Văn học
Giá trị nghệ thuật và sự “sòng phẳng với lịch sử” của “Cuộc đời xa khuất”
14:56 | 20/07/2021

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Giá trị nghệ thuật và sự “sòng phẳng với lịch sử”  của “Cuộc đời xa khuất”

Trong khuynh hướng “ôn cố tri tân” và muốn góp phần “giải mã” những bí ẩn, những nghi án lịch sử, tiểu thuyết lịch sử chọn Triều Nguyễn làm đề tài gần đây đang được bạn đọc chú ý. “Từ Dụ Thái Hậu” tiểu thuyết 2 tập của Trần Thùy Mai vừa trình làng đã được tái bản và đoạt 2 giải thưởng danh giá (Giải Sách Hay & Giải Nhất Cuộc thi Tiểu thuyết của Hội Nhà văn 2019). “Cuộc đời xa khuất” của Lê Hoài Nam (NXB Hội Nhà văn 2021) tuy ra mắt vào những ngày hè 2021 nóng bỏng Dịch Covid-19 cũng đang được nhiều bạn đọc tìm đến. Điều lý thú là trong khi tác phẩm của Trần Thùy Mai chọn bà mẹ (Thái hậu Từ Dụ) làm trung tâm thì “Cuộc đời xa khuất” lấy người con là vua Tự Đức làm nhân vật chính. Mỗi nhà văn có cách tiếp cận lịch sử và phương pháp sáng tác khác nhau, tuy nhiên, về mặt đề tài, có thể nói hai tiểu thuyết bổ sung cho nhau, giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về Triều Nguyễn - một triều đại sau khá nhiều cuộc hội thảo, nhiều cuộc “bút chiến” giữa các nhà nghiên cứu trong mấy thập kỷ qua, vẫn còn không ít nhận định khác nhau. Về mặt nào đó, đây chính là “đất dụng võ” của các nhà tiểu thuyết, những người với thủ pháp nghệ thuật, có thể “nhìn thấy” những góc khuất, những khoảng mờ trong lịch sử…

Với “Từ Dụ Thái hậu”, Trần Thùy Mai đã mở “thêm một cánh cửa soi vào hậu cung Triều Nguyễn”. Lê Hoài Nam chọn góc nhìn khác và tất nhiên cũng với bút pháp khác. Cũng dễ hiểu vì khác với người mẹ (bà Từ Dụ) luôn được hậu thế tôn vinh, người con Hồng Nhậm - vua Tự Đức - cùng triều đại kéo dài 36 năm, ngay khi tại triều cho đến nay luôn đối diện với những bình luận trái chiều, những phê phán gay gắt và cả những “nghi án” chưa có lời giải chính thức. Viết “Cuộc đời xa khuất”, nếu tôi không nhầm, tác giả có tham vọng “bạch hóa” tất cả những điều ấy, trong đó có không ít vấn đề “nhạy cảm”. Theo tôi, cùng với cách thể hiện một cách độc đáo, đây cũng chính là một yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm.

 

1.- Thủ pháp nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ không phải bao giờ cũng song hành:

Những ai quan tâm đến văn chương hẳn đều biết luận điểm của một nhà nghiên cứu tên tuổi, đại ý rằng: “Viết cái gì không quan trọng, mà vấn đề là viết như thế nào”; nói một cách khác, khi bàn luận về một tác phẩm thì chủ yếu bình xét về cách viết, về nghệ thuật, chứ đề tài là phụ. Về “cơ bản”, tôi đồng tình với luận điểm này, mặc dù hình như đây là cách nói chủ yếu để “phản biện” quan niệm quá chú trọng đề tài của một thời…Điều dễ thấy, như “Truyện Kiều”, đề tài chỉ là cuộc đời cô gái “sa cơ thất thế”, vậy mà đây lại là một tác phẩm lớn - nhưng cũng có ngoại lệ, không ít tác phẩm, bản thân “đề tài” là một giá trị, một vấn đề lớn được xã hội quan tâm. Theo tôi, “Cuộc đời xa khuất” là một trường hợp như thế. Tuy vậy, xin được bàn trước hết về thủ pháp nghệ thuật của tác giả.

