NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Đọc “Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa” – Tập truyện và ký của Minh Đức Hoài Trinh - Linh Bảo - Băng Thanh - NXB Hội Nhà văn, 2019)
Có thể nói đây là một cuốn sách khá đặc biệt. Có lẽ là lần đầu tiên, ba chị em, ba tiểu thư của một gia đình đại quan nổi tiếng ở Huế từ thế kỷ trước, từ ba “phương trời xa”, rất xa Huế, lại cùng chung một tuyển tập in đậm những “dấu xưa” có giá trị văn hoá và lịch sử không chỉ với Huế.
Ba tiểu thư là con Tổng đốc Võ Chuẩn, cháu nội Thượng thư Bộ Lễ Võ Liêm. Cố đô Huế thiếu chi quan lại, nhiều người còn nổi tiếng hơn, nhưng cụ Võ Chuẩn lại nổi tiếng vì đa tài, thích hướng về phương Tây kinh doanh, những mong canh tân đất nước, nhưng phải nghe lời thân phụ làm quan Nam triều. Tuy vậy, ý tưởng “canh tân” của cụ thể hiện ngay khi làm quản đạo tỉnh Kon Tum, mở mang văn hoá, giáo dục, cải thiện điều kiện canh tác, lập làng mới; đến nay, nhiều làng vẫn mang họ tên, hoặc bút danh của cụ… Đặc biệt, nếu nhắc tên người con trai của cụ là Võ Sum và cháu nội là Võ Tá Hân thì có khi lại nhiều người biết hơn. Trong tuyển tập vừa xuất bản, ba tác giả không có điều kiện viết về 2 nhân vật nói trên, nhưng có thể nói rằng: ít nhất là nhờ nguồn “gène” từ cụ Võ Chuẩn tài hoa, yêu nước và phu nhân là Công Tăng Tôn Nữ Thị Lịch mới có doanh nhân- nhạc sĩ Võ Tá Hân, tác giả ca khúc “Rất Huế” được công chúng yêu thích và hiện là Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Việt Nam tại Singapore - Vietnam 2020 ; cuộc đời lắm thăng trầm của ông Võ Sum (1923- 2009) thì phải viết bộ tiểu thuyết dày mới kể hết. Chỉ riêng giai đoạn ông học Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945, rồi tham gia kháng chiến chống Pháp, theo lời kể của ông Tôn Thất Hoàng (trong sách “Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945 - một hiện tượng lịch sử”, Nxb Công an nhân dân, 2008) đã rất… li kì. Kết thúc lớp học, cũng như các học viên khác, Võ Sum chuyển thành bộ đội Giải phóng quân Huế, nhưng nhờ “tiếp thu” tài năng của thân phụ, Võ Sum giỏi cơ khí máy móc nên được giao phụ trách ngành Quân giới - Quân khí Huế, sản xuất lựu đạn, sửa súng ống… tại Trường Kỹ nghệ thực hành. Việc chế tạo thử fun- mi- nat thủy ngân để nhồi hạt nổ trong lựu đạn do tỏa khí độc, nên đem lên làm tại nhà cụ Võ Chuẩn trên dốc Nam Giao, “các cô em Võ Sum thường bồi dưỡng cháo gà cho người pha chế. Hai cô em của Võ Sum sau này, một người hoạt động cho quân báo, một người vào Đoàn Tuyên truyền Xung phong Trung bộ dưới sự lãnh đạo của ông Hải Triều… Trong những ngày bao vây quân Pháp sau ngày toàn quốc kháng chiến, Ban Quân giới của Thừa Thiên Huế đã cung cấp đủ đạn đại bác 75mm sơn pháo Nhật bắn vào các vị trí quân Pháp đóng ở bờ nam sông Hương, đủ lựu đạn cho bộ đội ta đánh du kích quấy rối. Vỡ mặt trận, các xưởng quân giới chuyển ra Khe Trò phía Bắc tỉnh, rồi được lệnh chôn giấu máy móc công cụ, vật tư…” (Trích sách đã dẫn)
