Văn học
Hạt cát diệu kỳ màu tím
09:25 | 14/07/2021

ĐẶNG VĂN SỬ

Hạt cát diệu kỳ màu tím

Tôi đang nghe kể về hạt cát bình thường. Nó bình thường như bao cái bình thường khác. Đến nỗi, người ta dẫm lên nó mà đi; người ta xả rác lên chúng, người ta đánh đồng cát là cát bụi, cát bờ. Cát ở đâu chẳng có, thiếu gì. Cả vùng mênh mông ra đó. Quanh biển, bãi bồi, dưới sông, nơi động, con đường, sa mạc, làng xã...

Vạt cát “đẫm máu” ở ngã ba đường làng sau mấy ngày khô rít lại như người ta quệt lên một lớp xi măng trán đường. Vết tích còn lại của con mực bị treo thị chúng.

Sáng hôm ấy, chiếc ghe của vợ chồng Triều - Thuỷ vào bờ muộn. Mặt trời đã nhô lên cả sào, người ta mới thấy ghe hai người ì ạch chậm rãi tiến vô bờ. Dưới những ngọn sóng gần bờ gào lên bọt trắng. Ai không quen nghề biển, quen đi ghe biển thì đứng nhìn thôi cũng thóp tim. Chiếc ghe nhỏ hơn mũi sóng cứ ngoi lên, lặn xuống ú tìm, quả là “thuyền thấp sóng cao”. Bạn buôn vọng tiếng lao xao xa gần.

Cặp nớ răng sáng ni trưa rứa bây. Ừ he, mọi khi sớm nhất nhì mà. Tau biết! Biết cái chi rứa o? Thì tụi nớ tranh thủ mần cái mới vô. Mần chi dì? Thì mần... vợ chồng nớ trẻ quá mờ, cưới năm sáu năm ni đã có con mô, coi bộ tụi nó ham làm  quá quên cả! Bộ hôm ni tranh thủ buổi sáng đẹp trời. Mệ ni tài hè! Coi tề, lím ghe! trúng đậm rồi chi nữa? Ừ đúng rồi thằng chồng đang thả sợi dây kéo cái chi to lắm bây. Ôn hà!? Không phải, đang hè chi có Ôn với Ngài. Ngoắt tề! Ới mấy ôn nớ coi giúp vợ chồng son nớ đang mắc cạn thứ gì...

Thân hình như một con người trưởng thành bị treo ngược. Bộ râu xồm xoàm mười sợi, tám sợi râu làm cánh tay và hai sợi dài gấp đôi là xúc tu kiếm ăn, chúng rủ xuống như bộ rễ cây dương, nó như muốn tìm cát để chui xuống, chui xuống để bám vào giữ đất, chống xói lở cho miền cát hoặc là nó đang muốn trốn chạy, trú ẩn để quên mình đang bị bật gốc. Cặp mắt to tròn như hai quả trứng ngỗng nhuốm màu  lân tinh. Hai quả trứng luôn như gườm lại và quay theo những con người vây xem và di chuyển tới lui. Máu trong cơ thể nó ứa ra những giọt đặc đen.

Những kẻ “yếu vía” không giám dừng lâu xem. Người ta lại thầm thì tai nhau qua hàng rào vẻ bí mật. Có người ám chỉ bằng những kí hiệu “méo mỏ lắc đầu”. Kẻ bạo gan thì lại vuốt râu, đo đạc con vật treo.

Cái tin thằng Sửu “xẻo” mấy ki lô về kho ăn từ hôm đến sáng vẫn bình an “bay vô” quán cà phê thì không quá ba mươi phút sau con vật thị chúng “bốc hơi”, còn lại sợi dây thừng lủng lẳng. Những ai chậm tay không có được miếng mồi nhâm nhi thì hơi tiêng tiếc nhưng rồi tự bào chữa “ bây coi đó, ăn cám mà trả vàng không chừng!”.

Chiếc ghe câu chòng chánh bỡi những cơn sóng khá kì lạ. Con sóng của con tàu lạ lượn quanh chiếc ghe câu. Con tàu hung dữ. Chiếc ghe câu nhỏ bé trọng lượng không quá năm tạ bị một cái neo quẳng xuống nghiêng cả mạn. Chiếc dây thừng kéo chiếc ghe cặp vào tàu. Chiếc tàu như con bạch tuột khổng lồ, vươn vòi bắt con mồi cuốn vào miệng.

Bọn hải tặc, trong vô thức chập chờn hay trong một tiềm thức nào đó, Triều hiểu vợ chồng anh ta đang gặp nạn dữ. Bằng cách nào đó, bọn quỷ đã lôi thúc vợ chồng y ngồi im vào khoan tàu của chúng. Triều động viên vợ đừng sợ, Thuỷ thì rung lên định van lạy “bọn đầu thai nhầm chỗ” này.

Triều bị sợi dây thừng bó quanh đến gần bất động. Hai thằng cận vệ cao to đứng lườm hai bên như lúc nào cũng muốn tung đòn chí mạng vào gã bị trói kia, hăm rằng sẽ xẻo thịt kẻ bị trói ra ăn thịt.

Thuỷ bị tay “đại ca một mắt” hải tặc soi mói vào từng mi li mét trên cơ thể. Hắn ta cười dam dở và gật gật đầu. Thằng giặc đưa tay ra hiệu như kêu rằng “con mồi đừng sợ” chỉ chiều hắn thoả mãn “ miếng ăn dục tính” là vợ chồng sẽ được thả đi.