Cho đến nay, ít nhất đã có 2 tờ báo (“Thanh niên” và “Văn nghệ”) đề cao “Cuộc đời xa khuất” với  cụm từ “hội thảo phi thường” có sức lôi cuốn độc giả. Quả thật, đây là sáng tạo rất độc đáo của Lê Hoài Nam. Với một nội dung phong phú và phức tạp, tác giả “không thể chỉ chọn một phương pháp sáng tác cổ điển, bởi như thế thiên tiểu thuyết có thể phải kéo dài tới hàng ngàn trang…”; vì thế, Lê Hoài Nam đã kết hợp nhiều bút pháp khác nhau, “khi dẫn dắt theo phương pháp tiểu thuyết truyền thống, khi dùng phương pháp hoạt kê với nhip điệu nhanh theo lối viết tiểu thuyết tư liệu, khi dùng phương pháp nghệ thuật huyền ảo hậu hiện đại cho phù hợp với bối cảnh người sống cách đây hơn một thế kỷ…”

Trong “Lời  tác giả” in đầu sách, Lê Hoài Nam tâm sự như thế. Tôi đồng tình với sự lưa chọn của tác giả - một thủ pháp nghệ thuật, một cách thức miêu tả nào đó xuất hiện, chủ yếu do tính chất, đặc điểm của nội dung, chứ không để chứng tỏ mình theo trường phái “cổ điển” hay “cách tân”; tuy nhiên có lẽ không nên ghép cái chủ nghĩa thời thượng “hậu hiện đại” vào thủ pháp “huyền ảo” của tác giả, mặc dù tôi không thật thông hiểu “hậu hiện đại” cho lắm. 

Nhờ chọn thủ pháp nghệ thuật thích hợp, chỉ với 360 trang, “Cuộc đời xa khuất” đã chuyên chở được một khối lượng tư liệu lớn mà vẫn có sức cuốn hút bạn đọc. Nói cho công bằng, thủ pháp huyền ảo - để người đã chết hiện lên đối thoại với người đang sống - đã được nhiều nhà văn sử dụng từ lâu, nhưng Lê Hoài Nam là người đầu tiên đã táo bạo tưởng tượng ra 5 đêm hội ngộ kỳ lạ - cũng có thể gọi là 5 cuộc hội thảo “vô tiền khoáng hậu” bàn luận hết sức tự do, dân chủ về những sự kiện, những vấn đề xung quanh vua Tự Đức và Triều Nguyễn. Khởi đầu cuộc hội ngộ là cảnh vua Tự Đức được các tiền nhân mách bảo, thoát ra khỏi Khiêm Lăng, đến gặp giáo sư Phạm Đình Nhã. Một buổi tối, khi ông chuẩn bị khởi thảo cuốn “Văn hoá Triều Nguyễn” thì “bỗng nghe nghe có tiếng gió ào ào thổi ngoài vườn, một tia chớp lóe lên sáng lòe nhưng không hề có tiếng sấm đi kèm như lẽ thường của tự nhiên...”  Đó là lúc vua Tự Đức bước vào phòng giáo sư với “gương mặt trầm tư, da ngăm ngăm, râu cằm lởm chởm, mặc triều phục tế giao, đội mũ bình thiên…”

“Tôi mất năm 1883, nay là năm 2020, như vậy đã 117 mùa Xuân qua - vua Tự Đức nói - Giáo sư có thể tin được điều này không: 117 năm qua, tôi chưa hề chết mà vẫn sống. Tôi thành cát bụi vô tri vô giác sao được khi chính tôi đã đã để đất nước rơi vào tay giặc…”

Tuy vậy, nhà vua “tâm sự” rằng trong lúc “trăn trở, sám hối” dưới huyệt mộ, ông đã “nghe thấy, đọc thấy rất nhiều điều người đời nói và viết về tôi. Phần nhiều người ta viết đúng, nói đúng. Nhưng cũng có bài đúng một nửa…Lại có bài bịa đặt hoàn toàn…”  Chính vì thế, nhà vua “muốn được hội ngộ với những người dương thế… để đối thoại với nhau một lần cho rõ ràng minh bạch, sòng phẳng…”

Và thế là 5 đêm hội ngộ kỳ lạ đã diễn ra. Đêm thứ nhất, sau khi giáo sư Nhã thông tin với một số anh chị em trong giới cầm bút về chương trình “hội ngộ”, ông thắp ba nén hương trầm khấn mời vua và quần thần của ngài…

“…Ông vừa dứt lời… thì bỗng dưng người ông bị cất lên khỏi mặt đất, bay lên trong không trung, trên đầu là bầu trời đầy sao, dưới chân là những áng mây bay là  là, một lát sau thân thể ông từ từ hạ xuống… một căn phòng rất lớn, trên trần treo những ngọn đèn điện với những hình thù rất lạ…”

Chưa kể nội dung, với cách cho nhân vật xuất hiện kỳ ảo mới lạ như thế đã tạo được sức hút độc giả. Bạn đọc không chỉ được nghe vua Tự Đức “tự bạch” mà còn được “gặp” hầu hết những tên tuổi lớn trong lịch sử trở lại dương thế để làm chứng: những Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Hoàng Kế Viêm, Phan Thanh Giản, Nguyễn Công Trứ, Ông Ích Khiêm, Trần Tiễn Thành, Đoàn Trưng… và nhiều văn nhân nữa. Cao Bá Quát thì xuất hiện cụt đầu, “tay ông ta ôm cái đầu lâu bên hông… Đứng trước vua Tự Đức, ông ta cúi cổ, hai tay ôm cái đầu lâu giơ lên trước ngực… Tiếng nói từ cái đầu lâu ấy cất lên…” Vua Tự Đức muốn Cao Bá Quát…lắp lại cái đầu trên cổ để giới cầm bút dương thế khỏi sợ, nhưng nhà thơ họ Cao nói: “Thưa bệ hạ, thần trở về với cát bụi trong thể trạng như thế nào thì khi đến đây gặp mọi người thần giữ nguyên thể trạng ấy…” Có cả những “khách không mời” là các Thánh tử vì đạo bị sát hại dưới Triều Nguyễn. Họ trùm kín người và hầu hết cụt đầu như Cao bá Quát…