Chính là Võ Tá Hân đã hoài thai trong những ngày khó khăn này nên Võ Sum thuộc loại “có hoàn cảnh khó khăn về gia đình được phép ở lại vùng tạm bị chiếm” (sách đã dẫn) và theo lời ông Bảy Khiêm, nguyên Giám đốc Công an Thừa Thiên Huế, Võ Sum là “cộng tác viên của Bảy Khiêm… Võ Sum giỏi rađiô nên sửa cho khách và thu thập tin hoạt động của quân đội Pháp chuyển cho kháng chiến. Sum bị bắt … bị xử án “biệt xứ” đưa vào nhà tù ở Đà Nẵng…” (Sách đã dẫn) Ở Đà Nẵng, Võ Sum lại bị tù lần nữa, sau Hiệp định Genève (1954) mới được thả…
*
Tuyển tập của ba cô em gồm 3 tác phẩm viết về các chủ đề khác và cũng “khó” viết về ông anh, nhất là cuộc đời anh lại có bước ngoặt “đặc biệt” sau khi ra tù năm 1954. Tuy vậy, có thể thấy, nhờ ảnh hưởng “ông anh” hoạt động kháng chiến chống Pháp, các cô em dù sống ở phương trời nào cũng đều là người yêu nước, hướng thiện và hai tác phẩm trong tuyển tập, mặc dù viết ở miền Nam sau 1954 chỉ là chuyện “về gia đình, về cuộc đời, về xứ Huế yêu thương, về cảnh chồng chúa vợ tôi và cảnh những người hầu người thiếp thời đó…” (Trích “Lời nói đầu” Tuyển tập) chứ không chạm đến các vấn đề mà chúng ta thường gọi là “nhạy cảm” như các phe phái trong cuộc chiến giải phóng miền Nam hay đấu tranh ý thức hệ…
Trong ba tác giả, có đến hai người là nhà văn nổi tiếng một thời - nổi tiếng, nhưng bây giờ có lẽ nhiều người không biết. Cũng vì họ ở quá xa Huế và nổi tiếng trước cả Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca… Trong tuyển tập này, chỉ giới thiệu 2 tiểu thuyết trong rất nhiều tác phẩm của họ: “Hai gốc cây” của Minh Đức Hoài Trinh (MINH ĐỨC HOÀI TRINH ) và “Những đêm mưa” của Linh Bảo (LB). Bà Băng Thanh (1927- 2017) không viết văn, chỉ góp vào tuyển tập này một phần cuốn Nhật ký mà con cháu bà đặt tên là “Những câu chuyện một cuộc đời”. Tuy vậy, người phụ nữ sống thọ 90 tuổi này lại “đặc biệt” ở chỗ: Bà là người duy nhất trong gia đình sống ở Liên Khu Tư rồi ra Hà Nội cho đến cuối đời, nếm trải tất cả những khổ ải trong hai cuộc chiến tranh, nhất là giai đoạn chồng bà là nhà văn Phan Khắc Khoan (1916- 1998) bị bắt oan! Nhà văn đã được phục hồi danh dự, năm 2000 đã in Tuyển tập, nhưng bạn đọc hôm nay nhiều người không nhớ ông là một tác giả trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam…
Trong khi nhật ký của Băng Thanh là sự thật 100%, là sự bổ sung khá nhiều chi tiết sinh động cho chính sử đất nước hơn nửa thế kỷ 20 thì hai tác phẩm của MINH ĐỨC HOÀI TRINH và LB là tiểu thuyết (tức là có phần “hư cấu”) nhưng đều có yếu tố tự truyện nên cũng đầy ắp dấu ấn lịch sử Huế và đất nước thời gian qua.
Tiểu thuyết “Hai gốc cây” được mở đầu Tuyển tập với dung lượng lớn nhất cuốn sách (178/384 trang khổ lớn), mặc dù MINH ĐỨC HOÀI TRINH (1930- 2017) là cô út, do tác phẩm đậm chất tự truyện này thể hiện gần như toàn bộ cuộc đời gia đình cụ Võ Chuẩn từ ông Tham tá Tòa Khâm (1930) trở thành vị Tổng đốc về hưu sớm đi tản cư, khi mặt trận Huế vỡ (1947).