Ánh mắt van xin. Ánh mắt kêu cứu. Ánh mắt căm phẩn. Ánh mắt khát tình. Ánh mắt thịnh nộ dâng trào lên đến cực độ. Độ lò xo nén đến hết mức. Gói bột lưu huỳnh đang được dẫn lửa cháy tới. Phản ứng nổ của những hạt nhân cộng hưởng lẫn nhau. Hệ nơ ron căn trào. Cơ thể của những con người bị nội chiến . Khoảnh khắc sinh - tử, giây phúc danh dự, trinh tiết đang bị xâm hại, đang bị cưỡng đoạt.

Đại ca xé phăng cái áo người đàn bà bị trói tay, bị ghì chân, bị nhét vải vào miệng... Gã cúi xuống húp vào vồng ngực rung quẫy rang nóng. Tám con mắt của lũ đàn em hau háu vào “vũ trụ” bí ẩn người đàn bà tội lỗi đang bị khai hoang và dày vò.

Con tàu sắt mặc cho sóng chọng chao. Con tàu cứ lừng khừng trôi nổi. Mây đen trên trời biển đêm đan tụ tới. Một cơn bão sắp nổi lên. Dưới tầng đáy biển rung bật những chấn động. Mặt biển đang lên sóng cuộn. Con tàu chuẩn bị lao vào vòng xoáy của hải lưu.

Thao tác gấp đổi múi dây trong nghề xiếc học được từ mười năm trước nay có tác dụng, y rút tay lôi gút và tháo dây. Trong một phần mười dây diễn ra không ai ngờ tới. Hai ả cao to bị một vòm dây rít hai cái cổ lại. Hai cú đá và một cú đấm vào mắt cùng lúc tung ra. Y cắp người đàn bà áo rách lao ra khỏi tàu phi xuống biển.

Triều tỉnh giấc, tai vẫn còn nghe miệng mình đang la.

Nhìn góc chợ chiều khét nắng mùa hạ 390 C. Những miếng ra treo lên tạm bợ, cái dù nho nhỏ che nghiêng lấy chút bóng im. Những mẹ, những chị, những “cá thể người” đang tất bật, đang đợi chờ, đang gọi mời bán mua. Cái góc ngoài chợ này là những con người khổ, họ chịu mưa, chịu nắng - là vành đai còn tiến sâu vào làchợ nông hải sản khá nổi tiếng nơi xã “trước sông, sau phá, chợ gần một bên”.

Bên kia chợ, cây xăng đang tấp nập bán. Một cơ sở khác đang xây dựng. Trong sự năng động của con người, của giao lộ, giao thương và nhiều yếu tố khác đã dự báo miền quê đang “nhảy mình” lên thị trấn.

Triều chạy đến nơi ngã ba và thầm khấn. Y hốt hết những hạt cát bị thấm màu mực tươi vào bao. Ban đầu với ý định là đem bao cát đó đổ về biển nhưng không hiểu sao y lại quày xe chạy sai hướng. Khi đến tận ngõ nhà mình, nghe tiếng vợ hỏi, y mới sực tỉnh.

Đứa bé năm tuổi vốc nắm cát trong tay và hỏi ba nó đủ thứ. “ Hoa ni vì răng có hả ba? Do cây ni nở đó con! Do răng có cây ni? Thì thiên nhiên xưa đã có! Thiên nhiên răng nằm trong sân nhà mình? Thì, thì... dưới cát nó mọc lên! Rứa cát đâu ra hả ba? Tạo hoá như thế, sau này con lớn lên con sẽ biết. Ba là người lớn chưa? Sao lại chưa con?! Thì ba nói con nghe về tạo hoá đi...”. Người cha ngoài bốn mươi tuổi trầm tư. Mạch suy nghĩ lan mang về một kỉ niệm xa xôi.

Khi ba và mẹ cưới nhau đã sáu năm mà vẫn chưa có con thì một hôm ba câu được con mực to, con mực khổng lồ, con mực to cỡ người ba. Người ta bão ba đem nó treo ngược ở ngã ba... Cát này là ba lấy cát trộn với máu con mực đó để tỏ lòng hối hận của ba đó. Sau khi ba đem bao cát đẫm mực đó về nhà mình thì cây xương rồng này mọc lên và mẹ cũng có thai con. Mới đó mà đã năm năm rồi.”

Đứa bé cầm nắm cát trong tay và có vẻ nghiêm nghị. “ Sau ni con sẽ đem mấy hạt cát ni đi khắp nơi, kể cả lên các vì sao, mặt trăng để gieo sự sống ba ơi! Con thích hoa xương rồng và cát nhà mình nhất”. Rồi đứa bé chạy vào nhà gọi mẹ.

Cơn gió nồm biển khá to nhưng không đủ làm dịu buổi mới nghiêng chiều. Ông chủ quán giật mình chỉ tay về phía biển. Khói đang nghi ngút ùn lên. Cháy. Cháy rừng phòng hộ. “ Không, vị trí đó rừng đã khai thác rồi, chỉ cháy thực bì thôi, đúng rồi!”. Có kết luận chắc chắn đó khiến tôi yên tâm hơn. Tôi tiếp tục suy nghĩ về câu chuyện vừa được nghe. Câu chuyện kì diệu. Kì diệu từ những hạt cát. Hạt cát đẫm màu mực tím.

 

 

 

Tác giả: Đặng Văn Sử
Các bài mới
Nợ đời (17/07/2023)
Mùa em (14/07/2023)
Các bài đã đăng
Thuyền câu (12/07/2021)
Cuộc mộng du (29/06/2021)
Khúc nhạc (11/06/2021)
Giọt sương (27/05/2021)