Cũng có thể nói đây là phép “lạ hóa” trong nghệ thuật mà nhà văn đạt giải Nobel Mạc Ngôn rất hay dùng. Tuy vậy, đối tượng được “lạ hóa” phải thay đổi, mới có sức hấp dẫn (với Mạc Ngôn, khi thì “lạ hóa” cảnh anh chàng ra chợ bóp vú một loạt chị em, khi thì tả người hùng râu cứng, dao cắt bị mẻ hết !...); do đó, cảnh hội ngộ kỳ ảo qua đêm thứ nhất, đến các đêm sau, sự “lạ hóa” không còn “thiêng” nữa. Giá như tác giả mạnh dạn tưởng tượng thêm nữa, chỉ tổ chức 3 đêm hội ngộ thôi, còn thay vào đó là một, hai “khung cảnh lạ” khác thì có thể hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm còn lớn hơn. Ví như bố trí cho vua Tự Đức lên đò sông Hương cùng với đoàn Nhã nhạc nhà vua vừa xây dựng, rồi ngủ lại với một-hai kỹ nữ tuyệt sắc thì nếu tác giả có tài, sẽ có thêm những trang văn hay về sông Hương - báu vật tạo hóa ban tặng cho Huế (mà “Cuộc đời xa khuất” còn thiếu); nếu muốn, sẽ có thêm cảnh “sex” …độc đáo của ông vua say thơ và bất lực; lại có dịp miêu tả hình ảnh sinh động nhà vua cùng các nghệ nhân chăm lo xây dựng nghệ thuật cung đình, thay vì để vua Tự Đức “tự khoe” một cách vắn tắt và có thể nói là “vô duyên” rằng mình “có công trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu và âm nhạc”…

Hẳn sẽ có bạn cho rằng tôi “được voi đòi tiên”; đã được tác giả cho thưởng thức thủ pháp nghệ thuật “hội ngộ” kỳ ảo có sức chuyển tải rất nhiều “chuyện” của một triều đại còn đầy “ẩn số”, lại còn…vẽ chuyện! Xin thưa, ở đây, ngoài mục đích thử gợi ý với tác giả một cách nâng cao giá trị nghệ thuật tác phẩm (Biết đâu, khi tái bản, bạn Lê Hoài Nam sẽ sửa chữa và nâng cao tác phẩm?), tôi muốn nói rằng sáng tạo nghệ thuật là vô cùng và điều quan trọng hơn, thủ pháp nghệ thuật mới cũng như hầu hết sự đời, luôn có hai mặt. Ở đây, thủ pháp sáng tạo 5 đêm “hội ngộ” đã tạo nên hiệu quả “phi thường” là chỉ với số trang hạn hẹp, tác giả đã tập hợp được nhiều nhân vật nổi tiếng, chuyển tải được nhiều “chuyện” của một thời đại có lắm vấn đề; nhưng hình như có mặt trái chưa được mấy ai chú ý: đó là hiệu quả nói trên chủ yếu về mặt thông tin sự kiện, chứ ít có hiệu quả về mặt thẩm mỹ là yếu tố quan trọng của nghệ thuật tiểu thuyết. Nói cách khác, hình thức để các nhân vật trình bày sự tích như trong 5 đêm “hội ngộ”, chủ yếu mới làm cho bạn đọc biết việc đó thế nào; nhưng một trang tiểu thuyết hay thì phải làm độc giả  rung cảm. Vì thế, thủ pháp nghệ thuật mới và hiệu quả về mặt thẩm mỹ không phải bao giờ cũng song hành. Một ví dụ dễ thấy: Có những nhân vật hề chèo thể hiện triết lý dân gian thâm thúy, nhưng chúng ta từng xem  không ít trò hề diễn trên ti-vi bị khán giả phán là “rẻ tiền”! Thử dẫn thêm một ví dụ trong cảnh Cao Bá Quát xuất hiện: Do chủ yếu “thông tin” sự việc, tác giả miêu tả cảnh vua Tự Đức “tái ngộ” họ Cao cụt đầu một cách có thể nói là vô cảm, lại còn bảo họ Cao nên lắp đầu vào! Ở đây, nhà tiểu thuyết mới chỉ sáng tạo việc họ Cao ôm đầu tái ngộ nhà vua; giá như tác giả dành 1-2 trang miêu tả diễn biến tâm trạng nhà vua-nhà thơ từng quý trọng tài năng thi sĩ họ Cao, sau “bao cuộc bể dâu”, khi nghĩ lại “nguồn cơn” và  cả sự phi lý việc hai nhà thơ lại thành tử thù, rồi họ Cao bị tử hình 2 lần (bị bắn chết, rồi bới lên chặt đầu); Tâm trạng họ Cao cũng không thể đơn giản, bình thản “Tâu bệ hạ” khi tái ngộ nhà vua… Tâm trạng, tâm lý là vô hình, biến hóa trong chốn sâu thẳm lòng người, chính là “đất dụng võ” để nhà tiểu thuyết tung hoành. Và không chỉ tâm lý, cũng rất cần miêu tả diện mạo, phong thái nhà vua khi họ Cao xuất hiện - ngài choáng váng, bất ngờ, rồi tay chân run rẩy, mặt mày tái mét, nói líu lưỡi…Tất nhiên, cũng có thể khác… Thế mới là nhân vật tiểu thuyết. Bạn sẽ hỏi: Thế thì cuốn sách sẽ phải thêm nhiều trang lắm. Đúng vậy; từ 360 trang, có thể phải viết 500 hay 700 trang. Các tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh dài như thế mà đã được tái bản nhiều lần. Tiểu thuyết “Thông reo Ngàn Hống” của Nguyễn Thế Quang viết về Nguyễn Công Trứ cũng trên 600 trang, đoạt mấy giải thưởng và đã tái bản. Mặt khác, nếu nhà văn thật “tỉnh táo” và chịu… “đau” khi cắt gọn văn mình thì có thể lược bớt khá nhiều trang có lẽ không cần thiết như để vua Tự Đức “bình giảng” khá dài dòng về giá trị các áng văn thơ của các tiền nhân (Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông…). Ngay cả nhiều trang nhà văn dành cho họ Cao, cũng có khá nhiều điều bạn đọc đã biết “thông tin” từ nhiều “kênh” khác rồi…