MINH ĐỨC HOÀI TRINH từng theo anh trai là Võ Sum tham gia kháng chiến, rồi du học Pháp từ năm 1964, làm phóng viên cho Đài Truyền hình Quốc gia Pháp theo dõi Hiệp định Paris năm 1972. Bà là tác giả của nhiều tập truyện và thơ, trong đó hai bài "Đừng bỏ em một mình" và "Kiếp nào có yêu nhau" do Phạm Duy phổ nhạc được nhiều người hát. “Hai gốc cây” viết năm 1966 - tên truyện là hình ảnh hai cây bồ đề và cây sanh do ông Tham Hải (nguyên mẫu chính là ông Võ Chuẩn) trồng trước nhà sau khi “quyết liệt” không nghe lời bố mẹ, lấy người mình yêu làm “vợ bé”; hơn 15 năm chứng kiến mối tình sóng gió mà cũng thật đẹp này cùng với mọi biến động trong gia đình vị đại quan, hai gốc cây qua năm tháng quấn quýt bên nhau đã bị lính Pháp “chặt sát gốc, đào cả rễ vì sợ quân du kích vô trốn trên cành mà vất lựu đạn xuống”…
Đọc những dòng cuối tiểu thuyết, tôi chợt nghĩ đến chuyện Võ Sum chỉ đạo sản xuất lựu đạn cho du kích và không thôi suy ngẫm về “duyên nợ” sự đời… Tác giả hầu như không viết gì hoạt động của “ông anh” tên là Sơn (mà Võ Sum có thể là “nguyên mẫu”) ngoài mấy dòng cho biết Sơn “hoàn toàn phải ra gánh vác công việc bên ngoài…Mỗi lần nghe tiếng ngựa của Sơn hí từ ngoài xa…ông Thượng cũng vụi mừng. Sơn có nhiều chuyện để kể…” nhưng đã dành nhiều trang cuối tiểu thuyết miêu tả bầu không khí gia đình “ông Thượng” sau Cách mạng Tháng 8 (cụ Võ Chuẩn chán thời cuộc, xin nghỉ hưu sớm khi đương chức Tổng đốc Quảng Nam, hàm Thượng thư). Như vậy, về mặt sự kiện, tiểu thuyết kết thúc năm 1948, tác giả viết “Hai gốc cây” năm 1966; quãng thời gian 18 năm và những trải nghiệm khi MINH ĐỨC HOÀI TRINH làm phóng viên ở các chiến trường đã cho bà một cái nhìn bình tĩnh và công bằng về sự kiện đã làm đảo lộn cuộc sống ở Huế - nhất là trong một gia đình quan lại như “ông Thượng”. Thậm chí, ngữ điệu trong nhiều trang văn ở đoạn này rất vui vẻ và cả giễu nhại nữa. Khi miêu tả không khí “dân chủ” trong gia đình “ông Thượng”, mấy cô con gái chê mạ đủ thứ nào là “bảo thủ, phong kiến, phản văn minh”…, “bà Thượng” than: “- Biết rứa thì tau không đẻ tụi bay ra cho mệt…”; một “tiểu thư” vừa nói: “- Thôi thì mạ cứ đuổi tụi con vô bụng lại đi!” thì các cô lại “cãi nhau để dành chỗ đứng trong bụng, chỗ nào sạch, chỗ nào bẩn.” Người mẹ phải hét lên để giữ chút uy tín cho mình: “Lớn rồi, chồng gần đi cưới cả rồi, không lo mà tập tành ăn ở đi… người ta sẽ chửi cho trên đầu chửi xuống, khi nớ mới ngồi mà khóc!” Thế là mấy “tiểu