức cho bác sĩ, thông qua lời thề của Hippocrates.

[11] Yvonne Knibiehler (2012), La virginité féminine : mythes, fantasmes, émancipation, Paris, Odile Jacob, xem tr.204.

[12] Yvonne Knibiehler (2012), La virginité féminine : mythes, fantasmes, émancipation, Paris, Odile Jacob, xem Phần hai, chương 5: Ánh sáng của thượng đế và giá trị của các trinh nữ, tr. 49- 75; Marie, trinh nữ và mẹ của Chúa”, tr.66.

[13] Yvonne Knibiehler (2012), La virginité féminine : mythes, fantasmes, émancipation, Paris, Odile Jacob, xem tr.70.

[14] Yvonne Knibiehler (2012), La virginité féminine : mythes, fantasmes, émancipation, Paris, Odile Jacob, xem tr.150.

[15] Yvonne Knibiehler (2012), La virginité féminine : mythes, fantasmes, émancipation, Paris, Odile Jacob, xem Phần IV: La désacralisation: Sciences modernes, Laïcité, féminisme, xem tr.133.

[16] GS.BS. Cao Ngọc Thành - Khoa Phụ sản Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế đã biên tập giúp chúng tôi các vấn đề liên quan đến y khoa trong bài báo này. Bác sĩ Cao Ngọc Thành cũng là thành viên tham gia nghiên cứu đề tài Cấp bộ (Trần Huyền Sâm chủ trì): Tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại - nhìn từ lý thuyết diễn ngôn thân thể; Mã số B2018- DHH- 64; đề tài tiếp cận theo hướng nghiên cứu: Văn học và Y học.

[17] Yvonne Knibiehler (2012), La virginité féminine : mythes, fantasmes, émancipation, Paris, Odile Jacob, xem tr.181.

[18]Xem thêm Phạm Văn Hưng (2016), Tự sự của trinh tiết: Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam trung đại thế kỷ X- XIX, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

 

 

 

 

Các bài mới
Nợ đời (17/07/2023)
Mùa em (14/07/2023)
Các bài đã đăng
Vào xuân (18/03/2020)
Huyền tích (17/03/2020)
Đời biển (05/03/2020)
Mời xòe (04/03/2020)