Tôi mạnh dạn viết những điều mà ai chỉ thích khen sẽ không bằng lòng; nhưng với tình đồng nghiệp, với lòng tin một nhà văn đã táo bạo tưởng tượng 5 đêm “hội thảo phi thường” chấp nhận nhiều ý kiến “phản biện” các lời “kết án” vua Tự Đức, sẽ đón nhận đôi điều “phản biện” của tôi với thiện ý. Sợ bài dài quá, chứ còn muốn “phản biện” nhiều nữa. Thử nói thêm 1 ý: Mặc dù tôi chia sẻ với ý tưởng tác giả rằng, tác phẩm phản ánh cả một thời đại tưởng đã “xa khuất” sau lớp bụi thời gian và lăng tẩm thâm nghiêm, nhưng thông qua tâm trạng các nhân vật và những câu chuyện diễn ra từ hơn một thế kỷ trước, bạn đọc vẫn có thể “rút ra những bài học quan thiết trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc và xây dựng đất nước hôm nay”  (Trích “Lời tác giả”); tuy vậy, cách cho vua Tự Đức, sau khi ca tụng thơ văn của các nhà vua Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông…góp phần quan trọng xây dựng văn hiến đất nước, rồi nhắc chuyện mình làm thơ mừng thọ mẹ toàn trích truyện Tàu, bà Từ Dụ “rất không thích văn chương nghệ thuật nước nhà mà cứ vay mượn sao chép của Tàu”; còn “đình thần của tôi cứ xuýt xoa khen là uyên bác, là thâm hậu…” rồi tự chỉ trích “người ta lên án triều đại của tôi đắm đuối với thơ văn mà để mất nước cũng có cái lý…”; tác giả đã “táo bạo” để cho vua Tự Đức cảnh tỉnh: “Nếu quý vị của thời đương đại bây giờ cũng có cái nhìn ác cảm với văn học, coi văn học như rác rưởi thì cho phép tôi nói thẳng, quý vị sẽ đánh mất nước thôi…” Nhà vua còn nói dài nữa, rất dũng cảm và hiện đại, nhưng theo tôi nó không thích hợp. Vì sao thì cũng dễ hiểu, trước hết là trái với tính cách khiêm nhường mà vua Tự Đức đã thể hiện trong suốt tác phẩm. Giá như để cho hai thư ký 5 đêm hội ngộ là nhà văn Hải Đăng và nữ tiến sĩ Vũ Thị Hương Giang nói vậy thì còn khả dĩ… Nếu giỏi miêu tả tâm trạng 2 kẻ sĩ cầm bút đương đại phải đắn đo, đấu tranh tư tưởng thế nào mới dám nói thế thì 2 vị ít nhiều trở thành nhân vật tiểu thuyết, còn như trong “Cuộc đời xa khuất” thì họ chỉ là cái loa phát ngôn của tác giả mà thôi!... 