thư” hô “Đả đảo mẹ chồng! Đả đảo làm dâu!” khiến “bà Thượng” chỉ còn biết cười hòa với các con! Thấy mấy đứa con phản đối việc lấy chồng, con Mai giỏi ăn nói còn dám nói “có ngày được mời ra giữ chức bộ trưởng ngoại giao thay Nguyễn Trường Tam”, cô Trúc thì “làm đơn xin ra ứng cử chủ tịch, bị anh Sơn nạt cho”…, tác giả - qua tâm sự người mẹ - đã thốt lên: “Không ngờ cuộc cách mạng lại có ảnh hưởng vào đến cả trong tâm tư của mấy đứa con gái của mình, những đứa con mà bà đã khản cổ, khản họng dạy dỗ uốn nắn từ hai chục năm nay”. Than thở vậy, nhưng tác giả lại diễn tả với một giọng điệu “vui vẻ”, có thể vì tác giả cũng nhận thức điều chủ yếu đằng sau cuộc “đảo lộn” này: “Ai chẳng muốn cởi bỏ những xiềng xích nô lệ, ai chẳng muốn được tự mình làm chủ lấy mình, cày bừa ruộng mình ...” Cái cô Mai muốn làm bộ trưởng, còn mạnh miệng tuyên bố: “Khi mô tau làm ngoại giao thì tau bắt Tây phải ký kết đủ điều, nhìn nhận nước Việt Nam độc lập hoàn toàn, rồi tau mới bằng lòng cho khai thác vườn cao su…” Tuy là “chuyện đùa”, là tiểu thuyết, nhưng từng ấy cũng giúp chúng ta hiểu được “lập trường” yêu nước sáng rõ của tác giả.
“Lập trường” ấy cũng thể hiện rõ bằng những dòng chữ miêu tả sự đau đớn, phẫn nộ của vợ chồng “ông Thượng” khi biết hai gốc cây bị Tây chặt trụi - ông “cảm thấy tâm hồn mình đang giá buốt” và trách mình chẳng đưa tay lên tát cho thằng Tây một cái, còn bà phải “níu áo chồng cho bớt lảo đảo…” rồi òa lên khóc.
Có thể hiểu tác giả gửi gắm qua hình ảnh “Hai gốc cây” rất nhiều ý nghĩa, dễ thấy hơn cả, đó là chứng nhân, là biểu tượng của tình yêu lãng mạn, tự do - một nét văn hoá phương Tây hiện đại - “mọc rễ” và tấn công nếp sống phong kiến xưa cũ ngay tại “sào huyệt” một đại quan, nhưng trớ trêu thay, rút cục lại bị chính lính Tây thực dân hạ gục. Cây sanh và cây bồ đề ấy nay không còn trước cổng khuôn viên của “ông Thượng” xưa trên đường lên Đàn Nam Giao nữa, nhưng với tiểu thuyết “Hai gốc cây”, MINH ĐỨC HOÀI TRINH đã giữ lại cho Huế nhiều “dấu xưa” có giá trị văn hoá và cả lịch sử nữa…
*
Linh Bảo (tên thật Võ Thị Diệu Viên) sinh năm 1926, là chị của MINH ĐỨC HOÀI TRINH, nổi tiếng trên văn đàn rất sớm. In truyện đầu tay từ năm 1953, năm 1961 và 1962 bà đã được các giải thưởng có tiếng vang cho tập truyện ngắn “Mây Tần” và “Tàu ngựa cũ”. Khác với các chị em khác, từ trẻ, LB đã có tham vọng du học và bà đã sống nhiều nơi từ Trung Quốc, Hồng Kông, Anh, Pháp…Bà hiện đang sống ở Mỹ.