 Có lẽ tôi đã đòi hỏi quá nhiều ở một tiểu thuyết; cũng chỉ vì yêu quý  bạn văn đồng nghiệp và cả đề tài mà tác giả đã nhọc công nghiên cứu thể hiện…

 

2.- Nhà tiểu thuyết có thể “sòng phẳng với lịch sử”  như thế nào?

Khi mở đầu phiên hội ngộ thứ ba, giáo sư Nhã nói: “…Sòng phẳng với lịch sử, đó là mục đích lớn nhất để có cuộc hội ngộ này…” Điều đó là đúng vì những người dự 5 đêm hội ngộ đều muốn trình bày, muốn nghe sự thật. Đó cũng là yêu cầu đối với người nghiên cứu lịch sử như giáo sư Nhã. Yêu cầu đó không đồng nhất với nhà tiểu thuyết, do đặc trưng của văn học, có khi chỉ miêu tả một góc nhìn, một số nhân vật đặc sắc có cá tính rõ nét, chứ không phải lúc nào cũng tường thuật toàn cảnh, kết luận đúng-sai, xấu-tốt dứt khoát như đinh đóng cột, nhất là với những trường hợp còn nhiều “nghi án”, còn nhiều cách đánh giá khác nhau. Cuộc đời vua Tự Đức là như thế. Tất nhiên, nhà tiểu thuyết không được ỷ thế “đặc trưng” mà xuyên tạc lịch sử.

Do đó, theo tôi, không nên soi xét quá tỉ mỉ tác giả đã sai-đúng thế nào khi để vua Tự Đức và các “nhân chứng” khác trình bày việc nọ, việc kia. Tuy nhiên, do tác giả đã “mượn” giáo sư Nhã nói rõ mục đích là “sòng phẳng với lịch sử”; mà lịch sử Triều Nguyễn - trong đó có vua Tự Đức – đến nay vẫn luôn được dư luận quan tâm và đây cũng là mà yếu tố tạo nên sức hút độc giả, nên tôi xin được nêu vài ý kiến theo hiểu biết có hạn của mình. 

Ưu điểm dễ thấy là do trung thành với tuyên ngôn “sòng phẳng với lịch sử”, tác giả với số trang không lớn, đã đưa gần như toàn bộ những sự kiện, giai thoại liên quan đến vua Tự Đức và quần thần quanh nhà vua (cả chuyện thời vua Gia Long và Minh Mệnh nữa) vào tác phẩm, không né tránh những vấn đề gay cấn, nhạy cảm nhất, với những cách nhìn khác nhau. Trong “Lời tác giả” đầu sách, Lê Hoài Nam đã viết: “Nhà vua cũng như một số trọng thần rường cột của triều đình được ca ngợi cũng có, nhưng cũng không ít những thị phi tai tiếng…Cái chết của viên quan đầu triều Phan Thanh Giản có nói lên điều gì không? Phụ chính Nguyễn Văn Tường là một dũng tướng hay kẻ hèn nhát? Hai đấng anh hùng mã thượng Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu vì sao lại chọn cái chết trong cô đơn? Mối tình nào bị lên án? Cuộc tình ngoài hôn nhân nào được thể tất bao dung? Đạo Gia-tô và quân xâm lược Pháp có liên quan gì với nhau không? Những cuộc sát đạo đã diễn ra như thế nào? Nhã nhạc cung đình Huế cùng một số điệu hò, điệu lý được sinh ra và truyền bá sao? Câu trả lời chính là một phần nội dung của tiểu thuyết…”   

Còn nhiều, rất nhiều “chuyện” được “bạch hóa” trong tác phẩm, như “loạn Chày Vôi” lúc xây Khiêm Lăng, thái độ của Tự Đức đối với những kiến nghị về canh tân đất nước, Hồng Bảo (anh vua Tự Đức) đã chết như thế nào, vì sao nhà vua “đính chính” mình không phải là nhà thơ…; cả những tiếng đồn về bí mật hậu cung như Tự Đức thực sự là con ai, vì sao nhà vua có 2 vợ và cả trăm cung nữ vẫn không có con, dù đã có “Minh Mạng thang”… Tất cả đã được “bạch hóa”, được diễn giải từ các góc nhìn khác nhau của người trong cuộc và cả cách nhìn của giới nghiên cứu lịch sử hôm nay.

Thực ra, khá nhiều “chuyện” xung quanh vua Tự Đức mà cuốn sách đề cập đã được sách báo “khai thác” hoặc “giải mã” trong những năm qua. Như “nghi án” vua Tự Đức có phải là con Trương Đăng Quế không? đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trả lời trong bộ sách đồ sộ dày 960 trang khổ lớn như một từ điển về Huế và Triều Nguyễn (“700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân” – Huế” NXB Trẻ, 2009), tuy cách lý giải có khác nhau chút ít. Nhà “Huế học” Nguyễn Đắc Xuân cũng vừa cho biết, chuyện tình giữa công chúa Mai Am và nhà thơ Nguyễn Hàm Ninh, ông cũng đã viết rồi. Hoặc như việc minh oan cho Phụ chính đại thần  Nguyễn Văn Tường một thời từng bị lên án là kẻ hèn nhát, đầu hàng giặc, đã được nhà văn Trần Xuân An (một hậu duệ của Nguyễn Văn Tường – căn cứ vào tư liệu gốc con cháu cụ sao chụp được từ Pháp…) “bạch hóa” qua một cuốn sách lớn dày gần ngàn trang khổ lớn (“Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường - Truyện-Sử kí-Khảo cứu-Tư liệu lịch sử”; Trọn bộ 4 tập - NXB Văn nghệ TPHCM 2004); việc Nguyễn Công Trứ bị “kỷ luật” xuống làm lính cũng đã được Nguyễn Thế Quang miêu tả kỹ lưỡng trong “Thông reo Ngàn Hống”  (NXB Trẻ, 2015)…Như vậy, Lê Hoài Nam có thuận lợi là kế tục và sử dụng phần nào thành quả nghiên cứu về Triều Nguyễn của những người đi trước; nhưng để viết “Cuộc đời xa khuất”, tác giả đã bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu tư liệu lịch sử Triều Nguyễn từ nhiều chiều và thử sức qua một số truyện ngắn (“Những giọt lệ đỏ thắm” viết về cuộc tình giữa vua Gia Long và Ngọc Bình vợ Quang Toản; “Vĩ nhân thời ốc đảo” viết về Nguyễn Trường Tộ và “Trời Tây xa lắc” viết về chuyến Bùi Viện đi sứ sang Mỹ từ hơn một thế kỷ trước; cả 3 truyện đã đăng báo “Văn nghệ” từ 10 năm trước và được tác giả cho “tái bản” trong tác phẩm mới này). Nhắc đến việc tác giả “tái bản” bằng cách cho nhà văn Hải Đăng đọc lại cả 3 truyện ngắn trong các đêm “hội ngộ”, theo tôi, “thủ pháp” này có phần gượng ép vì không hợp với “không khí hội thảo”; truyện “Giọt lệ đỏ thắm” gần như “lạc đề” vì rất xa với đời vua Tự Đức. Nói cho vui, có lẽ tác giả… “tiếc” một truyện hay, lại có yếu tố “sex” cho cuộc “hội ngộ” đỡ khô cứng; hai truyện sau thì nội dung rất thiết yếu với ý tưởng “ôn cố tri tân” của  tác giả, nhưng in lại nguyên văn thì quá dài…

Như đã viết ở trên, không nên quá tỉ mỉ xem nhà tiểu thuyết dẫn tư liệu sai-đúng ra sao (vì không ít “chuyện” dễ gì biết rõ sự thật – Ví như việc vua Thiệu Trị không truyền ngôi cho con cả Hồng Bảo mà chọn Hồng Nhậm (tức Tự Đức) có nhiều cách lý giải khác nhau…). Tuy vậy, có “chuyện” chúng ta không nhất thiết đối chiếu tư liệu, nghĩa là không cần biện giải sai-đúng, cũng không có gì “giật gân”, nhưng nếu tôi không nhầm, bạn đọc đều thích, vì nó có giá trị thẩm mỹ. Đó là chuyện nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh, tức Bà Huyện Thanh Quan  “một thiếu phụ tầm năm mươi tuổi, có gương mặt khả ái, mặc áo dài cổ truyền màu xanh lam, cổ đeo vòng hạt cườm” xuất hiện, sau khi tiến sĩ Trần Tiễn Thành, cũng là một quan đầu triều như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường… nêu một số dẫn chứng rằng “ nhà vua không hề hẹp hòi, thiển cận, độc ác như một số người nói”. Tác giả “Qua Đèo Ngang” và “Thăng Long thành hoài cổ” từng được vua Tự Đức gọi “vào triều giao cho chức Cung Trung Giáo Tập, dạy học cho các công chúa và cung phi” đã kể câu chuyện thú vị về bà con vùng Nghi Tàm phải cung tiến chim sâm cầm, bị quan dưới ăn chặn không nạp đủ số, khiến lý trưởng bị đánh một trăm gậy què chân… Biết chuyện, cô giáo của các công chúa liều mạng “nhờ cô Mai Am dẫn lên Điện Thái Hòa gặp nhà vua…” Không ngờ, ít lâu sau, nhà vua đã ban chiếu chỉ miễn cống nạp chim sâm cầm và xử phạt quan địa phương…Không cần viết tiếp, bạn cũng biết Bà Huyện Thanh Quan đã bình luận về nhà vua ra sao…