“Những đêm mưa” viết từ năm 1957, xuất bản năm 1961, có thể xem như là Tập 2, nối tiếp tiểu thuyết “Gió Bấc” viết năm 1953, khi LB mới 26 tuổi. Các nhà văn tên tuổi như Nhất Linh, Bình Nguyên Lộc… đánh giá cao nghệ thuật bộ tiểu thuyết này. Từ năm 1958, khi đọc tiểu thuyết “Những Đêm Mưa” định kỳ trên “Văn Hoá Ngày Nay”, Bình Nguyên Lộc (1914- 1987) - người đã được trang Bách Khoa mở Wikipedia tôn vinh là “nhà văn lớn, nhà văn hoá Nam Bộ” - đã viết:
“…Tôi thấy chị hay hơn “Gió Bấc” nhiều lắm và giọng văn của chị đã rõ nét ra, một giọng văn mà ba mươi năm nữa chưa chắc đã có người làm theo được…Tôi ngạc nhiên lắm. Bề ngoài chị rất là đờn bà, nhưng sao văn chị như văn đờn ông thế. Đọc xong bốn kỳ Những Đêm Mưa, tôi ngán sợ chị ghê lắm, sợ cái tài quan sát nội tâm và ngoại cuộc của chị rất là bất ngờ, mà nhất là sợ cái cười bình thản của chị vô cùng…”
Xin được lưu ý những nhận xét thuần về nghệ thuật nên thật có giá trị đối với một nhà văn mới vào nghề, khác hẳn trường hợp một số nhà văn “nổi tiếng” nhờ dám “chọc” vào đề tài “nhạy cảm” (như Nhã Ca viết về “Tết Mậu Thân”…)
Có thể thấy cuộc đời LB một phần là “nguyên mẫu” nhân vật Trang, do thời cuộc phải tha hương ở Trung Quốc, Hồng Kông nhưng cuộc sống vợ chồng bí bách trong căn phòng thuê chật chội đã buộc cô quay về Huế để rồi chứng kiến những bi hài kịch khi người bố già còn đòi lấy thêm vợ bé và cuối truyện là cô “lại khăn gói gió đưa… để phấn đấu, để chịu đựng những thử thách của một cuộc phiêu lưu sắp tới…” Tính cách tiểu thư táo bạo Diệu Viên và sự tiếp xúc với văn hoá Tây phương đã tạo nên bút pháp LB, miêu tả tâm lý phức tạp của con người rất sắc sảo, không ngại bóc trần những bi hài kịch trong cuộc sống gia đình khi những nền nếp xưa đã suy vong. Có lẽ chưa có nhà văn nào miêu tả cảnh lụt kinh hoàng ở Huế gây ấn tượng mạnh như LB. Điều đáng nói là trong tình huống ngặt nghèo ấy - trừ cô “vợ bé” õng ẹo, ích kỷ đến trơ trẽn - mọi người lại tỏ ra sức mạnh phi thường nhờ lòng nhân ái, vị tha…
Tôi tin rằng những ai có dịp đọc Tuyển tập của “ba người con gái Huế xưa” đều đồng tình với “Lời ngỏ” đầu sách do các cháu- chắt của các nữ sĩ chấp bút:
“…Chúng tôi muốn giới thiệu một giai đoạn lịch sử của nước Việt Nam, giai đoạn chuyển mình từ trạng thái cố kính truyền thống đến trạng thái hiện đại ngày nay …; trong đó muốn nói tới những giá trị tự ngàn xưa với mong ước nhắn gửi cho các thế hệ sau là cần gìn vàng giữ ngọc, cần bảo tồn một truyền thống của từng gia tộc, vì truyền thống đó nằm trong cả nền văn hoá chung của dân tộc chăng?...”
Và không ít bạn sẽ thú vị thốt lên: “À, thì ra Huế và văn đàn Việt Nam còn có những nữ sĩ tài danh như thế!...”
- Có thể nói việc bạn hữu tại Huế của gia đình nhà văn Ngô Thảo và gia đình ba nữ sĩ tổ chức buổi giới thiệu Tuyển tập này ở Rạp BHD Star Cineplex tại Vincom Huế, đúng vào ngày giỗ lần thứ hai của MĐTB (9/6/2019), sau khi đưa di hài của bà về quê mẹ xây mộ theo ý nguyện của MINH ĐỨC HOÀI TRINH là một việc làm có nhiều ý nghĩa, thể hiện tấm lòng của những người con xa xứ hướng đến sự hòa hợp dân tộc và không quên cội nguồn…
N.K.P