“Chuyện” quan trọng và phức tạp nhất trong 5 đêm “hội ngộ” là vụ các vua Nguyễn “Sát Đạo” và phong trào Văn Thân với khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả”. Đã có hàng ngàn trang sách (cả trong và ngoài nước) viết về vụ việc đau lòng này và Lê Hoài Nam cũng đã dành nhiều trang để vua Tự Đức và các nhân chứng đối chất; tác giả cũng đã cho nhà vua dẫn ra các chỉ dụ, các người theo đạo bị giết dẫn ra con số hàng ngàn tín hữu chết thảm thương  làm chúng ta rùng mình, nhưng không dễ để có “tiếng nói cuối cùng”, càng không thể đòi hỏi những điều nhà tiểu thuyết trình bày đều được “tâm phục, khẩu phục.” Bọn xâm lược Pháp thì không ai có thể bênh vực, nhưng không nên nghĩ nhà văn đã có ý “bênh vực” phe này, phái kia. Chính tác giả đã để cho vua Tự Đức nói rằng: “Trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc về tôi. Hôm nay tôi không thể nói một lời xin lỗi là xong… Lịch sử sẽ mãi trường tồn cùng  tên của tôi là chuyện sát đạo chẳng mấy hay ho này…”, mặc dù trước đó nhà vua đã trích dẫn nguyên văn chỉ dụ vạch rõ “nhiều nơi thi hành sai trái… bất kể, đều không phân biệt… lấy cớ không chịu bỏ đạo, bất kể nam nữ lão ấu đều xin giết!...” Mặt khác, khi một Thảnh tử vì đạo hỏi: “Ngài nghĩ gì về người công giáo chúng tôi mà lại có những hành động tàn sát ghê gớm đến thế?”, sau khi giáo sư Nhã xin tham gia trả lời, vạch rõ một lý do là sự khác biệt về truyền thống văn hoá dân tộc với đạo Gia-tô…, vua Tự Đức đã thẳng thắn chỉ ra “những bằng chứng không thể chối cãi: Những Cố đạo Tây phương đã trực tiếp nhúng tay vào các vụ phản loạn với mưu toan lật đổ triều đình…” Đây không phải là sự “hư cấu” của nhà văn mà nhà vua nói rõ tên tuổi, năm tháng nên hẳn là sự thật…

Vấn đề quá phức tạp, nhưng không thể dài dòng hơn; tuy vậy, qua mấy điều trên, có thể thấy tác giả cũng không bênh che nhà vua hay đổ hết lỗi cho người Công giáo. Để thấy vấn đề không (hay chưa) thể đi đến kết luận cuối cùng, bạn đọc có thể tham khảo bài viết của T.S Phan Văn Hoàng, một tác giả có uy tín, trên Tạp chí Hồn Việt (số 130 – tháng 10/2018) – và ông cũng đã phải dẫn đến 70 ý kiến của những học giả uy tín khác để bảo vệ luận cứ phê phán một học giả khả kính là sử gia Trần Trọng Kim, vì “cách lập luận của tác giả Việt Nam sử lược trong tiết “Quân Pháp đánh Đà Nẵng” (không những không lên án tội ác xâm lược của thực dân Pháp, mà ngược lại còn lớn tiếng phê phán vua quan Việt Nam “làm điều tàn ác”, “làm điều trái đạo”) trở nên lạc lõng”. Các tác giả có uy tín khác được viện dẫn, trong đó có G.S Cao Huy Thuần (Cấm đạo “sự thực chỉ là những biện pháp tự vệ mà mọi nước bị ngoại xâm và nội loạn đe dọa đều bị buộc phải dùng đến, nếu nó không muốn nhận chịu nguy cơ sụp đổ” - Cao Huy Thuần, Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam, NXB Hương Quê, Los Angeles, 1988); G.S Lê Thành Khôi (Các giáo sĩ “mở đường cho Pháp tới chiếm Việt Nam. Do đó mà khá nhiều linh mục đã bị kết án, không phải vì họ truyền giáo, mà vì bị cáo buộc làm gián điệp và âm mưu gây mất trật tự xã hội… Ước muốn duy trì sự thống nhất luân lý và chính trị đã thúc đẩy nhà vua và triều đình ban các sắc chỉ cấm đạo”); G.S Lý Chánh Trung (“Nếu chúng ta tự đặt mình vào địa vị của các vị vua ấy và vào cái khung cảnh tâm lý thời đó thì có lẽ chúng ta khó có thể làm khác hơn” - Lý Chánh Trung, Tôn giáo và dân tộc, NXB Lửa thiêng, Sài Gòn, 1973)…

Tôi chỉ là học trò của các học giả kể trên, nên viết gì thêm cũng chẳng bổ ích gì; có điều rõ rệt là bọn xâm lược thì luôn tìm cách lợi dụng bất cứ ai, vào bất cứ việc gì làm lợi cho mục đích của chúng. Đó là lời cảnh tỉnh trước những “âm mưu xâm lược” tinh vi, nhiều mặt ở thời hiện đại, là “bài học quan thiết trong sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc và xây dựng đất nước hôm nay” (“Lời tác giả”) được rút ra về “chuyện cũ” đau lòng hơn một thế kỷ trước, để không bao giờ lặp lại thảm kịch “nồi da nấu thịt” như thế nữa!

Một nội dung quan trọng nữa có tính “tổng kết” mà “Cuộc đời xa khuất” buộc bạn đọc phải nghĩ tới là sau 5 đêm “hội ngộ”, nên nhìn nhận vua Tự Đức là con người như thế nào? Trong tiểu thuyết, tác giả đã để cho nhà vua tự chỉ trích và nhắc lại đủ lời phê phán và cả chửi bới nữa của dư luận ở nhiều thời điểm. Đây cũng là vấn đề không dễ có tiếng nói cuối cùng. Tôi chia sẻ với điều nhà vua giãi bày trong lần hội ngộ giáo sư Nhã đầu tiên, sau khi nhắc lại “có những bài viết bịa đặt hoàn toàn… bịa tạc, ra những thói xấu mà tôi không hề mắc” , vua Tự Đức nói: “Tôi hiểu rằng những người ấy vì quá giận tôi để đất nước rơi vào tay giặc nên họ bịa ra những thói xấu về tôi cho hả giận!” Nói cho thật đúng thì điều quan trọng không phải là “bịa ra những thói xấu” mà do nhà vua phải gánh cái tội to nhất trong các tội lỗi là tội để mất nước - điều này là đúng; chẳng phải hôm nay chúng ta nhấn mạnh “trách nhiệm người đứng đầu” đó sao – nên nhiều người bất chấp nguyên do, tình thế, không chịu soi xét thật công bằng những hoạt động, những đóng góp vào nhiều mặt khác của xã hội cũng như nhân cách nhà vua. Về điều khá hệ trọng này, tôi đã tham khảo nhà “Huế học” Nguyễn Đắc Xuân, ông thẳng thắn trả lời:

“Vua Tự Đức không yếu hèn đâu. Pháp đánh 1858 vào Đà Nẵng không tiến ra Huế được mà phải rút chạy vào Sài Gòn. Đánh nhau thêm 4 năm nữa thì Pháp mới chiếm được Sài Gòn, mãi đến cuối đời vua Tự Đức, Việt Nam vẫn chưa mất; với vũ khí thô sơ, quân đội theo truyền thống, chống lại vũ khí phương Tây mà giữ được như thế thì sao gọi vua tự Đức yếu hèn được…”

Để rộng được dư luận, tôi hỏi ý kiến một nhà văn ở TPHCM, từng viết hàng chục tác phẩm, trong đó nhiều cuốn liên quan đến lịch sử Triều Nguyễn, rằng có thể nói vua Tự Đức là một người yêu nước không? Ông trả lời ngay: “Đúng, vua Tự Đức là người yêu nước, nhưng chuyện để mất nước là chuyện của thời thế…” (Tôi chưa xin phep nên không nêu tên, nhưng có thể nói thêm: Ông là một người đã hoạt động cách mạng bí mật nhiều năm trước 1975…)

Tôi cũng đồng tình với nhận định này. Nếu tôi không nhầm, thì với những gì diễn ra qua 5 đêm “hội ngộ”, nhà văn Lê Hoài Nam cũng nghĩ như thế.

Vậy là có 4/4 người đồng ý nhận định vua Tự Đức là người yêu nước. Trong trường hợp này, 100% không/chưa thể là kết luận cuối cùng. Tôi hình dung vẫn có người thứ 5 và có khi người thứ 6 nữa, không tán thành điều đó. “Cuộc đời xa khuất” vì thế rất nên được đọc kỹ. Một tác phẩm tiểu thuyết mà gợi ra những cách nhìn khác nhau liên quan đến những vấn đề, những nhân vật lịch sử không tầm thường cũng là một thành công của tác giả. Mặc dù tiểu thuyết không phải là khoa học lịch sử, nhưng có lẽ nhân “Cuộc đời xa khuất” ra mắt, nên có một hội thảo nghiêm chỉnh bàn về vua Tự Đức và Triều Nguyễn, để có thể dần đi đến một tiếng nói chung. Câu chuyện về vua Gia Long càng lắm điều cần bàn cãi cho ra lẽ. Đây là món nợ “thế kỷ” của giới nghiên cứu lịch sử-văn hoá, hẳn là đã đến lúc phải trả, khi Đất Nước đã Đổi Mới hơn ba thập kỷ…  

 

Trường An-Huế - 6/2021

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Nợ đời (17/07/2023)
Mùa em (14/07/2023)
Các bài đã đăng
Thuyền câu (12/07/2021)
Cuộc mộng du (29/06/2021)
Khúc nhạc (11/06/2021)